18 năm - khán giả chưa bao giờ quên Trịnh Công Sơn

Thu Thảo Thứ ba, ngày 02/04/2019 16:30 PM (GMT+7)
18 năm đã qua kể từ ngày 1/4/2001 - ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn ra đi mãi mãi. Nhưng những ca khúc trữ tình lãng mạn của ông vẫn vang lên mỗi sáng, những liveshow mini chỉ chuyên hát nhạc của ông vẫn sáng đèn hằng đêm trong các quán cà phê nhạc Trịnh...
Bình luận 0

Nghe nhạc Trịnh để ngẫm về cuộc đời

Trong cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, có vui, có buồn, có đỉnh cao cũng có những thăng trầm. Ông đã mãi ngủ yên nơi quê nhà, nhưng thế gian sẽ không bao giờ quên tên ông. Thế hệ văn nghệ sĩ cả nước sẽ nhớ mãi ông. Những ca khúc mà ông để lại sẽ vang mãi trong lòng khán giả và sẽ lưu truyền mãi mãi cho những thế hệ mai sau.

Những ca khúc trữ tình lãng mạn của ông vẫn được vang lên mỗi sáng trong các quán cà phê, vẫn được những nghệ sĩ chọn để biểu diễn trong các cuộc thi. Thứ mà ông để lại không phải là gia tài âm nhạc đồ sộ, cũng không phải là những đóng góp lớn lao trong nghệ thuật, mà có lẽ đó là linh hồn của ông trong mỗi tác phẩm.

Để mỗi lần nghe nhạc Trịnh, người ta thấy mình ở trong đó, thấy một cuộc đời cụ thể. Nghe nhạc Trịnh khiến người ta sống chậm lại, nhìn ra được những giá trị cốt lõi của cuộc sống, nhìn thấy những giá trị nhân văn của cuộc đời. Nghe nhạc Trịnh khiến người ta yêu thương nhau hơn, trân trọng quá khứ và những gì đã qua.

img

Có những bài hát đã đi vào huyền thoại và chưa bao giờ có dấu hiệu mai một theo năm tháng. Đỉnh cao là ca khúc “Diễm xưa” mà hầu như thế hệ nào cũng yêu thích. Lời ca man mác buồn, gợi nhớ kỉ niệm về một thời phiêu lãng, được yêu, được sống hết mình. Ở góc cạnh xã hội, ông đi sâu vào cuộc sống xã hội, những trăn trở của đấng nam nhi, những nỗi lo của người con gái. Ở góc cạnh riêng tư, ông lại xoáy sâu vào từng ngóc ngách của trái tim, buồn, vui, cô đơn, hờn, tủi.

Cả cuộc đời nghệ thuật của mình, Trịnh Công Sơn đã đạt rất nhiều giải thưởng danh giá. Nổi bật nhất là năm 2004, kỉ niệm 3 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, ông đã được trao giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới vì lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại. Gần đây nhất, hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm cây đàn guitar xuất hiện trên biểu tượng Doodle của Google vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông (28/2/1939 – 28/2/2019), như một cách Google tôn vinh người nhạc sĩ tài hoa. Và tên của ông cũng đã được đặt cho 3 con phố ở 3 thành phố lớn: thành phố Huế - quê hương ông, TP.HCM - nơi ông sinh sống và Hà Nội – nơi ghi dấu bao kỉ niệm về cuộc đời của một người nghệ sĩ tài hoa.

img

Khán giả chưa bao giờ quên ông

Không chỉ khán giả Việt Nam mà ngay cả bạn bè quốc tế vẫn luôn yêu mến và nhớ đến ông, bằng tình yêu trân trọng nhất, như cái cách mà ông cống hiến cho nền âm nhạc. Trước và mãi về sau, người ta vẫn nghe nhạc Trịnh, vẫn hát nhạc Trịnh mỗi buổi sớm mai, khi ngồi nói chuyện với đồng nghiệp, bạn bè. Và người ta nghe nhạc Trịnh như một cách tận hưởng và giải tỏa áp lực cuộc sống.

Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều thành phố khác trên dải đất hình chữ S này đều có những quán cà phê chuyên nhạc Trịnh, tổ chức liveshow mini chỉ chuyên hát nhạc Trịnh như K-Holic (Hà Nội), Quán cà phê nhạc Trịnh Đà Lạt Memory (Đà Lạt)…

Trong những đêm nhạc ấy, người ta nghe say mê, tha thiết, như được trở về với thời trẻ phiêu lãng, yêu thương nồng nàn, người ta đắm mình ở trong các ca khúc của nhạc Trịnh, tưởng nhớ về một người đã khuất.

Rồi người ta nhớ đến ông bằng những thước phim tài liệu kể về cuộc đời ông, những thăng trầm và cả những thành quả đạt được đáng tự hào. Người ta mãi nhớ về Trịnh Công Sơn như thể ông chưa từng rời khỏi cuộc đời này.

img

Kỉ niệm 18 năm ngày mất của ông, gia đình Trịnh Công Sơn, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật – Nhà hát TP.HCM, Học viện Âm nhạc & Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA), Tổ chức Âm nhạc & Nghệ thuật Biểu diễn Á Châu (AMPA Education) cùng nhiều nhà tài trợ khác sẽ cùng hợp tác tổ chức Tuần lễ Trịnh Công Sơn từ ngày 30/3 đến hết ngày 7/4 với rất nhiều hoạt động giải trí tầm cỡ.

Hàng loạt MV nhạc Trịnh được ra mắt dịp này: "Dã tràng ca" (Đức Tuấn), "Diễm xưa" (nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh), "Dấu chân địa đàng" (ca sĩ Tấn Sơn).

Gia đình cố nhạc sĩ và Amberstone Media tổ chức đêm nhạc "Nhớ Trịnh Công Sơn" với sự xuất hiện đặc biệt của danh ca, nhà soạn nhạc hàng đầu Nhật Bản Tokiko Kato – người đã biểu diễn ca khúc "Diễm xưa" bằng tiếng Nhật, góp phần đưa nhạc Trịnh lan tỏa trên toàn thế giới, cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác: Hồng Nhung, Lệ Quyên, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn và An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh, Trọng Nhân…

img

 Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại buổi họp báo. Ảnh: Vavomusic.com

Và đêm nhạc "Gọi tên bốn mùa" sẽ có sự tham gia của Hồng Nhung, Bằng Kiều, Lệ Quyên, Lân Nhã… cùng các nghệ sĩ saxophoneTrần Mạnh Tuấn, An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh. Ngoài ra, đêm nhạc còn trình diễn màn hoà tấu độc nhất một tác phẩm bất hủ của Trịnh Công Sơn từ hàng trăm cây guitar của những người tham dự. 

Bên cạnh đó còn có những hoạt động nghệ thuật đặc sắc nằm trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại đường sách Nguyễn Văn Bình vào ngày 1/4/2019, tuần lễ thi vẽ tranh Trịnh Công Sơn với chủ đề "Trịnh Công Sơn trong tôi" do nhà báo Nguyễn Trọng Chức đảm nhận vai trò cố vấn nghệ thuật. Ra mắt dự án phim Trịnh Công Sơn và chính thức mở dự tuyển 2 diễn viên cho vai diễn Trịnh Công Sơn trong phim. Ngoài ra còn có chương trình trao học bổng Trịnh Công Sơn cho những tài năng âm nhạc có hoàn cảnh khó khăn.

img

 Nhận xét của người cùng thời

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem