Những dự án nông nghiệp 4.0 có tính ứng dụng cao
Đánh giá về mô hình đoạt giải Nhì của ông Võ Quan Huy, nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập Báo NTNN, Phó Trưởng ban giám khảo cho hay: “Mô hình trồng chuối xuất khẩu của anh Võ Quan Huy đã mang lại hiệu ứng xã hội sâu rộng. Tạo ra nhiều thay đổi trong nhận thức của người nông dân, hướng tới thị trường thế giới. Vườn chuối bạt ngàn ở tỉnh Tây Ninh và Long An của ông Út Huy đang cho sản lượng hàng ngàn tấn/năm, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công địa phương”.
Ông Võ Quan Huy với buồng chuối sẽ mang thương hiệu Fohla xuất ngoại. Ảnh: Trần Đáng
Với Dự án "Trồng chuối công nghệ cao", ông Huy đã sử dụng 100% phân hữu cơ từ phân bò tự sản xuất và phân gà tự nhập khẩu từ Nhật Bản để bón cho cây. Đồng thời ông cũng xây dựng xưởng đóng gói cho kho bảo quản lạnh, lắp đặt hệ thống cáp chống đổ ngã. Hệ thống nước tưới giúp tưới nước đều và ổn định. Giảm được chi phí đầu tư và tiêu hao năng lượng nhưng năng suất không thay đổi.
Chuối được thu hoạch bằng đường cáp, giảm tải sức lao động, giảm chuối trầy dập. Nhà ủ chín chuối theo công nghệ điện phân cồn thực phẩm làm chín chuối có màu đẹp, an toàn.
Với lối canh tác theo quy trình sạch, sản phẩm chuối của ông Út Huy đã được xuất sang nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Trung Quốc và một số nước khu vực Trung Đông.
Chia sẻ về một trong những mô hình ấn tượng, ông Nguyễn Lân Hùng cho biết: "Trong số những mô hình tham gia dự thi tại cuộc thi lần này, tôi đặc biệt ấn tượng với Dự án "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao" của nông dân Võ Văn Sơn (Ninh Thuận) với tính hiệu quả vượt trội. Mỗi năm, gia đình ông Sơn có thể thu về trên 21 tỷ đồng. Đây là con số tuyệt vời, là niềm mơ ước của nhiều nông dân trong cả nước".
Nông dân Võ Văn Sơn (áo trắng) ở Ninh Thuận với mô hình chinh phục vùng cát trắng bạt ngàn để nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Công Tâm
Ông Sơn hiện đang là người tiên phong nuôi tôm theo công nghệ cao ở Ninh Thuận. Cách làm này khác biệt với cách nuôi truyền thống. Mô hình nuôi tôm của ông Sơn chỉ mất hơn 3 tháng đã cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 50 – 60 con/kg. Ngay sau khi có được hiệu quả, hàng chục hộ dân ở địa phương, các hộ nơi khác đỗ về học tập kỹ thuật và hiệu quả mang lại tương tự.
Nhìn chung, chất lượng của những dự án nông nghiệp của các cá nhân, nhóm cá nhân tham dự cuộc thi được đánh giá khá cao. Nhiều dự án tham dự được đầu tư bài bản, sáng tạo và ứng dụng rất tốt công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản sạch.
Cuộc so tài của những mô hình nông nghiệp 4.0 sáng tạo
10 dự án – 10 “đứa con tinh thần” của các nông dân 4.0 được lựa chọn đều là những dự án đặc sắc nhất, bám sát các Thể lệ, tiêu chí do Ban Tổ chức đề ra.
Trong đó, ngoài 10 hồ sơ đặc sắc nhất được chọn để trao giải thì những hồ sơ được lọt vào vòng Chung khảo của Cuộc thi đều đa dạng về vùng miền, cách thể hiện hấp dẫn, phong phú trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản; chế tạo máy móc ứng dụng trong nền nông nghiệp thông minh,...
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập Báo NTNN, Phó Trưởng ban giám khảo Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0". Ảnh: Đàm Duy
Điểm nổi bật khác của các hồ sơ dự thi, đó là nhiều dự án được đầu tư với số tiền lớn, các sản phẩm được tạo ra đều có nguồn gốc xuất xứ, sạch và đã có thị trường bao tiêu, tiết kiệm được sức lao động cũng như giải quyết được vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân.
Đánh giá về Cuộc thi lần này, GS.TS. Nguyễn Văn Bộ, chuyên gia khoa học, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “Nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp 4.0” là những cụm từ đang rất “thời thượng”. Đó vừa là mong muốn và mục đích, vừa là nỗi hoài nghi lớn giữa tình trạng lạc hậu, ngổn ngang của ngành nông nghiệp trong nước. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, những năm qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung giải quyết bức thiết của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước đã được triển khai.
Ban Giám khảo cũng đã phải cân não làm sao đánh giá hồ sơ bám vào 4.0 để nó không lẫn vào công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, cuộc thi khác. Đấy là cái khó, tiêu chí 4.0 là tiêu chí kết nối về công nghệ thông tin, kết nối giữa sản xuất, chế biến với thị trường, sử dụng công nghệ thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lân Hùng - Chuyên gia nông nghiệp, thành viên Ban giám khảo thì cho hay: "Tôi là Nông dân 4.0" là một cuộc thi hay và ý nghĩa, đưa khoa học công nghệ vào để áp dụng thành tựu nông nghiệp 4.0. Cụ thể hơn, đó là ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 (Internet, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ chiếu sáng, công nghệ robot…) vào nông nghiệp sao cho giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Cuộc thi đã khơi dậy và khích lệ nông dân, doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu đó”.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa xu thế đó, việc tăng cường liên kết gắn với hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư được xem là nhiệm vụ then chốt.
Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục phát động cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” lần thứ 2 với tổng giá trị giải thưởng lên tới 205 triệu đồng. Trong đó, có 1 giải Vàng trị giá 30 triệu đồng, 2 giải Bạc, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng, 3 giải Đồng mỗi giải trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao thêm 4 giải phụ đối với các dự án ứng dụng công nghệ hiệu quả nhất, dự án có quy mô lớn nhất, dự án có triển vọng nhất, dự án ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường… mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.