3 dự án giao thông trăm nghìn tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm nay

26/01/2020 08:46 GMT+7
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành (giai đoạn 1) và cao tốc Bắc - Nam phía Đông là những dự án giao thông trăm nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2020.

Đề xuất giao ACV đầu tư nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm. Diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, diện tích xây dựng là trên 16 ha với tổng mức đầu tư dự kiến gần 11.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất làm chủ đầu tư dự án. Hiện ACV là đơn vị quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trên toàn quốc.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết ACV nghiên cứu xây dựng, có kinh nghiệm quản lý đầu tư... Trong năm 2020, ACV dự kiến khởi công nhà ga này, thời gian hoàn thành 37 tháng, bao gồm 24 tháng thi công.

3 dự án giao thông trăm nghìn tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm nay - Ảnh 1.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư dự kiến gần 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên.

Theo quyết định mới nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Như vậy nếu triển khai, ACV sẽ tự thu xếp vốn.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã trình Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này do ACV thực hiện. Vốn đầu tư sau khi rà soát là khoảng 10.990 tỷ đồng, bằng nguồn vốn góp của ACV, giảm 440 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu.

Bộ cho rằng tiến độ xây dựng 37 tháng là khó khả thi vì còn nhiều công việc cần thực hiện. Do đó, ACV cần rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện dự án. Với phần diện tích nhà ga 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m2, Bộ đề nghị ACV trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần thực hiện ra soát, phân tích kỹ nhằm tránh lãng phí.

Giai đoạn 1 sân bay Long Thành cần giải phóng mặt bằng 5.000 ha đất

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với chi phí gần 23.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành, sân bay Long Thành trải qua 3 giai đoạn xây dựng, kéo dài đến năm 2040. Trong đó, giai đoạn 1 gồm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm cùng các hạng mục phụ trợ. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 111.690 tỷ đồng (4,77 tỷ USD), bao gồm các chi phí xây dựng, thiết bị, dự phòng trượt giá, lãi vay...

3 dự án giao thông trăm nghìn tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm nay - Ảnh 2.

Phối cảnh sân bay Long Thành. Nguồn: ACV.

Vào cuối tháng 11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xây dựng giai đoạn một sân bay Long Thành, giao Chính phủ chọn nhà đầu tư. Trước đó, ACV được đề xuất là chủ đầu tư dự án. Nghị quyết của Quốc hội lưu ý vốn triển khai giai đoạn một của dự án phải là "vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ".

Về phía ACV, lãnh đạo doanh nghiệp từng cho biết công ty đã tích lũy được một tỷ USD và tiếp tục tích lũy trong giai đoạn 2019-2025, dự kiến cân đối được 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án sân bay Long Thành. ACV sẽ chỉ vay một phần hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần giải phóng mặt bằng (GPMB) 5.000 ha đất cho 3 giai đoạn xây dựng. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, nhu cầu diện tích đất dành cho giai đoạn một (2020 - 2025) khoảng 2.500 ha. Sau khi đền bù xong, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ quản lý phần đất này và giao cho chủ đầu tư theo tiến độ từng giai đoạn. Diện tích 2.400 ha còn lại của giai đoạn 2 và 3 sẽ cho thuê để các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp (trồng cây hằng năm).

Cuối năm 2020, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án. Nhằm di dời người dân trong vùng dự án, tỉnh bố trí xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Phân khu 3 - Khu tái định cư Bình Sơn.

Cao tốc Bắc Nam phía Đông chọn nhà thầu trong nước

Theo hình thức đối tác công tư (PPP), cao tốc Bắc Nam có 8 dự án thành phần gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Còn lại, 3 dự án khác được đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.

Tổng vốn đầu tư dự án là khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng là vốn Nhà nước, 63.700 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách. Ban đầu, Bộ GTVT dự kiến đấu thầu quốc tế để thực hiện dự án, thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines... Tuy nhiên sau đó, đến tháng 9/2019, Bộ quyết định chuyển sang đấu thầu trong nước. Dự kiến, tháng 2/2020, việc sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án PPP sẽ hoàn thành. 

3 dự án giao thông trăm nghìn tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm nay - Ảnh 3.

Cao tốc Bắc Nam phía Đông có tổng vốn đầu tư hơn 118.700 tỷ đồng. Ảnh: KTĐT.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm mới của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo cần tập trung triển khai tốt dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông (cao tốc Bắc - Nam) trong năm 2020.

Báo cáo tại hội nghị cho biết trong năm 2019, 7 dự án đang được thực hiện. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng dự án Cam Lộ - La Sơn đã bàn giao được 66%, đủ mặt bằng để khởi công, thi công các gói thầu theo tiến độ lựa chọn nhà thầu xây lắp. Dự kiến dự án sẽ được bàn giao toàn bộ mặt bằng chậm nhất trong quý II/2020. Đối với các gói thầu đã triển khai thi công, các nhà thầu đã huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực theo yêu cầu và đang triển khai thi công nền đường.

Dự án Nha Trang - Cam Lâm đã hoàn thành cắm, bàn giao cọc GPMB, thiết kế kỹ thuật được 99%, đồng thời triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án, phấn đấu để trong quý III/2020 sẽ hoàn thành công tác đấu thầu. Dự án La Sơn - Túy Loan đang thực hiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác trong năm 2020.

Ngoài ra, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành thi công dự án QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; cơ bản thông tuyến dự án tuyến tránh Eadrăng, huyện EaHleo, tỉnh Đắk Lắk, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2020; bàn giao hết bảo hành các dự án thành phần qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, phấn đấu hoàn thành việc bàn giao hết bảo hành trong quý I/2020.

Cuối năm 2020, Ban QLDA dự kiến có thể khởi công dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng dự án tuyến tránh Thị trấn Eadrang, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk; bàn giao hết bảo hành đoạn qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước, dự án nâng cấp QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên...

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục