14 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 29/04/2022 08:05 AM (GMT+7)
Việt Nam có đến 14 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Nếu người mang gen bệnh mà vô tư kết hôn có thể sinh con mang bệnh suốt đời.
Bình luận 0

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, hiện tất cả 63 tỉnh, thành phố và 54 dân tộc đều có người mang gene bệnh Thalassemia.

Người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia có nguy cơ sinh con mang gen bệnh 

Tỷ lệ mang gene bệnh của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Với tỷ lệ mang gene bệnh trên 13% thì ước tính có khoảng 14 triệu người Việt mang gene bệnh. Có nhiều dân tộc tỷ lệ mang gene Thalassemia lên tới 30-40%, riêng dân tộc Kinh là 9,8%.

14 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia  - Ảnh 1.

Bệnh nhân mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia khi phát bệnh sẽ phải sống bằng máu của người khác cả đời. (Bệnh nhân Thalassemia tại Trung tâm Thalassemia thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. ẢNh BVCC)

Theo kết quả khảo sát mới nhất năm 2020 tại Việt Nam, có khoảng 57% bệnh nhân Thalassemia sống dưới 20 tuổi. Trong khi tại các nước khác trên thế giới, con số bệnh nhân thể nặng có tuổi đời dao động từ 3-40 tuổi.

Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường. Do vậy tỷ lệ nam và nữ bị bệnh như nhau.

Khi cả vợ và chồng cùng mang gene bệnh Thalassemia thì mỗi lần sinh có 25% nguy cơ con bị bệnh, 50% khả năng con mang một gene bệnh và 25% khả năng con bình thường.

Gánh nặng của bệnh Thalassemia rất nghiêm trọng, người bệnh phải sống bằng máu của người khác suốt đời, chất lượng sống suy giảm. 

Những hậu quả này có thể dự phòng và giảm bớt gánh nặng nếu được phát hiện sớm. 

"Tuy nhiên, nhiều người không biết mình mang gen bệnh. Trong khi những người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia cần phải làm chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán trước chuyển phôi cho các thai phụ để họ sinh ra những đứa con khỏe mạnh", TS Hà cho biết. 

Theo TS Hà, hiện nay, 1 số nước trên thế giới đã làm tốt việc sàng lọc trước sinh cho những người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Nhờ việc sàng lọc sớm này mà tỷ lệ người mang gene Thalassemia nặng ở các nước này có thể sống trên 45 tuổi lên tới 80%. Việc phòng bệnh tốt sẽ mang lại hiệu quả quốc gia rõ rệt, chất lượng sống thay đổi.

"Tại Việt Nam, nếu tính con số 14 triệu người mang gene bệnh trên toàn quốc không được tư vấn tiền hôn nhân mà kết hôn ngẫu nhiên sẽ có 8.000 trẻ mang 2 gene bệnh và 800 trẻ không có cơ hội ra đời do phù thai, 2.000 trẻ bệnh nhân nặng", TS Hà nhấn mạnh. 

14 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia  - Ảnh 3.

Sàng lọc trước sinh để phát hiện cha mẹ có gen bệnh có thể làm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh Thalassemia. (Một em bé Thalassemia tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh BVCC)

Sàng lọc tiền hôn nhân giúp phòng ngừa bệnh Thalassemia từ sớm

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định và hướng dẫn sàng lọc bệnh Thalassemia ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa thực sự thấy được sự cần thiết của việc sàng lọc Thalassemia. 

Do đó, cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động để thanh niên và người trong độ tuổi sinh đẻ chủ động xét nghiệm, tầm soát gene bệnh Thalassemia. 

TS Hà phân tích, hai người khỏe mạnh bình thường, có thể cùng mang gene Thalassemia và khi kết hôn có nguy cơ sinh ra con bị bệnh thể nặng. Các biện pháp phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh:

Do đó, các bạn trẻ và những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gene bệnh Thalassemia càng sớm càng tốt. Người mang gene bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gene để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng. 

Các cặp đôi cùng mang gene Thalassemia đã kết hôn cần được tư vấn trước khi mang thai và thực hiện các biện pháp chẩn đoán trước sinh phù hợp. Nếu người vợ đã mang thai cần sàng lọc trước sinh trong những tháng đầu nhằm phát hiện gene bệnh có thể có ở thai nhi và tư vấn, đình chỉ nếu phát hiện thai nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mức độ nặng.  

Bệnh gen bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia nhiều mức độ lâm sàng khác nhau:

– Mức độ rất nặng: Thai nhi phù, thường tử vong trước hoặc ngay khi sinh;

– Mức độ nặng và trung bình: bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng chung như: Thiếu máu (trung bình đến nặng); Hoàng đảm; Lách to, gan to; Chậm phát triển thể chất; Biến dạng xương (xương sọ, xương mặt, …); Rối loạn nội tiết: đái đường, suy giảm chức năng sinh dục, …; Xơ gan, suy gan; Suy tim, rối loạn nhịp tim…;

– Mức độ nhẹ: người bệnh chỉ bị thiếu máu nhẹ (dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như thiếu máu thiếu sắt);

Người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh không có biểu hiện lâm sàng, có thể không thiếu máu.

(Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem