2 nguyên nhân khiến các đơn vị chưa sẵn sàng mở dữ liệu

Thứ ba, ngày 03/01/2023 13:52 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia đã thẳng thắn chia sẻ về thực trạng kết nối, mở và chia sẻ dữ liệu tại các cơ quan, bộ, ngành và địa phương hiện nay.
Bình luận 0

Dữ liệu mở hay chia sẻ dữ liệu là một trong những nội dung mà chính phủ nhiều nước quan tâm, bởi dữ liệu mở sẽ tạo ra giá trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Một số lợi ích rõ ràng của dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu tại các cơ quan nhà nước, là nâng cao tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo…

Phát biểu tại Lễ Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Trong đó, có dữ liệu đất đai, nhà ở... Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh 2023 sẽ là năm về dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam.

Mới đây, tại cuộc tọa đàm về “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia về chủ đề này.

PV: Xin ông cho biết việc mở/chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua? Cục Chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những hành động gì để thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Phát triển dữ liệu là chủ trương và chủ đề cho năm tới về chuyển đổi số. Để phát triển dữ liệu, có mấy việc phải làm: Một là tạo ra dữ liệu. Muốn tạo ra dữ liệu chuyển đổi số thì cả xã hội phải làm – cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bản thân người dân cũng phải tạo ra dữ liệu. Chúng ta phải có những chính sách hỗ trợ việc này. Hai là sau khi có dữ liệu rồi thì chúng ta phải kết nối, khai thác, chia sẻ có hiệu quả. Đó chính là mở dữ liệu, là định hướng, chủ trương của chính phủ.

Thực tế trong thời gian vừa qua, có rất nhiều chính sách, cơ chế, định hướng để phát triển dữ liệu trong bản thân cơ quan nhà nước – khu vực công. Thứ nhất là các CSDL quốc gia. Năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định 714 ưu tiên triển khai 6 CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Hiện nay các bộ, ngành đang rất nỗ lực để triển khai.

Đặc biệt trong thời gian qua có mấy CSDL cấp quốc gia đã hình thành và được khai thác khá hiệu quả. Chẳng hạn như CSDL về đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay gần như tất cả các thông tin của doanh nghiệp từ khi đăng ký đến khi tồn tại đã nằm trong CSDL doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (khoảng hơn 1 triệu doanh nghiệp). Hoặc CSDL quốc gia về dân cư cũng được triển khai rất mạnh. Cách đây vài ngày có Hội thảo tổng kết một năm triển khai Đề án 06 (phát triển ứng dụng CSDL dân cư). Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số cũng tập trung rất nhiều nội dung liên quan đến triển khai dữ liệu.

Nói cách khác, ở tầm quốc gia, các CSDL quốc gia đang dần được triển khai. Còn ở cấp bộ, ngành thì các CSDL cấp bộ, ngành, địa phương cũng đang được xây dựng.

Ở trên là tôi đề cập đến việc phát triển dữ liệu ở khu vực công. Trên góc nhìn của chúng tôi thì trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2023 thì tất cả các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục phải nỗ lực – không phải với những dữ liệu đang có mà phải tiếp tục phát triển dữ liệu.

Khi phát triển dữ liệu thì cũng có mấy điều cần phải lưu ý. Thứ nhất là không được trùng lặp. Thứ hai là khi đã tạo ra CSDL rồi thì làm sao cho nó liên tục được cập nhật, đảm bảo tính chính xác. Và một điều nữa là phải mở dữ liệu cho khu vực tư, cho người dân và doanh nghiệp. Đối với những dữ liệu của cơ quan nhà nước, dữ liệu nào mà mở được, cung cấp miễn phí được, sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dựa vào đó tạo ra những dịch vụ sáng tạo, tạo ra những dịch vụ ứng dụng công nghệ để có thể phát triển – vì tất cả ứng dụng chuyển đổi số phải dựa trên dữ liệu. Nếu các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu hiệu quả, dữ liệu mở thì đó chính là giải phóng nguồn lực rất lớn.

Tuy nhiên, việc xây dựng dữ liệu các cấp từ quốc gia cho đến bộ, ngành, địa phương chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều. Điều tôi muốn nói là việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong các cơ quan nhà nước với nhau trong thời gian vừa qua đã có nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế: Thứ nhất, cơ quan sở hữu dữ liệu đó nhiều yếu tố vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ; Thứ hai, bản thân các bộ, ngành, địa phương khi muốn kết nối chia sẻ dữ liệu với đơn vị có dữ liệu thì đơn vị ấy phải đảm bảo có hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin. Do nhiều đơn vị chưa đảm bảo được điều này nên chưa thể kết nối.

Thực ra nhu cầu và mong muốn mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau là rất lớn, nhưng phải đảm bảo được yếu tố hạ tầng và an toàn thông tin nên việc này còn nhiều hạn chế.

Đối với việc mở dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân, thì bây giờ mới đang ở bước khởi đầu. Có rất nhiều việc chúng tôi phải làm trong thời gian tới. Chúng tôi đang rất mong muốn các bộ, ngành, địa phương có dữ liệu có thể mở cho người dân, doanh nghiệp. Cách đây vài tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, rồi thực hiện kế hoạch đó, để làm sao ngày càng có nhiều dữ liệu được chia sẻ cho người dân và doanh nghiệp. Trong công văn này, Bộ cũng khuyến nghị danh mục một số chủ đề, loại hình dữ liệu mà bộ, ngành, địa phương nên ưu tiên cung cấp cho bên ngoài.

PV: Như ở trên ông đã đề cập, do có nhiều nguyên nhân mà một số cơ quan, bộ, ngành hiện nay chưa muốn mở dữ liệu. Những nguyên nhân đó là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Nguyên nhân thì có nhiều. Nếu nói về mặt thực tế thì có mấy lý do:

Thứ nhất, nhiều cơ quan chưa tự tin để mở dữ liệu của mình. Họ nghĩ dữ liệu của mình chưa được cập nhật thường xuyên, chưa được chính xác, cho nên khi mở cho đơn vị khác thì họ cảm thấy e ngại.

Thứ hai, cũng phải nói rất thẳng thắn là nhiều đơn vị không muốn mở dữ liệu vì sợ ảnh hưởng đến vai trò, quyền lợi của đơn vị mình. Chúng ta biết rằng thông tin là giá trị, dữ liệu là giá trị. Nếu mở/chia sẻ dữ liệu thì họ lại mất giá trị đó.

2 nguyên nhân khiến các đơn vị chưa sẵn sàng mở dữ liệu - Ảnh 1.

Việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công (ảnh: báo Chính phủ)

Tuy nhiên, chủ trương chung của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt rằng, đối với các cơ quan nhà nước thì dữ liệu đó là của công và họ có trách nhiệm phải chia sẻ. Khi các đơn vị khác muốn sử dụng dữ liệu đó để phục vụ mục đích công thì họ phải chia sẻ.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt cho các đơn vị chủ trương, định hướng, trách nhiệm đó, cũng như tham mưu cho chính phủ ban hành các văn bản chính sách, để kết nối chia sẻ dữ liệu có hiệu quả.

PV: Trong các văn bản của mình, Cục Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông có khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương nên mở dữ liệu trong lĩnh vực nào không thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Các bạn có thể tham khảo văn bản mà chúng tôi mới ban hành, hướng dẫn chia sẻ dữ liệu ở hơn 10 lĩnh vực khác nhau, trong mỗi lĩnh vực lại có chủ đề cụ thể khác nhau. Chẳng hạn như lĩnh vực về giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường… đều có các chủ đề và khuyến nghị để các bộ, ngành, địa phương tham khảo.

Quan điểm của chúng tôi là cái gì có thể mở được, chia sẻ được mà tạo ra nguồn lực chung của xã hội để phát triển chuyển đổi số, thì nên hỗ trợ tối đa.

PV: Xin cảm ơn ông đã về cuộc trao đổi này!

Đăng Khoa (Theo viettimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem