2/4 doanh nghiệp chính thức bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc

Quốc Hải Thứ năm, ngày 10/02/2022 08:15 AM (GMT+7)
Điểm nóng trong phiên giao dịch sáng 9/2 đang tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản, khi có thêm một doanh nghiệp (DN) là Công ty TNHH đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh), xin bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm…
Bình luận 0
2/4 doanh nghiệp đã chính thức bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu bất động sản bị giảm giá mạnh sau thông tin có DN thứ 2 bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm - Ảnh: IT

Mở cửa phiên giao dịch sáng 9/2, hàng loạt cổ phiếu bất động sản, xây dựng bị nhà đầu tư bán tháo sau khi có thông tin Công ty Bình Minh đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng  xin bỏ cọc lô đất 3-9 tại Thủ Thiêm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đa số chìm trong sắc đỏ và thậm chí có nhiều mã bị giảm sàn như CII, CEO, LDG, NBB, DRH...

Những mã khác như FLC, ROS, KLF, HAI, AGG, DXS, HDC, HDG... cũng đều chịu cảnh sụt giảm từ đầu phiên giao dịch.

Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, một số mã chứng khoán này đã có sự hồi phục.

Theo các chuyên gia tài chính – chứng khoán, đây là hệ quả tất yếu, bởi trước đây, giá trúng thầu các lô đất ở Thủ Thiêm được công bố ở mức cao là một trong những động lực thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản gia tăng mạnh. Thậm chí có nhiều cổ phiếu đã "tăng nóng" ngoài sức tưởng tượng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Do đó, khi có thông tin DN trúng thầu bỏ cọc, ngay lập tức tác động tiêu cực lên chính nhóm cổ phiếu bất động sản.

Trong nhóm các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh phiên hôm nay, phải kể đến Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII). CII đầu phiên giảm sàn (hiện đã hồi lại) nhưng cũng đã gần như xóa sạch đà tăng nóng trước đó.

Đóng cửa phiên buổi sáng, CII giảm nhẹ 1,65%, về mức giá 26.800 đồng/CP.

Với Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG), với 4 phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu DIG rơi về mức thấp nhất kể từ ngày 10/11/2021, ghi nhận mức giảm hơn 50% so với đỉnh kỷ lục.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (9/2), mã chứng khoán này nhanh chóng bị giảm sàn nhưng sau đó hồi lại. Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, DIG tăng về mức 65.500 đồng/CP (tăng 2, 66%).

Mở cửa phiên sáng nay, Công ty CP Tập đoàn C.E.O(HNX: CEO) giao dịch ở 48.000 đồng/CP. Tuy nhiên, cuối phiên sáng, mã chứng khoán này cũng hồi phục và tăng nhẹ về mức 52.100 đồng/CP.

Cổ phiếu này từng có giá kỷ lục lên tới 92.500 đồng/CP vào ngày 7/1/2022 sau thông tin sẽ được hưởng lợi từ các đợt đấu giá đất Thủ Thiêm.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản cũng đang nhìn thấy trợ lực từ VIC và VHM, KDH, DXG, NVL đang xanh trở lại.

2/4 doanh nghiệp đã chính thức bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc - Ảnh 3.

Ông Trương Hiền Phương - Ảnh: NVCC

Đánh giá về việc ảnh hưởng của sự kiện 2 DN bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nói, sự kiện này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo ông Phương, việc thêm Công ty Bình Minh bỏ cọc (sau Tân Hoàng Minh), đã tạo một tâm lý tiêu cực nối tiếp cho đợt bỏ thầu của Tân Hoàng Minh. Sự thất vọng của nhà đầu tư về câu chuyện trúng thầu, bỏ cọc, rồi có thể có liên quan đến việc làm giá đất khu Thủ Thiêm hay không? Làm giá dự án hay không?... Nhà đầu tư vì thế sẽ có tâm lý không hài lòng, không thoải mái và thậm chí là mất niềm tin nên họ quyết định bán tháo cổ phiếu.

Ngược lại, phía bên mua không có niềm tin, không có mong muốn, hoặc thậm chí là không an tâm nên không giải ngân mua. Khi cầu giảm mà cung tăng thì rõ ràng giá cổ phiếu nhóm bất động sản sẽ giảm.

Một yếu tố khác, theo ông Trương Hiền Phương, là giá cố phiếu BĐS thời gian qua tăng quá ảo, tăng bất chấp và vô lý. Việc tăng giá này ngoài thông tin về cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, đâu đó vẫn có một số người lợi dụng thông tin này để làm giá cổ phiếu theo hướng "công ty này có quỹ đất như vậy, nên định giá công ty này rất lớn"; "Giá trị cổ phiếu như hiện nay chưa phản ánh được thực lực của DN"…

"Giá thời gian qua đã ảo, bây giờ không còn thông tin để tăng nữa, cũng không có thông tin gì để thuyết phục nhà đầu tư nữa, thì các mã chứng khoán này buộc phải giảm lại", ông Phương nói.

Trước đó, vào cuối tháng 1, sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh chính thức xin bỏ cọc cho lô đất tại Thủ Thiêm sau khi bỏ giá trúng đấu giá cao kỷ lục gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2, đã khiến cho nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng liên tục bị bán tháo.

Nhiều cổ phiếu bất động sản chỉ trong vòng nửa tháng qua đã giảm từ 50 - 60% giá trị, cuốn phăng tài khoản của nhiều nhà đầu tư trong tháng 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem