29 năm tìm lại hình hài cho cô con gái dị dạng của người cha cựu binh

Thứ hai, ngày 24/07/2017 11:29 AM (GMT+7)
Ông Niềm từng bi quan, chán nản nhưng nếu chết đi, cô con út của ông bị di chứng chiến tranh để lại sẽ chẳng còn chỗ nương tựa.
Bình luận 0

img

Suốt 29 năm qua, ông Niềm đưa con đi khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc để chữa bệnh. Sinh những đứa con không lành lặn, ông cũng có lúc bi quan, chán nản, nhưng rồi được bạn bè, đồng đội động viên, người cựu binh ấy lấy lại tinh thần để làm chỗ dựa cho vợ con.

Thấy con gái loạng choạng bước ra từ phòng bác sĩ, tay bưng đôi mắt xuýt xoa, người cha đang ngồi liền bật dậy hỏi dồn dập: "Có đau không con?". Bệnh nhân và người nhà đang ngồi đợi phía ngoài thấy thế vội đổ dồn ánh mắt về cô gái đội chiếc mũ vải có khuôn mặt dị dạng, đôi bàn tay với những ngón cong queo, bong vẩy. Ai nấy thì thầm to nhỏ, thắc mắc về bộ dạng khiến họ nhìn không chớp mắt. Thấy có người tiến tới ngồi cạnh, cô dúm dó, chỉ gật, lắc và thỉnh thoảng lí nhí mà không dám mở lời tiếp chuyện.

Cô gái ấy là Lê Thị Hằng, 29 tuổi, ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hằng bị nhiễm chất độc màu da cam từ người bố từng vào sinh ra tử ngoài chiến trường. Toàn thân cô bị vảy nến, bong tróc và chằng chịt những vết nứt; cái đầu trọc lóc, bóng nhẫy, đôi tai teo lại và cặp mắt đỏ ngầu khó nhắm. Từ nhỏ tới giờ, Hằng luôn đội mũ và hiếm khi cởi ra vì sợ người khác trông thấy sẽ sợ. Hằng tâm sự, cô soi gương hàng ngày để chăm sóc đôi mắt. Nhưng mỗi lần trông thấy mình trong gương, cô lại buồn.

Đây là lần thứ ba trong vòng một tháng qua, Hằng và bố, ông Lê Ngọc Niềm, 64 tuổi, lặn lội ra Hà Nội để phẫu thuật, tái khám và cắt chỉ sau ca nối mi mắt. Hai lần trước, mắt chỉ trông thấy mờ mờ nên Hằng phải nhờ bố dìu, dắt đi. Lần này mắt đã thấy rõ hơn, cô ngồi tàu ghế mềm cho đỡ tốn tiền, thay vì phải mua vé giường nằm. Lần đầu tiên trông thấy mọi thứ rõ ràng sau 20 ngày băng kín mắt, cô reo lên vui mừng như một đứa trẻ. Trông thấy nụ cười và niềm hạnh phúc của con, ba mẹ Hằng chỉ biết lặng người.

Vợ chồng ông Niềm sinh được 5 đứa con, trong đó có 4 người bị nhiễm chất độc da cam. Hai con đầu của ông đã mất từ năm 4 tuổi, hai người còn lại hiện đã lập gia đình và ở riêng. Giờ vợ chồng ông sống cùng người con út là Hằng trong ngôi nhà ở xã Hoa Thủy. Cuộc sống của gia đình ông dựa vào khoản tiền trợ cấp 3,2 triệu một tháng, trong đó 1,8 triệu tiền của bố và 1,2 triệu tiền của Hằng.

Từ khi sinh con ra tới giờ, ông Niềm và vợ đồng hành cùng Hằng khắp các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc để chữa căn bệnh về da. Làm được bao nhiêu, ông bà dồn cả cho cô con út thiệt thòi. Mỗi lần đi, ông đều phải thu xếp vay mượn tiền đồng đội cũ và hàng xóm. Mấy năm nay, vợ ông bị thoái hóa cột sống nên những chuyến đi chỉ có hai bố con.

Căn bệnh vảy nến biến cô con út của ông Niềm trở thành "dị nhân" trong mắt những người lần đầu gặp và gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của Hằng. Ngày cũng như đêm, dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực, da của Hằng cũng xù xì, nứt nẻ và bong ra từng mảng. Ngày Hằng còn nhỏ, da rỉ nước dính vào quần áo. Vì thế, mỗi lần thay đồ, cô đều phải làm ướt quần áo mới cởi được ra. Da căng khiến chân, tay Hằng nhiều khi không co lại được. Đôi mắt bị da kéo dãn làm Hằng không thể nhắm lại. Mỗi khi ngủ, cô phải che một chiếc khăn lên. Sau lần đi khám, cô được chẩn đoán bị loét giác mạc nặng, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ bị mù.

"Người đã như này rồi mà đôi mắt mù nốt thì còn chi nữa", ông Niệm chua xót nói về con gái.

img

Hằng từng có mơ ước được đi học nhưng khi thổ lộ điều đó với mẹ, thấy bà buồn nên cô chẳng bao giờ nhắc lại nữa.

Người cha già một thời xông pha trận mạc, không sợ bom đạn lẫn cái chết bật khóc khi mỗi lần tới một bệnh viện, bố con ông lại nhận được cái lắc đầu trả về. Cuối cùng, sau bao lần gõ cửa nhiều nơi, Hằng được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện mắt Trung Ương.

Ông Niềm tâm sự, từ khi lớn lên, Hằng sống trong nỗi mặc cảm, tự ti và không muốn tiếp xúc với nhiều người. Cô chẳng khi nào ra khỏi nhà. Chỉ sau này, khi được bố đưa đi chữa bệnh nhiều nơi, Hằng bắt đầu dạn dĩ ra nhiều. Nhắc tới con gái, người cha với dáng vẻ nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng bỗng trùng lại. Ông bảo từng có thời gian hai vợ chồng bất mãn, chán nản khi sinh ra những người con có thân hình kỳ dị lại bệnh tật như vậy. Nhờ bạn bè và đồng đội cũ động viên, ông Niềm dần lấy lại tinh thần và quay ra tiếp thêm sức mạnh cho vợ.

"Nhiều đồng đội của tôi hy sinh khi chưa lập gia đình, có người trở về nhưng sinh ra những đứa con chỉ nằm một chỗ. Hoàn cảnh của vợ chồng tôi, dù vất vả nhưng như thế còn hơn người không có gì. Tôi động viên bà ấy giữ sức khỏe để sống lâu cho con nhờ. Giờ mà mất sớm, con không biết dựa vào ai. Nếu cứ chán nản, không ăn uống thì cuộc sống cũng ngắn lại", ông Niềm chia sẻ.

Nhìn sang con gái, đôi mắt ông Niềm sáng lên niềm tự hào. Ông khoe Hằng chưa từng đến trường nhưng cô có thể đọc và viết nhờ tự học ở nhà. Cô dùng mạng xã hội thành thạo và có nhiều bạn trên mạng. Hằng cũng thích chơi đàn và vẽ những gì cô thấy. Những đứa trẻ hàng xóm đã quen với vẻ ngoài xù xì của Hằng nên chúng không sợ hãi mà thường sang nhờ cô dạy vẽ và đàn.

Theo ông Niềm, ước mơ lớn nhất của Hằng là được đi học. Hồi 10 tuổi, Hằng từng thổ lộ ước mơ ấy với mẹ và thấy bà khóc. Từ đó, cô chẳng bao giờ nhắc lại vì sợ ba mẹ buồn. Người cựu binh già cho hay, ông có nhiều bạn bè và đồng đội năm xưa giúp đỡ cả về vật chất, thuốc men lẫn tinh thần. Nhờ được mọi người từ khắp nơi gửi thuốc về, con gái ông đã đỡ những cơn đau do da căng lên.

Hiện giờ ông chỉ mong có sức khỏe, để đưa con đi chữa bệnh, để được trông thấy đứa con gái ông yêu thương sống mỗi ngày, không nỗi đau và cả sự mặc cảm.

img

Ông Niềm thường tự an ủi, rằng mình may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh hay trở về nhưng có những đứa con chỉ nằm một chỗ. Ông động viên vợ giữ sức khỏe để sống lâu cho con còn dựa vào.

Bình Minh (Ngôi sao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem