1 năm sau ngày ký thỏa thuận "đình chiến", Trung Quốc lại thất hứa với Trump

18/01/2021 18:30 GMT+7
Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 ký kết hôm 15/1/2020 được đánh giá là chuyển biến mang tính bước ngoặt, tạm chấm dứt cuộc chiến tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng một năm đã qua đi, Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành những cam kết đã hứa với chính quyền Trump trong thỏa thuận này.

1 năm ký thỏa thuận Mỹ Trung: Trung Quốc lại thất hứa với Trump!

Trọng tâm thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 tập trung vào cam kết của Bắc Kinh sẽ tăng cường nhập khẩu thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong vòng hai năm 2020-2021. Cơ cấu chi tiết trong kim ngạch nhập khẩu tăng cường 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ mà Bắc Kinh đã cam kết như sau:

Tăng mua hàng hóa sản xuất: 32,9 tỷ USD năm 2020, 44,8 tỷ USD năm 2021.

Tăng mua nông sản: 12,5 tỷ USD năm 2020, 19,5 tỷ USD năm 2021.

Tăng mua năng lượng: 18,5 tỷ USD năm 2020, 33,9 tỷ USD năm 2021.

Tăng mua dịch vụ: 12,8 tỷ USD năm 2020, 25,1 tỷ USD năm 2021.

Như vậy trong năm 2020, Trung Quốc sẽ phải mua thêm 76,7 tỷ USD hàng hóa dịch vụ từ Mỹ so với mức kim ngạch nhập khẩu hồi năm 2017. Nghĩa là để hoàn thành cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với chính quyền Trump, Trung Quốc cần nhập khẩu 159 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong năm 2020. Trung Quốc cũng cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường tài chính trong nước với các công ty Mỹ. 

Đổi lại, chính quyền Trump đồng ý tạm đình chỉ cuộc chiến tranh thuế quan bằng cách cắt giảm hoặc trì hoãn mức thuế trừng phạt áp lên một số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dù vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu với 370 tỷ USD hàng hóa khác.

1 năm sau ngày ký thỏa thuận "đình chiến", Trung Quốc lại thất hứa với Trump - Ảnh 1.

Thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 được xem là thỏa thuận "đình chiến" tạm chấm dứt cuộc chiến tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Nhưng theo một phân tích của chuyên gia quan sát Chad Bown - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tính đến tháng 11/2020, tổng kim ngạch nhập khẩu thực tế của quốc gia Đông Á này mới chỉ đạt khoảng 82 tỷ USD, tức tương đương 52% mục tiêu nhập khẩu cần thiết của năm. Mức nhập khẩu yếu ớt một phần là do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm suy giảm nhu cầu nội địa của thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Theo ông Chad Bown, tính đến hết 11 tháng đầu năm 2020. Trung Quốc đã đáp ứng 67% kim ngạch nhập khẩu nông sản mục tiêu. Con số này là 52% với các mặt hàng sản xuất và 31% với mặt hàng năng lượng. 

Simon Lester, phó giám đốc nghiên cứu chính sách thương mại Viện Cato nhận định: “Đa số không kỳ vọng Trung Quốc thực hiện đủ những mục tiêu họ cam kết ngay từ lúc hai nước ký thỏa thuận”.

Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung - tổ chức đại diện cho các đại công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc thì cho rằng: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã nỗ lực tuân thủ các cam kết của họ trên khía cạnh cấu trúc. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc bắt kịp mục tiêu về định lượng”.

Theo cơ quan thống kê Mỹ, mặc dù Trung Quốc không hoàn thành mức tăng mua đã cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2020 đã chứng kiến mức tăng 13% so với hồi 2019. Trong khi đó, hoạt động kinh tế chững lại khi đại dịch bùng phát khiến kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc về Mỹ giảm 5,8%, dẫn đến cán cân thương mại song phương giảm 12% xuống còn 283 tỷ USD trong cùng kỳ.

Về phía Bắc Kinh, khi được hỏi về tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại của Bắc Kinh, ông Li Wenkui - phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã viện dẫn dữ liệu thống kê cho thấy sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng Mỹ, đặc biệt là nông sản như đậu nành và thịt lợn. Tuy nhiên, trên nhiều khía cạnh khác, tiêu biểu là năng lượng, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc vẫn còn kém xa mức mục tiêu. 

Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 có thực sự là chiến thắng cho nước Mỹ?

Một số quan chức thương mại Mỹ như Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã bênh vực thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 khi cho rằng dấu mốc này mang đến sự thay đổi lớn về cấu trúc trong chính sách của Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ. Ví dụ, việc Trung Quốc loại bỏ các rào cản cơ cấu với hàng nhập khẩu Mỹ đã dẫn tới kim ngạch xuất khẩu thịt bò Mỹ sang thị trường tỷ dân trong 8 tháng đầu năm 2020 tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2019. 

“Thỏa thuận là một thắng lợi lớn… Ta chỉ cần duy trì thuế quan và các cam kết mua hàng, đảm bảo Trung Quốc tuân thủ đúng lời hứa của họ” - ông Lighthizer nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hồi tuần trước.

1 năm sau ngày ký thỏa thuận "đình chiến", Trung Quốc lại thất hứa với Trump - Ảnh 3.

Trump và các quan chức chính quyền Trump khẳng định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc là một thắng lợi lớn

Nhưng  Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung phối hợp với Oxford Economics gần đây đã công bố một báo cáo ước tính rằng thuế quan trừng phạt mà chính quyền Trump áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như thuế trả đũa của Bắc Kinh đã khiến thị trường lao động Mỹ mất đi 245.000 việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ gia tăng khiến họ buộc phải cắt giảm chi phí lao động. Nhiều công ty Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào linh kiện và sản phẩm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chỉ trích hệ lụy tiêu cực từ mức thuế quan mà chính quyền Trump duy trì với hàng hóa, dịch vụ Trung Quốc sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Các doanh nghiệp này cho rằng thuế quan chỉ làm tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh, gây ra tình trạng mất việc làm và đội giá sản phẩm, làm tổn thương chính người lao động cũng như người tiêu dùng Mỹ.

John Murphy, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chính sách quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ đồng tình với quan điểm này. “Gánh nặng kinh tế từ thuế quan là rất lớn. Nó tác động ngược lại, gây tổn hại cho chính ngành sản xuất và nông nghiệp Mỹ”.

Đặc biệt vài tháng gần đây, thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại khi nhập khẩu của Mỹ bắt đầu phục hồi. Từ phía Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của nước này cũng tăng mạnh 3,6% trong năm 2020 do các lô hàng vật tư y tế và thiết bị máy tính tăng vọt. Ước tính trong năm 2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới tăng vọt lên 535,03 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ năm 2015 đến nay. Điều đó nghĩa là chính quyền Trump đã thất bại trong nỗ lực giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Joe Biden tới đây sẽ kế thừa thỏa thuận Mỹ Trung còn dang dở từ nhiệm kỳ Trump, dù ông Biden đến nay chưa cho biết sẽ làm gì với các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận này. Nhiều khả năng, chính quyền Biden sẽ phải tìm cách giải quyết các xung đột cốt lõi về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, như vấn đề chuyển giao công nghệ hay quyền sở hữu trí tuệ. 

Trong khi Mỹ vẫn đang vật lộn với nền kinh tế suy yếu do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, Trung Quốc hôm 18/1 báo cáo tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,3%, vượt dự báo 1,9% của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Nước này cũng được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020.


NTTD
Cùng chuyên mục