Trước đó, ngày 1.8, trong Chương trình Nói không với thực phẩm bẩn của Trung tâm tin tức VTV24, VTV đã phát sóng clip đầu tiên (chúng tôi tạm gọi là bài 1 trong seri 3 bài) "Kinh hoàng chứng kiến công nghệ chế biến pa-tê, xúc xích bẩn".
Ở phần giới thiệu ngay đầu clip, người dẫn chương trình đã khẳng định: "Các loại bì lợn, nội tạng lợn bốc mùi hôi thối được phù phép bằng đủ các loại phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ để trở thành pa-tê, xúc xích món ăn ưa thích của nhiều người. Hãy cùng phóng viên VTV 24 thâm nhập cơ sở sản xuất để tận mắt chứng kiến công nghệ sản xuất pa-tê, xúc xích bẩn.”
Nội dung "thâm nhập" quy trình sản xuất xúc xích, pa-tê bẩn thực sự gây sốc cho cộng đồng.
Tuy nhiên, sau khi xem phóng sự này, nhiều khán giả đã tỏ ra nghi ngờ nhiều điểm bất hợp lý hoặc phi logic... và đặt câu hỏi có hay không sự dàn dựng của phóng viên trong phóng sự này?
Đoạn phóng sự dài 4 phút được thực hiện tại một cơ sở sản xuất xúc xích, pa-tê ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Theo thông tin của phóng viên VTV, công suất của xưởng lên đến "cả trăm kilogram một ngày". Trong clip, người xem dễ dàng nhìn thấy những rổ bì lợn, nội tạng lợn được bày dàn trải trong nhà, ruồi nhặng bay khắp nơi, bu vào cả nguyên liệu chế biến.
Nhưng người đàn ông là chủ cơ sở sản xuất pa-tê xúc xích bẩn lại rất “hợp tác” với người quay phim, hành vi và lời nói rất tự nhiên trước ống kính máy quay. Anh ta và còn hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn như: Khi cho một ít bột màu vàng vàng vào chậu thịt xay thì giới thiệu "quán phở họ vẫn dùng". Sau đó, anh ta lấy ít bột "thạch anh" trong lọ, người "thâm nhập" còn hỏi "Nhưng mà cái lọ này là lọ gì?" "Cái này là thạch anh, cho vào nó giòn một tí, người ta gọi nó là hàn the, đúng ra là như thế", người chủ cơ sở trả lời.
Hơn nữa, bản thân, trong lời dẫn của VTV cũng cho thấy đây không phải là công việc sản xuất thực phẩm bẩn hàng ngày mà có thể là “diễn”. Bằng chứng là lời nói khi đoạn xúc xích được luộc trong nồi, trong khi đó, bình thường thì họ hấp: “Thế nhưng để biểu diễn đủ công đoạn chế biến, chủ cơ sở chọn phương pháp luộc cho nhanh” - trích nguyên văn clip của VTV 24.
Để tìm hiểu thực hư, PV đã liên lạc qua điện thoại đến ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, (đồng thời gửi email thông báo về thông tin cư dân mạng nghi ngờ có việc dàn dựng của VTV 24) tuy nhiên ông Thành Lương không bắt máy và không có hồi âm. Sau đó PV tiếp tục liên lạc đến số điện thoại của bà Lê Bình, Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV 24, bà Bình cũng không bắt máy.
Tiếp đó, PV báo điện tử Infonet đã liên lạc qua điện thoại đến Thiếu tá Lê Mạnh Thanh Việt, Phó trưởng Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để tìm hiểu về vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Khi PV hỏi Thiếu tá Lê Mạnh Thanh Việt về việc có ý kiến nghi ngờ phóng sự quy trình sản xuất pa- tê, xúc xích bẩn, mà VTV 24 phát ngày 1.8, là dựng lại quy trình sản xuất, chứ không phải thâm nhập thực tế, Thiếu tá Lê Mạnh Thanh Việt "Ừ". PV hỏi "có việc dàn dựng lại không", Thiếu tá Việt nói: "Có dựng lại".
Phóng viên hỏi thêm, VTV24 và đoàn liên ngành huyện Chương Mỹ ai phát hiện cơ sở sản xuất bẩn này trước, Thiếu tá Lê Mạnh Thanh Việt cho biết: "Nguồn gốc của sự việc là ở ngoài Hà Nội, sau đó liên hệ với huyện, VTV cùng với đoàn liên ngành của huyện mới vào đấy để kiểm tra (cơ sở sản xuất- PV).
Như vậy, việc quay clip sản xuất có thể hiểu tương tự như việc "thực nghiệm hiện trường" vụ án, diễn lại để quay phim trước sự chứng kiến của liên ngành và PV VTV.
Thiếu tá Việt cũng cho biết thêm, gia đình này (cơ sở sản xuất) là làm truyền thống từ ngày xưa. Kiểm tra thì không có giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Liên ngành xử lý, thông báo lại với công an huyện. Đồng chí Chủ tịch huyện ký xử phạt 77 triệu đồng. Hiện tại cơ sở này đã dừng hoạt động kinh doanh để làm các thủ tục theo quy định".
Như vậy, nghi ngờ "video quay quy trình sản xuất này là “VTV24 dựng lại hiện trường” chứ không phải "thâm nhập" thực tế" đúng hay sai, câu trả lời xin nhường cho bạn đọc!
Trao đổi với phóng viên về mặt nghiệp vụ, một phóng viên truyền hình của nước ngoài (xin không nêu tên) cho biết: "Về thủ thuật dựng lại (reconstruction) trong báo hình, thực ra hình thức này được hầu như tất cả các tổ chức báo chí sử dụng. Khi không quay được cảnh thật vì lý do ABC nào đó, như nguy hiểm tính mạng chẳng hạn, hoặc ảnh hưởng nhân chứng, thì có thể dùng diễn viên tạo dựng lại cảnh để người xem có thể hiểu và cảm nhận ̣được hết tình hình.
Tuy nhiên các đài truyền hình đều có yêu cầu rất rõ ràng, là phải thông báo cho người xem đó là phim dựng lại, thường bằng bảng hiệu dưới chân đoạn băng hình, thậm chí người dẫn còn cảnh báo vài lần".
Hồng Chuyên (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.