20 binh sĩ thiệt mạng vì xung đột biên giới, vì sao Ấn Độ vẫn khó "dứt tình" với Trung Quốc?

07/07/2020 12:28 GMT+7
Kể từ cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn tại khu vực Ladakh, đối diện Tây Tạng khiến 20 binh sĩ Ấn Độ bị thương hồi tháng trước, nhiều người dân Ấn Độ bao gồm cả các chính trị gia địa phương đã thổi bùng làn sóng chống Trung Quốc trên nhiều mặt trận.

Áp lực dư luận đã buộc chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra các đòn trừng phạt kinh tế với Trung Quốc bất chấp việc chỉ huy quân sự hai nước hiện đã ngồi vào bàn đàm phán trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng.

Hồi tuần trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động Trung Quốc, trong đó có những ứng dụng phổ biến thế giới như TikTok, Weibo, WeChat… Thủ tướng Modi thậm chí xóa tài khoản Weibo ông từng lập, gỡ bỏ nhiều bức ảnh liên quan, trong đó có ảnh chụp chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng các chuyên gia nhận định rất khó để New Delhi thực sự từ bỏ Bắc Kinh, nhất là khi Trung Quốc lâu nay luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, với tầm ảnh hưởng lớn trên nhiều lĩnh vực từ đầu tư đến công nghệ,

Thương mại

20 binh sĩ thiệt mạng vì xung đột biên giới, vì sao Ấn Độ vẫn khó "dứt tình" với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu của Ấn Độ với Trung Quốc gây ra mức thâm hụt thương mại nặng nề

Trên mặt trận thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn bậc nhất của Ấn Độ chỉ sau Mỹ.

Dữ liệu chỉ ra rằng trong khoảng thời gian 1 năm từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, Ấn Độ đã nhập khẩu hơn 65 tỷ USD hàng Trung Quốc và chỉ xuất khẩu 16,6 tỷ USD sản phẩm sang thị trường này. Điều đó dẫn tới khoản thâm hụt thương mại hơn 48 tỷ USD với Bắc Kinh. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng chính phủ New Delhi đang xem xét bổ sung thuế quan với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nỗ lực dài hạn nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại như vậy.

Các mặt hàng Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, đồ điện tử tiêu dùng, hóa chất, dược phẩm và linh kiện điện tử. Trong khi đó, hàng hóa Ấn Độ xuất khẩu ngược lại chủ yếu là nguyên liệu trung gian phục vụ hoạt động sản xuất của các công ty Trung Quốc.

Kundu, nhà kinh tế Ấn Độ tại Hiệp hội Genere cho hay: “Trong việc giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nói luôn dễ hơn làm”. Ông Kundu giải thích rằng hầu hết các mặt hàng mà Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc đều có thể được sản xuất tại Ấn Độ, nhưng sẽ mất thời gian và kế hoạch để hiện thực hóa theo lộ trình nhất định. Nhất là khi nền kinh tế Ấn Độ vẫn đang điêu đứng sau nhiều tháng trời phong tỏa quốc gia vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Đầu tư

20 binh sĩ thiệt mạng vì xung đột biên giới, vì sao Ấn Độ vẫn khó "dứt tình" với Trung Quốc? - Ảnh 2.

Vốn đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Ấn Độ trong những năm vừa qua

Vốn đầu tư từ Trung Quốc rót vào các công ty Ấn Độ đã tăng trưởng không ngừng trong những năm qua, dữ liệu cho thấy. 

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ khoảng 4 tỷ USD vào lĩnh vực khởi nghiệp ở Ấn Độ, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Gateway House hồi đầu năm nay. Tính đến tháng 3/2020, có khoảng 18 unicorn khởi nghiệp của Ấn Độ có giá trị thị trường hơn 1 tỷ USD đã nhận được dòng vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau cuộc đụng độ biên giới hồi tháng trước, Chính phủ Ấn Độ hiện đang xem xét khoảng 50 đề xuất hạn chế đầu tư từ các công ty Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra những hạn chế như vậy có thể tác động ngược lại, gây khó khăn cho chính những dự án khởi nghiệp của Ấn Độ.

Công nghệ

20 binh sĩ thiệt mạng vì xung đột biên giới, vì sao Ấn Độ vẫn khó "dứt tình" với Trung Quốc? - Ảnh 3.

Các hãng smartphone Trung Quốc chiếm thị phần chủ yếu tại thị trường Ấn Độ

Ấn Độ hiện là một trong những thị trường tiêu dùng kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới. Dân số tỷ dân với số lượng lớn người trực tuyến mỗi ngày đã biến Ấn Độ thành thị trường tiềm năng hàng đầu với các công ty công nghệ, đặc biệt là công ty Trung Quốc. Nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bao gồm ByteDance của Alibaba, Tencent và TikTok đang cạnh tranh trực tiếp với các đại gia công nghệ Mỹ như Facebook, Amazon và Google để tiếp cận người tiêu dùng Ấn Độ.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Cho đến nay, 4 trên 5 thương hiệu smartphone hàng đầu Ấn Độ đến từ Trung Quốc, chiếm 80% tổng thị phần trên thị trường. Trong khi đó, thương hiệu smartphone nội địa của Ấn Độ chỉ chiếm 1% thị phần, theo Counterpoint Research. Các nhà phân tích Counterpoint Research nhận định rất khó để thay thế vai trò thiết yếu của các công ty smartphone Trung Quốc trên thị trường Ấn Độ. 

Nhưng chính quyền Thủ tướng Modi có thể tìm cách tăng cường các hạn chế trong lĩnh vực viễn thông, nơi Ấn Độ có nhiều sự lựa chọn thay thế hơn. Nghĩa là New Delhi có thể viện dẫn những quan ngại an ninh quốc gia về quyền riêng tư bảo mật để ngăn các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE vào thị trường, tương tự như những gì nhiều chính phủ trên thế giới đang thực hiện theo kêu gọi của Mỹ.

Tất nhiên, động thái này cũng sẽ gây ra tác động đáng kể, vì các nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc chiếm tới 1/4 thị phần thị trường Ấn Độ. Hầu hết các nhà khai thác mạng viễn thông Ấn Độ hiện đều sử dụng một phần thiết bị từ Huawei và ZTE.

Do đó, bất kỳ một động thái nào từ New Delhi để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong ngắn hạn cũng có thể tác động ngược trở lại, gây thiệt hại đáng kể cho chính nền kinh tế Ấn Độ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục