14 yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng

Diệu Linh Thứ tư, ngày 23/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước tình hình trẻ em mắc Covid-19 gia tăng, Bộ Y tế đã thay đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em, trong đó nêu rõ 14 yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng nếu trẻ mắc Covid-19.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành Quyết định 405 kèm "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em" mới.

Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn được ban hành hôm 8/11/2021 (kèm Quyết định số 5155) và nội dung phân loại yếu tố nguy cơ theo tuổi đối với trẻ em ban hành tại phần 3, Hướng dẫn phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị ban hành kèm theo Quyết định số 5255.

Trẻ mắc Covid-19 gia tăng

Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên Covid-19 trẻ em ít gặp hơn, nhưng trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). 

Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Trẻ mắc Covid-19 gia tăng, thay đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị - Ảnh 1.

Trẻ mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC

Tuy nhiên, trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. 

Đáng nói, 1 số trẻ sau khi mắc Covid-19 bị di chứng hậu Covid-19 với hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau 2-6 tuần mắc Covid-19. Đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng.

Thay đổi hướng dẫn về trường hợp trẻ mắc Covid-19 nghi ngờ và xác định

Trong hướng dẫn mới, trường hợp trẻ mắc Covid-19 xác định gồm 4 trường hợp:

- Là trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).

- Là trẻ tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2. 

- Là trẻ có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính.

- Là trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Trong hướng dẫn trước, ca bệnh xác định là tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Về đặc điểm triệu chứng lâm sàng của bệnh nhi mắc Covid-19, so với hướng dẫn trước, Bộ Y tế không thay đổi. 

Trong khi đó, Bộ Y tế bổ sung thêm mức độ trẻ nhiễm không có triệu chứng (không có biểu hiện lâm sàng), cùng với mức độ nhẹ - trung bình – nặng – nguy kịch. Như vậy, có 5 mức độ trong phân độ lâm sàng.

Hướng dẫn mới cũng bổ sung việc điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir (hướng dẫn trước không có). Theo đó, Remdesivir được chỉ định điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 điều trị nội trú thể nhẹ có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ, hoặc trẻ suy hô hấp phải thở oxy/thở CPAP/thở oxy dòng cao HFNC/thở máy không xâm nhập.

Trẻ là F0 ở mức độ nhẹ nếu có yếu tố nguy cơ cũng sẽ được cân nhắc điều trị tại cơ sở y tế.

Trẻ mắc Covid-19 gia tăng, thay đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị - Ảnh 2.

Trẻ mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng (Xét nghiệm Covid-19 cho trẻ tại Hải Dương. Ảnh BYT)

14 yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng nếu trẻ mắc Covid-19

- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp.

- Béo phì, thừa cân.

- Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá.

- Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản.

- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi…).

- Bệnh thận mạn tính.

- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp)

- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần)

- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác

- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải

- Bệnh gan

- Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

- Các bệnh hệ thống. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem