10 năm nghiên cứu, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vẫn "bỏ ngỏ"

Lê Thúy Thứ ba, ngày 13/11/2018 16:03 PM (GMT+7)
Tại hội nghị công bố báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đến nay đúng 1 thập kỷ nghiên cứu, nhưng hiện tại vẫn chưa có câu trả lời là sẽ được thông qua hay không?
Bình luận 0

Ngày 12/11, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị nghe liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH công bố báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn tuyến là 58,71 tỷ USD (giai đoạn một 24,71 tỷ USD, giai đoạn hai 34 tỷ USD). Nguồn vốn  nhà nước cần tối thiểu 80% tổng mức đầu tư, vốn tư nhân sử dụng cho mua đầu máy, toa xe và các thiết bị khác, sau đó tư nhân sẽ khai thác hoàn vốn đã đầu tư...

Dự án sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2019, thông qua vào cuối năm 2019.

Cân nhắc con số đầu tư

Đánh giá về con số 58,7 tỷ USD tổng mức đầu tư cho dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, với khoảng cách 1.500 km Bắc - Nam, tổng mức đầu tư gần 59 tỷ USD tương ứng suất đầu tư mỗi km là 38 triệu USD, gần gấp 1,5 lần suất đầu tư làm đường sắt ở Bắc Kinh, Thượng Hải ở Trung Quốc (27 triệu USD) và Tây Ban Nha (26 triệu USD).

Con số đầu tư này là rất cao với một nước có nền kinh tế đang phát triển và nợ công trên 60% như Việt Nam.

Tại hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng khoa đầu tư, Học viện Chính sách Phát triển đặt câu hỏi, chúng ta thử nghiên cứu các nước phát triển thấp, nợ công trên dưới 60% GDP xem họ có đầu tư đường sắt gần 60 tỷ USD không?"

Ông nhấn mạnh, tài chính là vấn đề lớn nhất của dự án đường sắt tốc độ cao. Ví dụ, chi phí các năm hoạt động của tuyến đường sắt này như thế nào? Ngân sách nhà nước bù lỗ giai đoạn đầu bao nhiêu, vì con số không chỉ dừng ở 58 tỷ USD đầu tư mà khi dự án đi vào hoạt động chắc chắn nhà nước vẫn phải bù lỗ.

img 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông

Lý giải việc này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết các nước không phải mất chi phí giải phóng mặt bằng nên không thể so sánh với họ. "Đất đai Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, khi nhà nước cần lấy cho dự án thì chỉ giải quyết khâu tái định cư cho người dân mà không phải đền bù. Do vậy chi phí xây dựng của họ thấp hơn nhiều so với chúng ta", ông Đông nói.

Ngoài ra, Trung Quốc và một số nước châu Âu đang có lợi thế hơn Việt Nam là đã làm chủ công nghệ xây dựng tàu đường sắt tốc độ cao, có các công ty xây dựng chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản, trong khi Việt Nam mới bắt đầu xây dựng lộ trình để đào tạo và nghiên cứu công nghệ.

Để xây dựng được hệ thống đường sắt tốc độ cao, theo Thứ trưởng Đông, Việt Nam sẽ phải mua toàn bộ từ đầu máy, trang thiết bị vận hành, công nghệ từ nước ngoài, từ đó chi phí sẽ cao hơn rất nhiều so với tự sản xuất trong nước.

Đại diện Bộ Giao thông cũng cho rằng số tiền 58,71 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam chỉ là chi phí khái toán ban đầu để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Chi phí này đã được tư vấn tính toán, bóc tách trên khối lượng cần thi công. "Tuy nhiên, khi vận hành, xác định thời gian đầu sẽ lỗ, nhà nước phải hỗ trợ 10-12 năm qua chi phí duy tu, bảo dưỡng", ông Đông nhấn mạnh.

Không phải động lực thần kỳ để phát triển nền kinh tế

Theo ông Vũ Hoài Nam, chuyên gia giao thông, Việt Nam cần cân nhắc khi đầu tư dự án này vì để làm được dự án đường sắc tốc độ cao Bắc - Nam thì Nhà nước phải đi vay 100% với số tiền lên tới 58 tỷ USD và số vay này sẽ khiến nợ công vượt trần, nợ gốc và lãi hàng năm phải trả là rất lớn, gây áp lực lên nền kinh tế.

Ông Nam nói “Chúng ta cần phải cân nhắc về tài chính cho dự án này. Hiện nay nếu vay vốn 100% tổng mức đầu tư của dự án thì điều chúng ta lăn tăn đó là nợ Chính phủ lên tới 1,5 lần nợ công hiện nay. Còn nếu đi vay, tính lãi suất thì cũng yêu cầu làm rõ xem tiền lãi suất chi trả hàng năm là bao nhiêu tiền.

img 

Tàu tốc độ cao được đề xuất sử dụng công nghệ giống Nhật Bản

Tôi tính sơ bộ, nếu đi vay 100% dự án, lãi suất thương mại vào khoảng 7%/năm thì chi phí lãi vay của chúng ta tương đương giá trị xuất khẩu của 1 ngành dệt may trong 1 năm” ông Vũ Hoài Nam, chuyên gia công trình giao thông bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, "Để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, tính riêng chi phí tư vấn thiết kế đã lên tới 3 tỷ USD, số tiền này đủ để Việt Nam nâng cấp, cải thiện hệ thống đường sắt hiện tại để hoạt động hiệu quả"

Ông Nam nhấn mạnh “Chúng ta cần phải làm rõ, chúng ta đi vay và trả nợ bằng cách nào? Còn nếu xét về lợi ích, theo số liệu chúng tôi có về kinh nghiệm nghiên cứu đường sắt cao tốc thế giới thì Châu Âu chỉ tăng thêm 0,25%GDP và 0,11% việc làm của các ước Châu Âu. Nói như vậy để chúng ta phải cân nhắc 1 cách thận trọng rằng dự án này nó không phải là giải pháp hay động lực thần kỳ để phát triển nền kinh tế nhất là chúng ta phát triển đường sắt phục vụ hành khách”

Đồng quan điểm, ông Trần Tiến Dũng, Viện quản lý Kinh tế Trung ương nếu nhìn về mặt kinh tế, xã hội thì dự án này chưa mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội.

“Ví dụ như Astralia khi so sánh với lợi ích kinh tế, xã hội họ thấy rằng số tiền đầu tư cho đường sắt tốc độ cao có thể đầu tư cho những hình thức khác cao hiệu quả hơn” ông Dũng cho biết.

Với những trở ngại còn hiện hữu, Thứ trưởng Đông cho biết, “Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đến nay đúng 1 thập kỷ nghiên cứu, nhưng hiện tại vẫn chưa có câu trả lời là sẽ được thông qua hay không?”

“Chúng tôi nói rất thẳng thắn vì thông qua là phải xem xét các cấp có thẩm quyền từ thẩm định Nhà nước, đến Chính phủ đến ý kiến của Đảng, Quốc hội”, ông Đông khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem