Tào Tháo (155 – 220) là một nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán. Ông cũng chính là người đã đặt nền móng để lập nên nhà Tào Ngụy vào thời Tam Quốc.
Lớn lên trong thời loạn thế, Tào Tháo từng bước khẳng định mình trên vũ đài chính trị. Tào Tháo là gian hùng hay anh hùng? Chủ đề này có lẽ vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, do phần lớn nhiều người chịu ảnh hưởng của tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa".
Tuy nhiên, trong chính sử, Tào Tháo quả thực là một chính trị gia tài giỏi, có tầm nhìn xa trộng rộng. Ông là người có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, sau đó lần lượt Lã Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương Bắc....
Với phương châm dùng người tài để giúp dựng đại nghiệp, Tào Tháo luôn cảm mến và tỏ lòng ngưỡng mộ với các anh hùng, hào kiệt thời Tam Quốc.
Dù trải qua vô số trận chiến trong cuộc đời nhưng rốt cục cũng chỉ có 4 mãnh tướng này được Tào Tháo ái mộ nhất. Họ là những ai?
Vị trí số 4: Hứa Chử
Hứa Chử (? – 230) là một trong những công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Không chỉ nổi tiếng với sức khỏe phi thường, ông còn là một vị tướng hộ vệ được Tào Tháo rất tin tưởng bởi trung thành và hết lòng vì chủ.
Cùng với Điển Vi, Hứa Chử trở thành tướng hộ vệ được Tào Tháo tin tưởng nhất, thậm chí còn giao trọn cả tính mạng.
Hứa Chử từng hai lần cứu mạng Tào Tháo. Lần đầu tiên vào năm 200, tại trận Quan Độ, khi quân Tào đang đánh với quân của Viên Thiệu, một người hộ vệ tên là Từ Tha có âm mưu ám sát chủ. May có sự nhạy bén của Hứa Chử nên Tào Tháo mới thoát khỏi hoạ sát thân này.
Lần thứ hai, vào năm 211, Mã Siêu và Hàn Toại khởi binh chống lại Tào Tháo. Lúc bấy giờ, Tào Tháo đích thân dẫn quân đến ải Đồng Quan để nghênh địch, Nhưng nhân lúc Tào Tháo đưa quân vượt sông, Mã Siêu bất ngờ hạ lệnh cho một vạn quân bắn tên như mưa. Thật may khi đó có Hứa Chử lấy thân mình che chở cho Tào Tháo. Nhờ vậy, Tào Tháo đã thoát khỏi trận đột kích này.
Sau khi Tào Tháo qua đời (năm 220), Hứa Chử tiếp tục phục vụ con trai Tào Tháo là Tào Phi. Có thể nói, trong Tam Quốc có vô số anh hùng, hào kiệt, nhưng hiếm có mãnh tướng nào lại kết thúc cuộc đời một cách có hậu như Hứa Chử.
Vị trí số 3: Điển Vi
Điển Vi (? – 197) là người Kỷ Ngô, quận Trấn Lưu. Ông chính là một trong những mãnh tướng của Tào Tháo thời Tam Quốc.
Điển Vi có tướng mạo khôi ngô, sức khoẻ hơn người. Ban đầu, Điển Vi phục vụ dưới trướng Trương Mạo, sau mới đi theo Tào Tháo.
Năm 194, khi Tào Tháo giao chiến với Lã Bố bị bao vây, nhờ sự dũng cảm và nhạy cảm của Điển Vi đã giải vây giúp vị quân chủ này. Do lập được đại công nên Điển Vi được Tào Tháo phong làm Đô úy và cho làm hộ vệ bên cạnh.
Đến năm 197, khi Trương Tú phản bội Tào Tháo, nhờ Điển Vi chặn giữ cửa trước, chống lại phản quân, nên Tào Tháo có thể chạy thoát vào lúc đêm tối. Tuy nhiên, do bị kẻ địch vây hãm quá đông nên cuối cùng Điển Vi tử trận. Khi biết tin, Tào Tháo đã thương khóc và sai người đi lấy thi thể ông về để an táng.
Trong cuộc chiến này, Tào Tháo chịu tổn thất nặng nề khi mất đi cả con trưởng, cháu nội và mãnh tướng mà ông vô cùng quý mến. Vị quân chủ này từng nói rằng dù mất đi một con trưởng, một cháu yêu nhưng cũng không quá đau xót, chỉ tiếc thương Điển Vi mà thôi.
Vị trí số 2: Quan Vũ
Một trong những mãnh tướng mà Tào Tháo cả đời khao khát có được chính là Quan Vũ (? – 220). Ông cũng chính là người phụ lại vị quân chủ trọng tài này.
Thời Tam Quốc, Quan Vũ là đại diện biểu trưng cho sự trung nghĩa và lòng dũng cảm.
Thậm chí khi ở dưới trướng của Tào Tháo, được Tào Tháo tặng rất nhiều vàng bạc, mỹ nữ, thậm chí cả ngựa Xích Thố nhưng cũng không thể làm thay đổi sự trung nghĩa mà Quan Vũ dành cho Lưu Bị.
Khi Quan Vũ tử trận vì chịu thất bại ở Phàn Thành, Tôn Quyền dâng đầu của Quan Vũ cho Tào Tháo. Tuy nhiên, Tào Tháo đau xót, tiếc nuối và cho người chôn cất ông rất tử tế. Điều này đủ để thấy vị trí của Quan Vũ ở trong lòng Tào Tháo.
Vị trí số 1: Triệu Vân
Không phải Quan Vũ, đối với Tào Tháo, vị trí thứ nhất trong tứ đại mãnh tướng mà ông luôn khao khát chiêu mộ được chính là Triệu Vân (? – 229).
Với khả năng quân sự xuất chúng cùng trí tuệ hơn người, văn võ song toàn, Triệu Vân được ca tụng là danh tướng hoàn mỹ nhất thời Tam Quốc. Ông là một trong những người có công lớn trong việc thành lập nên nhà Thục Hán của Lưu Bị.
Trong thời gian phụng sự dưới trướng của Lưu Bị, Triệu Vân từng tham gia và có nhiều chiến tích trong trận Bác Vọng, trận Trường Bản, trận chiến ở Hán Thủy...
Khi lần đầu trông thấy Triệu Vân chiến đấu, Tào Tháo đã thốt lên rằng, không ngờ trên đời lại có người dũng mãnh hơn cả Lã Bố.
Từ lần gặp gỡ này khiến Tào Tháo khao khát chiêu mộ được vị tướng tài ba này. Điều này được thể hiện khi Triệu Vân một mình phá vòng vây của đại quân Tào để cứu A Đẩu (con trai của Lưu Bị) tại trận chiến ở Trường Bản.
Sở dĩ Triệu Vân có thể một mình chiến vạn quân trong trận đấu này là nhờ Tào Tháo ra lệnh chỉ bắt sống, không được bắn tên. Vị quân chủ này quá ái mộ tài năng và sự dũng mãnh của Triệu Vân. Thử hỏi dù Triệu Vân có dũng mãnh tới đâu thì cũng khó có thể thoát được "mưa tên" đột kích từ phía đại quân Tào.
Đáng tiếc là Triệu Vân quá trung thành với Lưu Bị nên Tào Tháo không có cơ hội để chiêu mộ nhân tài hiếm có này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.