Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 21/3, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), Trường Đại học Lâm nghiệp và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) phối hợp tổ chức Diễn đàn Ngày Quốc tế về rừng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Lượng, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc cho thấy, rừng là nhân tố sống còn đối với cuộc sống của con người.
Rừng là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên; 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng; khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm; cũng có khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.
Rừng còn có mối liên hệ trực tiếp với sức khỏe con người. Rừng cung cấp nguồn thức ăn, thực phẩm, cung cấp nguồn dược liệu, thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển. Rừng cũng cung ứng các nguyên liệu cho sản xuất các vật tư y tế.
Thống kê của Liên Hợp quốc cũng cho thấy, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng và giúp chúng ta thư giãn.
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, trong nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực trên phạm vi toàn cầu với thông điệp bảo vệ rừng, bảo vệ hành tinh xanh, như: Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2015; Hiệp ước Khí hậu Glasgow...
Trong đó, Việt Nam luôn là quốc gia tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên Thế giới đưa ra Tuyên bố về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị COP26. Theo đó, Tuyên bố này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, bảo tồn các hệ sinh thái, phục hồi, phát triển rừng bền vững, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
\"Với vai trò là cơ quan quản lý về lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và đang trình phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất", ông Phạm Hồng Lượng cho biết.
Về thông điệp "Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh" của "Ngày Quốc tế về rừng năm 2023, ông Phạm Hồng Lượng cho rằng, đây là thông điệp hết sức ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta vừa đi qua một giai đoạn mà đại dịch COVID19 đã tàn phá sức khỏe người dân và tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội; phía trước vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến chúng ta phải chậm lại để chiêm nghiệm, thay đổi tư duy, cách suy nghĩ để tìm về với những giá trị căn bản của tự nhiên, và nhận ra việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là cần thiết để con người có thể sống bình yên và khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh, các hoạt động lâm nghiệp không bền vững dẫn đến suy thoái rừng, suy thoái môi trường, góp phần gây biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sự xuất hiện của các loại dịch bệnh mới. Sức khỏe của rừng và thực vật là rất quan trọng để giải quyết những thách thức này. Sẽ không thể có được một nền kinh tế khỏe trên một hành tinh không khỏe.
HIện có 3 con đường liên quan đến rừng và thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng và phục hồi môi trường, gồm: chấm dứt nạn chặt phá rừng, duy trì diện tích rừng hiện có; phục hồi đất bạc màu và phát triển nông lâm kết hợp; và sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh.
Theo ông Hà, chấm dứt nạn chặt phá rừng và duy trì diện tích rừng hiện có có thể tránh thải ra 3,6 ± 2 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm trong giai đoạn 2020 đến 2050, trong đó đã bao gồm khoảng 14% lượng cần thiết cho đến năm 2030 để giữ cho mức nóng lên toàn cầu không tới 1,5 độ C, đồng thời bảo vệ hơn một nửa ĐDSH trên cạn của Trái đất.
1,5 tỷ ha đất bị thoái hóa sẽ được hưởng lợi từ việc phục hồi và việc tăng độ che phủ của cây có thể thúc đẩy năng suất nông nghiệp trên 1 tỷ ha khác. Khôi phục rừng và đất lâm nghiệp bị suy thoái thông qua trồng rừng và tái trồng rừng có thể giảm 0,9–1,5 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm ra khỏi bầu khí quyển một cách hiệu quả trong giai đoạn 2020-2050.
Sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai – với mức tiêu thụ toàn cầu đối với tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ 92 tỷ tấn năm 2017 lên 190 tỷ tấn vào năm 2060, giúp củng cố nền kinh tế một cách bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.