Tuyên bố giảm lãi để hỗ trợ DN khó khăn vì Covid-19, lợi nhuận 14 ngân hàng vẫn tăng "sốc"

H.Anh Thứ hai, ngày 26/07/2021 08:16 AM (GMT+7)
Theo con số thống kê của Dân Việt dựa trên BCTC 6 tháng 2021, tổng lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng đạt trên 41.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước dù nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi vì hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.
Bình luận 0

Nhiều ngân hàng lãi đậm, Kienlongbank bất ngờ tăng trưởng lợi nhuận trên 400%

Điều đáng nói, trong số 14 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) được thống kê, 100% tăng trưởng dương về lợi nhuận trong nửa đầu năm nay. Bình quân, mỗi ngày 14 ngân hàng này lãi trước thuế 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ làm ra 141 tỷ lợi nhuận/ngày.

14 ngân hàng: Mỗi ngày làm ra 230 tỷ đồng lợi nhuận, bất ngờ với Kienlongbank - Ảnh 1.

Tổng lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng đã công bố BCTC nửa đầu năm đạt trên 41.000 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, 3 ngân hàng có mức tăng trên 400% bao gồm Kienlongbank, NCBVietcapital Bank.

Trong đó, Kienlongbank là nhà băng gây bất ngờ nhất khi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất lên tới 682%, báo lãi trước thuế 806 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của Kienlongbank thậm chí tăng tới 1.323% so với lũy kế 6 tháng năm 2020.

Nhóm nhà băng có mức tăng trưởng trên 100% bao gồm LienVietPostBank (102,9%); SeABank (132,6%).

Ngược lại, ngân hàng có mức lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn nhất trong nửa đầu năm so với cùng kỳ là Saigonbank với mức tăng 9,6%.

Ngân hàng này báo lãi 137 tỷ đồng trước thuế, trong khi nửa đầu năm ngoái Saigonbank lãi 125 tỷ đồng.

Dù tăng trưởng khiêm tốn xong, Saigonbank cũng là một trong những ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm chỉ trong 6 tháng đầu năm.

Xét về giá trị tuyệt đối, 3 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong số 14 ngân hàng được thống kê đó là Techcombank với 11.536 tỷ đồng. Tiếp theo là VPBank và MB với lãi trước thuế lần lượt là hơn 9.000 tỷ và gần 8.000 tỷ đồng.

14 ngân hàng: Mỗi ngày làm ra 230 tỷ đồng lợi nhuận, bất ngờ với Kienlongbank - Ảnh 3.

Nguồn thu chính của các ngân hàng nửa đầu năm vẫn đến từ thu nhập lãi thuần

Thống kê của Dân Việt cũng cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng làm nên con số lợi nhuận khủng trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng là đến từ thu nhập ngoài lãi.

Trong đó, hoạt động dịch vụ mang về cho các ngân hàng này trên 9.300 tỷ đồng lãi thuần, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ.

Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng trên 100% như TPBank (120%); SeABank (210%; ABBank (10%); Kienlongbank (267%), NCB (368%).

Kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư cũng là hoạt động mang lại khoản lợi lớn cho 14 nhà băng này khi tăng trưởng lần lượt 105%; 24% và 38% trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần. Theo đó, tổng thu nhập lãi thuần thống kê được tới thời điểm hiện tại đạt trên 63.700 tỷ đồng, gấp 1,34 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

13/14 ngân hàng được thống kê có thu nhập lãi thuần tăng trưởng bằng lần (từ 1,08 lần đến 2,2 lần). Duy nhất Saigonbank có thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ, chỉ mang về cho ngân hàng 308 tỷ đồng.

Giải mã mức tăng trưởng khủng của lợi nhuận ngân hàng

Lý giải về nguyên nhân ngân hàng có mức lãi khủng, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng được hưởng lợi bởi 7 yếu tố.

Thứ nhất, bản thân các tổ chức tín dụng đã tự củng cố, nâng cao được năng lực quản trị, năng lực tài chính của mình.

Đơn cử, năng lực tài chính được nâng cao thông qua biện pháp tăng vốn điều lệ. Gần như tất cả các tổ chức tín dụng đã tăng được vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai. Đây chính là một trong những cơ sở tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn hệ thống của chính mình, qua đó giúp tăng năng lực quản trị một cách bền vững.

14 ngân hàng: Mỗi ngày làm ra 230 tỷ đồng lợi nhuận, bất ngờ với Kienlongbank - Ảnh 4.

Ngân hàng lãi khủng do nhiều yếu tố. (Ảnh: KLB)

Hai là, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt, nhờ có ngân hàng số và thanh toán điện tử, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Lợi nhuận được các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp so với mặt bằng xã hội là con số khá lớn nhưng nếu tính bình quân trên mặt bằng tổng tài sản, vốn điều lệ, các chỉ số tài chính như ROA, ROE… thì lợi nhuận của các tổ chức tín dụng không phải cao so với một số ngành, lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Ba là, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận (điều này phù hợp với xu thế quốc tế).

Thứ tư, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mang lại hiệu quả cao. Tới nay, 21 tổ chức tín dụng đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 42 và hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, những khoản nợ liên quan đến bất động sản, hoặc những bất động sản tồn đọng trước đây đều được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. 

Đây là một trong những điểm quan trọng giúp phá tan băng "cục máu đông" nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỷ lệ thu nhập bất thường ở các tổ chức tín dụng trong thời gian qua.

Thứ năm, bản thân các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này.

Thứ sáu, sau hơn một năm tổ chức thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí. Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.

Cuối cùng, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

14 ngân hàng: Mỗi ngày làm ra 230 tỷ đồng lợi nhuận, bất ngờ với Kienlongbank - Ảnh 5.

100% ngân hàng được thống kê báo lãi trong nửa đầu năm 2021.

Đề cập tới việc liệu ngân hàng lãi lớn có phản cảm trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay hay không, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực.

Bởi lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Những lần trước yếu kém đến từ nội bộ ngân hàng dẫn đến khủng hoảng hay do tác động của nước ngoài, ảnh hưởng của kinh tế dẫn đến đổ vỡ ngành tài chính, bất ổn vĩ mô trong nước. Nhưng hiện nay, ngành tài chính vẫn đứng vững.

Ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

"Điều này nhờ 5 năm qua chúng ta đảm bảo tăng trưởng tốt và tránh lịch sử lặp lại là tăng trưởng nóng, không tăng trưởng tín dụng quá đà, lạm phát được kiểm soát. Các ngân hàng đổi mới về quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế", ông Thành nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến bức xúc rằng ngân hàng tăng trưởng mạnh, báo cáo lợi nhuận cao trong khi nhiều ngành khó khăn, nhưng theo ông Thành, đây là câu chuyện thị trường, không thể ép được các ngân hàng phải hỗ trợ, chia sẻ. Điều quan trọng là các ngân hàng vẫn huy động và phân bổ được vốn cho nền kinh tế.

Nếu ngân hàng đứng vững mạnh, đảm bảo thanh khoản, doanh nghiệp có được dòng tiền, ngân hàng khỏe mạnh sẽ tiếp tục cung ứng được vốn cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, không chỉ một ngành mà nhiều ngành trong đại dịch vẫn có tăng trưởng tốt như các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem