3 ngành hàng xuất khẩu gần 80 tỷ USD, cùng kêu cứu vì dịch Covid-19

Quang Dân Thứ tư, ngày 01/04/2020 12:52 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc ba hiệp hội ngành dệt may, da giày, thủy sản đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.
Bình luận 0

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới. Đặc biệt dịch bệnh đã bùng phát và trở thành tâm điểm tại các quốc gia như: Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ... Đây cũng chính là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khấu dệt may, da giày và thủy sản Việt Nam.

Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc ba hiệp hội đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.

Điêu đứng vì dịch Covid -19 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước đạt 549 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất (40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%, Mỹ giảm 8,6%...

img

Nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6, ước tính ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Vinatex.

Ba tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (đạt hơn 325 triệu USD, giảm 31%), chủ yếu do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong hai tháng đầu năm.

Theo ông Trần Văn Phẩm - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, dịch covid-19 lây lan diện rộng khiến toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ách tắc, người nông dân điêu đứng, doanh nghiệp cũng đình đốn.

"Riêng đối với thị trường châu Âu và Mỹ, tháng 2 và 3 hàng năm mặc dù chưa phải là cao điểm trong giao dịch (thường là tháng 4 và 5, lúc vào vụ tôm), bình thường thì đơn hàng ký kết vào thời điểm này cũng không nhiều, nhưng nay có dịch covid-19 khiến tình trạng sụt giảm càng nghiêm trọng hơn" ông Phẩm cho hay.

Theo VASEP, tỷ lệ các đơn hàng của các doanh nghiệp được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Còn tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Đặc biệt tại thị trường châu Âu, phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy. Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch covid-19.

Rất nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II và III/2020. Hầu hết các DN thủy sản ở cả 3 nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn về tài chính vì thu hồi tiền từ khách hàng rất chậm, doanh thu xuất khẩu giảm mạnh, không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng, trong khi phải gánh nhiều loại chi phí tại ngân hàng cũng như phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa…

Tương tự, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) ghi nhận từ trung tuần tháng 3 liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trong khoảng tháng 4-5. Những thương hiệu càng lớn thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng nhiều, đồng thời cũng chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi.

Dự đoán tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng chậm. Trong khi đó, các nhà máy Trung Quốc đã hoạt động trở lại, nhu cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%.

Tình hình này đã tạo ra áp lực lớn lên các doanh nghiệp ngành dệt may cả về tài chính và lao động. Vinatex cho rằng nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4.

Tập đoàn đưa ra giả thiết nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6, ước tính ngành thiệt hại 11.000 tỷ đồng, trong đó Vinatex thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự kiến 30-50% lao động thiếu việt làm trong khoảng tháng 4-5, gây thiệt hại lên đến hơn 5.000 tỷ cho toàn ngành và nếu tình hình kéo dài, ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh đó, ngành dệt may nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng. Trong trường hợp khách hủy 20% đơn hàng thì toàn ngành sẽ có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định khi báo cáo đến các bộ, ngành về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến toàn ngành dệt may trong giai đoạn 2, tính từ 11/3 cho đến nay.

Theo Vinatex, nguồn cầu từ các nhà đặt hàng nước ngoài giảm đột ngột, đồng loạt cắt tất cả các đơn hàng đến tận tháng 6/2020 và không có hỗ trợ gì khiến 100% doanh nghiệp ngành dệt may rơi vào ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, hai thị trường lớn nhập khẩu dệt may của Việt Nam là Mỹ, EU, chiếm lần lượt 50% và 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đã rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, khiến nhu cầu mua sắm tại hai thị trường này đột ngột suy giảm mạnh. 

Điều đó dẫn đến việc các nguồn cầu đặt hàng từ các nhãn hàng lớn đều có động thái dừng tất cả các đơn hàng, đóng cửa hệ thống bán hàng trong tháng 3 và dự kiến kéo dài đến tận tháng 6/2020.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất sau các thông báo dừng đặt hàng và "hoàn toàn không có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong nước khi cắt bỏ đơn hàng", Vitas đánh giá điều này đã "ảnh hưởng trực tiếp đến gần 100% số doanh nghiệp, tùy quy mô, mức độ và đặc thù mặt hàng của doanh nghiệp".

Ước tính chưa đầy đủ của Vitas cũng cho hay có khoảng 70% doanh nghiệp trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3, nhưng "đến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5 này".

img

Một số doanh nghiệp ngành sợi, dệt có mức độ ảnh hưởng thấp hơn do sản xuất được vải, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch - Ảnh: T.V.N

 'Kêu cứu' vì dịch Covid-19 

Trước tác động nghiệp trọng trên, ba hiệp hội bao gồm ngành dệt may, da giày, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm qua, cùng ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Trong đó, về Bảo hiểm Xã hội (BHXH), trước mắt cho phép doanh nghiệp và người lao động ngừng đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tùy theo tình hình tác động của dịch bệnh xin miễn đóng với mức tương ứng. Dùng tiền kết dư của quỹ BHXH, BHTN hỗ trợ 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động, 50% còn lại doanh nghiệp tự lo.

Cùng đó, cần dùng tiền kết dư quỹ BHXH và BHTN cho DN vay không lấy lãi đế chi trà các chi phí cho người lao động. Các hiệp hội cũng kiến nghị Quốc hội thông qua việc giảm tý lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ1% xuống 0,5%.

Về tiền lương cho người lao động, các hiệp hội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 giải pháp.

Một là, nếu người lao động chấp nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo mức do hai bên thỏa thuận có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Hai là, đề nghị  cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Bộ Luật Lao động 2019, trong trường hợp ngừng việc do dịch bệnh thì 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiêu vùng và từ ngày 15 trờ đi theo mức lương do hai bên thỏa thuận.

Về vấn đề thuế, các hiệp hội cũng kiến nghị cho phép chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019 đến hết 2020 và không tính lãi chậm nộp. Còn thuế VAT, cần hoãn thuế VAT cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị về miễn kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp và phí công đoàn cho người lao động trong năm 2020. Ngoài ra, cả ba hiệp hội cũng kiến nghị hỗ trợ hạ lãi suất cho các khoản đã vay trước năm 2020, cụ thể, hạ 4-5% đối với khoản vay VNĐ và 2-3% đối với đồng USD.

Các hiệp hội cũng xin giãn giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 (với thời hạn trả chậm được phép tối thiếu là 3-6 tháng) mà không tính lãi suất chậm trả nợ. Bên cạnh đó cũng đề nghị giảm giá điện, nước 30% trong năm 2020, đồng thời, đề nghị Hải Phòng giảm phí cảng biến 50% và Bộ GTVT nghiên cứu giảm 30% phí BOT từ năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem