35 năm sự kiện Gạc Ma: "Hẹn ngày trở về Đà Nẵng gặp lại"

Diệu Bình Thứ hai, ngày 13/03/2023 13:08 PM (GMT+7)
Niềm day dứt của người mẹ mất con khiến đôi mắt mẹ Trần Thị Huệ như thêm vài phần tuổi. Nhiều kỷ niệm về đứa con trai đầu lòng được mẹ thủ thỉ đi lại trong hơn 30 năm qua. Để đến ngày hôm nay, mẹ vẫn còn tiếc nuối nhiều điều...
Bình luận 0

"Cam Ranh 29/2/1988

Con tới Cam Ranh lúc 9 giờ tối 28, con ở đảo này khoảng chừng tuần lễ là con sẽ đổi đi đảo ngoài xa, con chỉ có mấy lời báo cho gia đình biết, má và mấy em khỏi trông, hẹn ngày trở lại đất Đà Nẵng, con chỉ mong má giữ gìn sức khỏe, đó là điều con muốn nhất…"

35 năm sự kiện Gạc Ma: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm" - Ảnh 1.

Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Thế. Ảnh: D.B

Bức thư được liệt sĩ Lê Thế viết ngày 29/2/1988. Đây cũng là bức thư cuối cùng anh gửi cho mẹ, bởi chỉ hơn 20 ngày sau, anh và 63 đồng đội đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988. Những nét chữ được viết trên tờ giấy không có dòng kẻ nhưng khá ngay ngắn, thẳng hàng.

"Nước mắt" Gạc Ma

"35 năm, mắt tôi giờ đã mờ, chân đi không vững nhưng thấy cậu Thế (liệt sĩ Lê Thế - PV) vẫn vậy. Nó cứ mãi tuổi đôi mươi", mẹ Trần Thị Huệ (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) nhẩm đọc như thuộc bức thư vỏn vẹn đôi ba dòng liệt sĩ Lê Thế để lại.

Là anh cả trong gia đình có 3 anh em, bố không may mất sớm, ngay từ khi còn nhỏ, Lê Thế đã cùng mẹ gánh vác chuyện lớn nhỏ trong nhà.

Bị tật ở mắt, 2 lần liệt sĩ Thế xin nhập ngũ nhưng bị từ chối. Nhìn thanh niên trong làng lớp lớp tòng quân, anh quyết tâm mổ mắt để khoác trên mình màu áo lính.

35 năm sự kiện Gạc Ma: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm" - Ảnh 2.

Mẹ Huệ bên bàn thờ liệt sĩ Lê Thế. Ảnh: D.B

Vào quân ngũ, Lê Thế được đưa đi huấn luyện ở Hội An (Quảng Nam) sau đó chuyển đến huấn luyện tại Đồng Xanh - Đồng Nghệ (Đà Nẵng) rồi về đóng quân tại cảng Tiên Sa. Sau Tết Nguyên đán, anh và đồng đội nhận lệnh vào Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm theo chiến dịch CQ-88.

"Hôm ấy con về, tôi còn đang làm dở ngoài đồng. Thế chạy ra đồng, tìm tôi. Đứng trên bờ nó nói lớn phải đi nhận nhiệm vụ tại Cam Ranh rồi đi mất hút. Hôm ấy, phải chi 2 mẹ con tôi về nhà cùng nhau, tôi nấu cho thằng nhỏ bữa cơm... Hôm ấy, cái bóng thằng nhỏ mới thấy thương làm sao", mẹ Huệ nghẹn lời.

35 năm sự kiện Gạc Ma: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm" - Ảnh 3.

Sau 35 năm, mẹ Huệ vẫn không kìm nổi xúc động khi nhắc về con trai. Ảnh: D.B

Ngày 14/3/1988, liệt sĩ Lê Thế hy sinh trong cuộc chiến đấu không cân sức với hải quân Trung Quốc trên đảo Gạc Ma.

Niềm day dứt của người mẹ mất con khiến đôi mắt mẹ Huệ như thêm vài phần tuổi. Nhiều kỷ niệm về đứa con trai đầu lòng được mẹ thủ thỉ đi lại trong hơn 30 năm qua. Để đến ngày hôm nay, mẹ vẫn còn tiếc nuối nhiều điều. Mẹ tiếc chưa cho con đủ đầy, mẹ tiếc chưa sửa kịp nhà cho con ở… Người mẹ tiếc cho con.

"Trong bức thư duy nhất cũng là bức thư cuối cùng gửi về nhà sau khi nhận nhiệm vụ tại Cam Ranh,Thế dặn đi dặn lại tôi phải giữ gìn sức khỏe, dặn các em cố gắng học hành, phụ giúp mẹ. Phải chi nó có vợ rồi có một đứa con, phải chi tìm thấy được xác của nó thì đỡ hơn rồi", mẹ Huệ nói.

64 người mẹ của 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày ấy đều có một đau chung là sự đau thương, mất mát. Ở tuổi ngoài 80, mẹ Lê Thị Lan (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhiều đêm mơ thấy con mà ướt gối. Cơn đột quỵ cách đây ba tháng bất ngờ lấy mất khả năng đi lại của người phụ nữ vốn đã khắc khổ. Cơ thể bệnh tật nhưng mẹ Lan vẫn không thôi nhớ về đứa con của mình, đặc biệt là vào những ngày tháng Tư về.

35 năm sự kiện Gạc Ma: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm" - Ảnh 4.

Mẹ Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc. Ảnh: D.B

"Ngày Lộc (liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc – PV) lên đường, mẹ đưa cho Lộc cái chăn để khi lạnh có cái đắp. Mẹ nhớ, nó nói, lần này con đi luôn chứ không về. Thật, đến giờ nó cũng chưa về", mẹ Lan nhớ lại

Chiếc chăn là món quà mong con lên đường bình an, ai ngờ đến giờ nó là nỗi khắc khoải, ám ảnh mẹ Lan trong mấy mươi năm qua.

Vòng tròn bất tử

Như thường lệ, vào dịp 14/3 hằng năm, thân nhân, đồng đội các liệt sĩ lại ra biển thả hoa đăng, gửi thương nhớ theo sóng ra đến Gạc Ma.

Năm nay, đồng đội đặt ngay ngắn 64 bài vị hương linh các anh lên mô hình con tàu HQ-604.

35 năm sự kiện Gạc Ma: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm" - Ảnh 5.

Mô hình con tàu HQ-604 được Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP.Đà Nẵng Nguyễn Văn Tấn phục dựng. Ảnh: D.B

Tại đình làng Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP.Đà Nẵng Nguyễn Văn Tấn dõng dạc:

"Kính thưa các đồng chí!

Các thế hệ người Việt Nam đã bỏ biết bao nhiêu công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần quả cam, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường lại được thế hệ sau nối tiếp.

Ngày 14/3/1988, 64 người lính đảo Gạc Ma trong cuộc chiến không cân sức, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn.

Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988 là cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất công sự nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tô quốc, cán bộ chiến sĩ của các lực lượng trên 3 con tàu HQ604, HQ606, HQ505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tình thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những người lính quả cảm, sự hy sinh của họ đã được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ Quốc, tinh thần chiến đấu của các anh là một trong những nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau không ai được phép quên lãng."

35 năm sự kiện Gạc Ma: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm" - Ảnh 6.

Đồng đội thả hoa đăng tưởng nhớ các anh. Ảnh: D.B

Trước hương linh của con cùng đồng đội, mẹ Lan xúc động: "Hôm nay tròn 35 năm ngày con tôi đi bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc. Tôi thương nhớ con nhưng nếu được quay trở lại tôi vẫn ủng hộ việc làm của con".

35 năm qua, Gạc Ma vẫn là nỗi đau âm ỉ trong tim người cha, người mẹ liệt sĩ. Nhưng chính trong cái mất mát, chia ly ấy có ngọn lửa vẫn đang rực cháy, vững vàng trước bão gió trùng khơi.

Gạc Ma không chỉ còn là nỗi đau. Những chàng trai đôi mươi ngày ấy đã tạo nên vòng tròn bất tử, khơi dậy những điều tưởng chừng như chưa bao giờ bị lãng quên, rằng: "Chủ quyền Quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm".

14/3/2023, tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem