3 điều cha mẹ PHẢI LÀM khi con liên tục “tẩn” bạn

Tùng Anh Thứ ba, ngày 25/04/2017 14:01 PM (GMT+7)
Con mới 3 tuổi, đi học mầm non được 3 tháng nhưng hầu như tuần nào bố mẹ cũng phải vài lượt đến gặp những phụ huynh khác để xin lỗi, chỉ vì con mình liên tục đánh bạn.
Bình luận 0

Con mới đi học mầm non được 3 tháng nhưng vợ chồng chị Hoàng Thị Lan Anh (Cầu Giấy – Hà Nội) đã “buộc phải” quen mặt hầu hết tất cả phụ huynh trong lớp. Lý do là tuần nào con trai chị cũng về nhà với “thành tích” đánh, cấu, ném đồ chơi, xô ngã hay dứt tóc bạn. Thế là hai vợ chồng chị ngày nào đi đón con cũng phải “nán” lại tìm phụ huynh của bé kia để xin lỗi. Mặc dù đã tìm mọi cách nói chuyện, quát nạt, phạt con nhưng cậu bé 3 tuổi không hề xoay chuyển, tính cáu kỉnh, hung dữ thế hiện ngày một nhiều.

img

Cách giáo dục bằng bạo lực tinh thần hoặc thể xác của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân hình thành tính cách hung dữ của trẻ (ảnh minh họa: IT)

“Mọi người bảo con đang ở giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” hết 3 tuổi con sẽ khác, nhưng cứ tình trạng đi đâu cũng giành đồ, đánh bạn như thế này bố mẹ khó xử và thấy xấu hổ vô cùng. Con như học sinh cá biệt trong lớp vậy” – chị Lan Anh đau lòng nói.

Con không ở tuổi “khủng hoảng” nhưng chị Trần Khánh Linh (Hoàng Mai – Hà Nội) cũnh hết sức đau đầu vì tính tình hung dữ của cô con gái đang học lớp 3 của mình. Chị Linh cho biết, tuần nào đến trường đón con, chị cũng được các bạn của con “mách” là nay con đánh bạn này, lấy dép đập bạn kia. Mỗi lần về nhà, được bố mẹ giáo huấn, phạt hay đánh thì con tỏ ý nghe lời, cũng biết sợ. Nhưng sau đó lại… đâu vào đấy.

“Mình biết con đánh bạn là có lý do, khi hỏi, con có nói là con bị các bạn trêu. Mình cũng đã dặn con là nếu bị bạn trêu thì cứ lờ đi hoặc nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm. Tuy nhiên, con không làm được điều đó. Nếu con cứ giữ tính nóng nảy, giải quyết các mâu thuẫn bằng bạo lực như thế này, sợ sau này lên lớp lớp hơn, con sẽ bị các bạn  thù ghét rồi… đánh hội đồng mất” – chị Linh lo lắng.

Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc trẻ hung tính, một phần là do cách dạy dỗ của gia đình. Bố mẹ hay la hét, mắng mỏ hay đánh đập con đều là những “gương” khiến cho con bị ảnh hưởng.

Vì vậy, theo bà Hương, bố mẹ cần dừng ngay các hành vi giáo dục bạo lực về thể chất và tinh thần lại để kiên nhẫn dạy con. “Cần  thành lập một bộ quy tắc hành động trong gia đình và yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc.Khi có ai đó vi phạm dù đó là cha mẹ thì cũng cần phải chịu phạt cho công bằng” – bà Hương nói.

Ngoài ra, theo bà Hương, cha mẹ cần rèn tính nhẫn nại cho con bằng các trò chơi có tính tập trung cao. Những lúc con nổi nóng, cha mẹ nên cầm hai tay và yêu cầu con ngồi xuống, uống nước và giữ bình tĩnh trong 30 phút rồi mới làm việc khác. Có thể cho con nghe nhạc nhẹ, tập thiền hay lấy giấy bút cho con “xả” cơn tức giận bằng cách viết ra những điều con nghĩ. Nếu lần nào con nổi nóng cũng được yêu cầu như vậy, dần dần con sẽ mềm tính và biết suy nghĩ cặn kẽ hơn trước khi hành động.

Bà Hương cũng cho rằng chế độ ăn uống cũng cần phải được điều chỉnh: “Nên hạn chế cho con ăn những thực phẩm quá nhiều năng lượng. Chúng ta nên hạn chế số lượng những thực phẩm cay nóng. Các con vẫn ăn đủ chất nhưng số lượng nên giảm ở các món này. Với các món mát mẻ, có tính an thần cao như hoa thiên lý, hạt sen, các cha mẹ nên cho con ăn” – TS Hương khuyên.

Bên cạnh đó, có thể dành thời gian tâm sự với con về những kỷ niệm tuổi học trò của mình để con có thể vui vẻ kể các câu chuyện xảy ra tại lớp của con. Khi con đã dốc bầu tâm sự, cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe, góp ý nhẹ nhàng cho con. Cách làm này sẽ xả hết mọi ức chế (nếu có) khi con đi học và giúp con bình tĩnh hơn khi xử lý mọi việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem