Theo TS. Hồng, 7 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh sởi, rải rác tại 37 tỉnh, thành phố và không ghi nhận ổ dịch sởi nào, giảm hàng trăm lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Có được kết quả này là do Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm miễn phí vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi trong cả nước”, TS. Dương Thị Hồng cho hay.
Tiêm vắc-xin sởi-rubella trong chiến dịch. Ảnh: Mai Linh
Theo TS. Dương Thị Hồng, chiến dịch huy động nguồn nhân lực rất lớn với hơn 300.000 lượt cán bộ y tế tham gia, lực lượng tình nguyện lên đến hơn 600.000 người.
Nhờ đó, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận 80 ca sởi rải rác tại 37 tỉnh, thành; không ghi nhận ổ dịch sởi nào. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái dịch sởi bùng lên mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh thành. Toàn quốc ghi nhận đến hơn 15.000 ca sởi tại tất cả các tỉnh thành với hơn 100 bệnh nhi tử vong tại nhiều ổ dịch.
Điều đó cho thấy chiến dịch năm nay mang lại hiệu quả lớn, được các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đánh giá thành công và đảm bảo an toàn cao.
“20 triệu trẻ được tiêm chủng, nhưng chỉ có tỷ lệ khiêm tốn có phản ứng sau tiêm là một thành công của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có thể nói mức độ an toàn cao hơn hẳn so với các chiến dịch tiêm năm 2005 và 2008”, bà Hồng nói.
Cũng theo TS. Dương Thị Hồng, tháng 7/2015, đoàn chuyên gia quốc tế về tiêm chủng đã điều tra độc lập tại Việt Nam và đưa ra đánh giá 98% trẻ em được tiêm vắc-xin, trong đó có lấy số liệu từ đợt tiêm vắc-xin sởi - rubella.
Đặc biệt, Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương lúc đầu gặp khó khăn trong vận động trẻ đi tiêm, nhưng sau đó tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt rất cao, tính lan tỏa của chiến dịch rất tốt.
TS. Hồng cũng cho biết, dự kiến sau khi tiêm vét, Chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn còn khoảng 3 triệu liều vắc-xin sởi - rubella. Số vắc-xin này sẽ được dành để tiêm cho khoảng 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (16-35 tuổi). Dự kiến, số phụ nữ ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh cao như: nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua, vùng giáp biên giới, khu công nghiệp có nhiều phụ nữ làm việc.
Viện Vệ sinh dịch tễ dự kiến triển khai tiêm vào quý IV/2015 đến quý I/2016.
Các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc-xin dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và chủ động đưa con em mình đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỉ lệ tiêm chủng cao.
Ngoài ra, không có vắc-xin nào là an toàn 100%, kể cả vắc-xin dịch vụ hay mở rộng. Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.
Đặc biệt, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.