146 "hoa tím", VN-Index bật tăng gần 35 điểm, liệu có bất thường?
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 28/10/2022 09:34 AM (GMT+7)
Thị trường chứng khoán ngày 27/10 đã đón nhận một phiên giao dịch bùng nổ đầy bất ngờ với 146 cổ phiếu tăng kịch trần, chỉ số VN-Index tăng tới 34,65 điểm, qua đó ghi nhận phiên tăng tốt nhất trong hơn 5 tháng qua của thị trường chứng khoán Việt...
146 mã tăng kịch trần, VN-Index tăng tốt nhất trong hơn 5 tháng qua
Trong phiên giao dịch hôm qua (27/10), các bluechip trong rổ VN30 đã tăng điểm cực kỳ ấn tượng, mang về cho chỉ số VN30 hơn 38 điểm, tương ứng 3,85%.
Cụ thể, trong rổ này chỉ còn NVL và PDR giảm nhẹ, còn lại 28 mã đều đóng cửa tăng điểm. Trong đó, có tới 9 mã tăng trần, với 6 mã thuộc nhóm ngân hàng, đó là các mã STB, BID, CTG, ACB, TCB, MBB và tất cả đều trắng bên bán…
Các mã khác trong nhóm ngân hàng cũng có mức tăng ấn tượng, như: VPB +6,4% lên 16.550 đồng, TPB +5% lên 21.000 đồng, VIB +4,5% lên 19.900 đồng, HDB +4,1% lên 16.600 đồng và VCB +2,4%. Các mã nhỏ hơn là MSB, LPB, SSB cũng đóng cửa ở giá trần.
Ba mã khác tăng trần còn lại của VN30 là SSI, GVR và VRE.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu lớn có đà tăng mạnh trong phiên hôm nay phải kể đến MSN +6,4% lên 83.000 đồng, KDH +6% lên 23.000 đồng, PLX +4,9%, POW +4%, BVH +3,5%, VNM +3,3%, HPG +3%...
Những mã còn lại như VIC, VJC, SAB, VHM, GAS với mức tăng nhẹ từ 0,4% đến 1,9%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán nới đà tăng mạnh, ngoài SSI tăng trần thì các cổ phiếu AGR, VCI, VIX, APG, BSI, CTS, FTS, HCM, TVB cũng đều tăng hết biên độ.
Đặc biệt, cổ phiếu VND cũng đã tăng trần lên 11.350 đồng, bất chấp những nghi ngại về việc hơn 65 triệu cổ phiếu giá sàn phiên 25/10 về tài khoản. Chốt phiên này, VND khớp lệnh đạt hơn 37,1 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng đóng góp nhiều sắc tím như HDC, HDG, LDG, NTL, SCR, TDH, KHG, LHG, DXG, HQC, HAR, VCG, GEX, HBC, ASM, HHV, FCN, CTD… Ngay cả DIG và KBC, vốn có thời điểm giảm sàn trong phiên sáng cũng đã được kéo lên sắc xanh, với DIG +3,9% lên 19.800 đồng và KBC +1,2% lên 17.500 đồng, khớp lệnh hai mã này cũng chỉ đứng sau VND trên sàn với 27 triệu và 25,7 triệu đơn vị.
Đóng cửa, sàn HoSE có 418 mã tăng (82 mã tăng trần) và 61 mã giảm (21 mã giảm sàn), VN-Index tăng 34,65 điểm (+3,49%), lên 1.028,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 647,7 triệu đơn vị, giá trị 11.121,7 tỷ đồng, tăng gần 45% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,3 triệu đơn vị, giá trị 1.589,5 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HNX có 149 mã tăng (44 mã tăng trần) và 45 mã giảm, HNX-Index tăng 7,68 điểm (+3,73%), lên 213,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,27 triệu đơn vị, giá trị 762 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,16 triệu đơn vị, giá trị 56,3 tỷ đồng.
Còn trên UPCoM, chốt phiên hôm nay, UpCoM-Index tăng 1,44 điểm (+1,89%), lên 77,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,87 triệu đơn vị, giá trị 369,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,61 triệu đơn vị, giá trị 9,46 tỷ đồng.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 12.330 tỷ đồng, cải thiện hơn phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn trung bình 10 phiên gần nhất.
Về giao dịch của khối ngoại, tính chung trên toàn thị trường trong phiên 27/10, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,72 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 172,83 tỷ đồng, tăng 88,24% về lượng và tăng gấp gần 4 lần về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 26/10 (bán ròng 36,84 tỷ đồng).
Có hay không sự bất thường?
Phiên giao dịch bùng nổ ngày 27/10 đã dấy lên nhiều nghi ngờ về việc có hay không sự bất thường? Chứng khoán vẫn bị thao túng bởi các "đội lái" khi hoàn toàn không có yếu tố vĩ mô nào hỗ trợ?
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, phủ nhận việc này. Theo ông Phương, phiên giao dịch ngày 27/10 không đến mức tiêu cực như vậy, bởi vì nếu nói về thao túng của đội, nhóm thì sẽ... "ghê hơn nhiều". Trong khi đó, trong phiên hôm qua theo tôi đánh giá là do có sự đồng thuận của cả thị trường.
"Nếu là thao túng của đội, nhóm thì thực tế chỉ có thể thao túng một số mã thôi chứ không thể thao túng cả toàn bộ thị trường", ông Phương nói.
Phân tích sâu hơn về phiên giao dịch này, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến đà bùng nổ của thị trường.
Thứ nhất, hiện tượng tiết cung đã xảy ra. Nhà đầu tư dù có lời, lời ít hay lỗ nặng thì cũng đã bán ra hết cổ phiếu rồi. Những người còn đang nắm giữ cổ phiếu thì họ đang lỗ là chính. Thêm vào đó, thanh khoản hiện cũng đang cạn kiệt dần, mỗi phiên hiện chỉ còn 8.000 - 9.000 tỷ đồng, hoặc cao lắm chỉ hơn 10.000 tỷ đồng, rất thấp so với trung bình phiên của thời gian trước khi thanh khoản lên tới 19.000 - 20.000 tỷ đồng.
Thứ hai, nhà đầu tư thấy cổ phiếu đã giảm rất sâu rồi nên không bán nữa vì tới vùng giá này thì đa phần ai cũng lỗ hết, thậm chí là lỗ nặng. Vì vậy, lúc này nhà đầu tư cố gắng bảo vệ tài khoản của mình.
Cụ thể, với những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì lúc này họ xem như đây là một khoản đầu tư trung và dài hạn, sẽ không bán cổ phiếu nữa. Còn những người sử dụng đòn bẩy tài chính thì cố gắng nộp tiền vào tài khoản để không bị bán force sell nữa.
"Cung của cổ phiếu không còn nhiều như lúc trước, trong khi cầu thì tăng vọt khi những nhà đầu tư có quan điểm đầu tư cho trung và dài hạn thì nhận thấy thời điểm này cơ hội rất lớn vì hầu hết các cổ phiếu đều đã về vùng giá quá hấp dẫn", ông Phương nói.
Cụ thể, ông Phương dẫn chứng, P/E của thị trường chứng khoán chỉ còn dưới 10 lần, đặc biệt có những cổ phiếu P/E về vùng 7 - 8 lần, trong khi thời điểm thị trường ổn định, bình thường (chưa gọi là tăng nóng) thì đã có P/E lên tới 13-15 lần.
"Thị giá của nhiều cổ phiếu hiện đã giảm sâu, thậm chí nhiều mã còn dưới giá trị sổ sách. Vì vậy, những ưu thế này khiến nhu cầu mua vào của nhà đầu tư tăng lên, kéo theo đà tăng mạnh của thị trường", ông Phương nói.
Nguyên nhân cuối cùng, hiện nay các thông tin tiêu cực đã diễn ra rồi, Fed cũng tăng lãi suất, NHNN cũng tăng lãi suất... cũng đã được phản ánh rồi. Trong khi các DN cũng đã phản ánh kết quả kinh doanh tích cực qua báo cáo tài chính quý 3, điều này cũng mở ra niềm tin cho nhà đầu tư rằng kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm sắp tới sẽ tích cực hơn.
Khi đó, cầu cổ phiếu bắt đầu gia tăng trong khi cung thì ít dần đi, khiến giá cổ phiếu phải tăng là hợp lý", ông Phương đúc kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.