30 năm chiến thắng dioxin

Thứ tư, ngày 14/09/2011 13:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mang trong mình chất độc da cam, chàng thanh niên Nguyễn Kim Khướng 18 tuổi ngày nào nay đã trở thành ông Khướng đầy bệnh tật. Thế nhưng, vượt lên hoàn cảnh, ông vẫn sống và nuôi dạy 3 người con khiếm thị nên người.
Bình luận 0

Năm 1971, Nguyễn Kim Khướng (thôn Bắc Lãm, Ba La, Hà Đông, Hà Nội), cũng như bao thanh niên khác, lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 12.1978 ông xuất ngũ trở lại quê hương.

img
Người đàn ông chịu nhiều nỗi đau Nguyễn Kim Khướng.

Nỗi đau chiến tranh

Trước khi ra trận, ông Khướng đã kịp lấy vợ - cô gái xinh đẹp nhất thôn Bắc Lãm tên Nguyễn Thị Hiển. Năm 1979, vợ chồng ông sinh được cậu con trai đầu lòng là Nguyễn Kim Ơn. Khi anh Ơn được 7 tháng tuổi, ông bà mới phát hiện anh không nhìn thấy gì. “Mang con xuống Viện mắt Trung ương khám, bác sĩ kết luận cháu bị mù bẩm sinh” – bà Hiển kể.

Bao nhiêu hy vọng đặt vào đứa con thứ hai- Nguyễn Thị Huyền (SN 1980) cũng sụp đổ khi Huyền cũng bị giống người anh trai của mình.

Nghe lời khuyên của một bác sĩ, vợ chồng ông Khướng gắng gượng nuôi con và chờ đến gần chục năm sau mới sinh tiếp. Năm 1987, Xuân ra đời khỏe mạnh, mắt sáng, như tia hy vọng phía cuối đường hầm của ông bà. Khấp khởi mừng thầm, năm 1988, bà Hiển mang thai đứa con thứ tư. Lần này may mắn đã không mỉm cười, cô con gái út Nguyễn Thị Sen cũng mãi mãi không được nhìn thấy mặt trời.

Biết mình bị nhiễm độc dioxin nhưng do làm mất giấy tờ nên ông Khướng không được địa phương giải quyết chế độ. Mãi đến năm 1990, sau 3 đợt khảo sát thực tế, gia đình ông mới có tên trong danh sách nhận trợ cấp hàng tháng của Sở LĐTBXH.

Những cử nhân khiếm thị

Mỗi lúc nhớ lại những khó khăn ngày trước, ông bà lại giọt ngắn giọt dài: “Nó chất thành núi, nó chảy thành sông tưởng như không thể vượt qua nổi, nhưng vì muốn con được học hành như những đứa trẻ khác nên mình phải cố lên thôi”.

Năm Ơn được 10 tuổi và Huyền 9 tuổi, ông bà đưa lên học ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) dành cho trẻ khiếm thị. Rất nhiều người lầm tưởng vợ chồng ông chối bỏ trách nhiệm đem con đi bỏ ở trại trẻ mồ côi. Lại phải nhọc lòng giải thích, có người tin người không. Cảnh nhà thiếu thốn, không đủ đóng học phí, ông Khướng thường phải chở gạo đến nhà bếp của trường, quy ra tiền, nhờ các thầy cô chăm sóc dạy dỗ cho con mình.

Hơn 30 năm đã trôi qua, biết bao tủi cực đắng cay đều đã nếm trải, ông Khướng vẫn lặng lẽ dìu dắt những đứa con khiếm thị của mình đi qua bóng tối, không một lời oán thán, trách móc.

Để trả ơn cha mẹ, Ơn và Huyền chăm ngoan, học giỏi. Học xong cấp III, Ơn đỗ Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), Huyền đỗ vào khoa Văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngày hai anh em đi thi, ông bà Khướng - Hiển phải hỏi han khắp nơi để mua cho bằng được chiếc máy đánh chữ cũ cho con làm bài. Chiếc máy ấy đến nay gia đình vẫn nâng niu cất giữ để làm kỷ niệm.

Tốt nghiệp ra trường, Ơn xin vào Trung tâm Nghệ thuật Tình thương, do NSND Tường Vi tổ chức. Còn Huyền, với chức vụ là Phó Chủ tịch Quận hội Người mù Hà Đông, được giao quản lý một số tổ nghề và làm công việc hành chính. Ngoài ra, Huyền cũng hay tham gia biểu diễn văn nghệ và dẫn chương trình để có thêm thu nhập. Huyền nói: "Cả đời này anh em chúng em không trả hết công ơn cha mẹ. Dù sinh ra chúng em không có đôi mắt sáng, nhưng đó không phải lỗi của bố mẹ chúng em".

Cô gái út của ông bà là Nguyễn Thị Sen hiện đang học lớp 12 tại Trường Nguyễn Văn Tố. Cô cũng đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia, chuyên ngành đàn tranh, khoa thanh nhạc.

Nhìn khuôn mặt ông bà rạng ngời mỗi khi nhìn lên những tấm giấy khen của con dán kín trên tường, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem