112 lao động Việt nhiễm Covid-19 tại Châu Phi sẽ được về nước càng sớm càng tốt

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 11/07/2020 07:45 AM (GMT+7)
Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) lên kế hoạch đưa các lao động bị nhiễm Covid-19 về nước. Tinh thần là phải sớm lo thủ tục bay và chuẩn bị để thực hiện cách ly ngay.
Bình luận 0

Chiều tối 10/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã đồng ý giao các bộ, ngành liên quan chuẩn bị phương án đưa 112 lao động Việt Nam tại Châu Phi bị nhiễm Covid-19 về nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và Bộ LĐTBXH sẽ lên kế hoạch đưa các lao động này về.

Đây là các lao động trong nhóm 219 người đi làm việc cho một dự án thủy điện tại Guinea Xích Đạo do 3 nhà thầu phụ là Công ty Lilama 10, Công ty CM Vietnam và Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Tân Đại Lợi đưa đi theo hợp đồng với Công ty tổng thầu Duglas Alliance Ltd (Anh).

 112 lao động Việt nhiễm Covid -19 tại Châu Phi sẽ được về nước - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Châu Phi. Ảnh: I.T

"Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đưa các lao động về nước càng sớm càng tốt. Có thể trong ngày mai hoặc ngày kia, Bộ LĐTBXH sẽ làm việc thêm với Bộ GTVT vì liên quan đến sân bay, khả năng tiếp nhận và xin giấy phép bay", ông Thanh thông tin,

Trước mắt, các bộ, ngành liên quan sẽ lo thủ tục để sớm nhất đưa người lao động về nước. Khi về sẽ thực hiện cách ly và điều trị. 3 doanh nghiệp trúng thầu đưa lao động đi cùng nhà thầu sẽ phải có trách nhiệm đảm bảo các chi phí cho các lao động này.

Còn theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), hơn 200 lao động, chủ yếu là công nhân xây dựng, không phải đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dịch vụ, mà đi theo dạng nhận thầu, trúng thầu công trình. Do đó, Cục không thẩm định hợp đồng, mà các công ty này phải báo cáo việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các hợp đồng đều có thời hạn 26 tháng và hầu hết người lao động đã sang làm việc ít nhất được 20 tháng.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, Cục sẽ theo dõi sát diễn biến trong việc di chuyển lao động. Cục sẽ thông tin ngay khi có thông tin mới về vấn đề này. 

Trước đó, ngày 7/7, các lao động đang làm việc tại dự án thủy điện Sendje, Guinea Xích đạo đã lên mạng xã hội kêu cứu do nhiều lao động Việt Nam tại đây đi xét nghiệm cho kết quả nhiễm Covid-19. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và điều kiện cơ sở vật chất, y tế còn hạn chế ở nước sở tại, mong muốn của các lao động là được điều trị kịp thời và được trở về nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem