Vì sao EVN không thể cam kết sản lượng điện khí trong dài hạn?

05/04/2024 17:29 GMT+7
Tại cuộc họp mới đây tại Bộ Công Thương về tìm giải pháp thực hiện dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII mới đây, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho hay, không thể cam kết sản lượng hợp đồng dài hạn bởi có rủi ro lớn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ nhiều năm nay các cơ chế, chính sách đối với dự án điện khí vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó có cơ chế mua bán điện giữa EVN và các đối tác.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.524 MW. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong quy hoạch điện VIII, những vấn đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án điện khí cần được đưa ra, trong đó quan trọng nhất là cam kết được sản lượng và giá mua, bán điện khí trong dài hạn.

Vì sao EVN không thể cam kết sản lượng điện khí trong dài hạn?- Ảnh 1.

EVN không thể cam kết sản lượng điện khí trong dài hạn

Tại Hội nghị, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn EVN thẳng thắn cho biết, vướng mắc trong đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án điện từ khí trong nước, từ khí LNG nhập khẩu hiện nay liên quan đến cam kết sản lượng hợp đồng.

"Hầu hết các chủ đầu tư đều yêu cầu cam kết sản lượng hợp đồng dài hạn để đáp ứng yêu cầu của bên cho vay và của bên cung cấp khí. Trong khi đó, EVN hiện không thể cam kết Qc dài hạn với chủ đầu tư do điều này có thể mang lại rủi ro lớn trong tương lai khi EVN vẫn phải trả tiền tương ứng với sản lượng Qc đã cam kết mà không nhận được điện do các nhà máy điện này do có giá điện cao, sản lượng được huy động sẽ thấp", ông Hải nói.

Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ ban hành, tổng quy mô công suất của 23 dự án điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.524 MW, tổng công suất nhà máy điện khí trong nước là 7.900 MW và tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí nhập khẩu là 22.624 MW.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cả nước mới chỉ có 01 nhà máy đưa vào vận hành, 2 dự án đang xây dựng dở dang. Các dự án điện khí sử dụng khí trong nước dù có chủ đầu tư song vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Đối với các dự án điện LNG, còn 3 dự án chưa lựa chọn được chủ đầu tư (Nghi Sơn, Cà Ná, Quỳnh Lập) trong đó Dự án điện khí LNG Nghi Sơn đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, các nhà máy còn lại đã có chủ đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như Sơn Mỹ I,II, Quảng Ninh, Hải Lăng...

Nhiều dự án LNG khác như Long An I, II, Nhon Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, Ô Môn II, Bạc Liêu... đang giai đoạn đàm phán hoặc thẩm định dự án.

Thực tế, theo báo cáo của các chủ đầu tư dự án, hiện nhiều dự án điện khí đang có vướng mắc lớn đối vơi EVN về cam kết sản lượng dài hạn và giá. Do giá khí và LNG biến động nên EVN phải xây dựng kịch bản giá để làm sao các doanh nghiệp có thể đáp ứng đủ sản lượng, không sợ lỗ do giá nguyên liệu biến động.

Bên cạnh đó, việc biến động nguyên liệu cho khí cũng đặt bài toán lớn cho doanh nghiệp về xuất đầu tư, bởi hiện suất đầu tư của các dự án điện khí đang cao hơn so với các dự án điện mặt trời, điện than.

­

An Linh
Cùng chuyên mục