Khẳng định vị thế
Theo các cụ cao niên của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam (dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng) đặt tại đất Thanh Chiêm vào đầu thế kỷ 17, tồn tại và phát triển hơn 400 năm qua. Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán, như lư đèn thờ, chuông, chiêng, súng đạn, nồi niêu, xoong chảo…
Trải qua hơn 400 năm, các thế hệ nghệ nhân của làng nghề Đúc đồng Phước Kiều giữ được nghề và còn đưa các sản phẩm vươn ra thế giới.
Dưới thời chúa Nguyễn (và triều Nguyễn), những nghệ nhân của làng nghề được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín. Một số nghệ nhân đã được phong "Cửu phẩm đội trưởng" như cụ Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên). Trong quá trình đến Phú Xuân tham gia đúc đồng, các bậc tiền bối của làng Phước Kiều cũng đã hội nhập với phường đúc Huế để làm nghề, lập gia đình và tạo nên những tộc họ lớn gắn bó với nghề ở đây…
Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử đất nước, nhiều thế hệ nghệ nhân của làng nghề đúc đồng Phước Kiều vẫn giữ được ngọn lửa cho làng nghề. Đến giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất, để giữ nghề, địa phương vận động thành lập HTX chuyên doanh sản xuất nhôm đồng Phước Kiều, từ đó đến nay, nghề đúc đồng phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín của mình.
Vươn ra thế giới
Theo nghệ nhân Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều, sau thời gian ông được tín nhiệm làm chủ nhiệm HTX đúc đồng Phước Kiều, năm 2000, để mở hướng đi riêng cho mình cũng như xây dựng thương hiệu cho làng nghề, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều. Qua 14 năm phát triển, công ty ngày càng phát triển và đã đúc ra nhiều sản phẩm giá trị tạo tiếng vang cho làng.
Quan điểm
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng
Cả làng nghề bây giờ chỉ còn 8 nghệ nhân, mà 5 nghệ nhân đã lớn tuổi… Vì vậy, để giữ lửa cho nghề, cơ sở đúc đồng chúng tôi cũng là điểm đào tạo nghề cho các thế hệ thanh niên trong làng trở thành thợ lành nghề để kế nghiệp…”.
Hiện nay, ngoài những sản phẩm truyền thống đã trở thành thương hiệu làng nghề như cồng, chiêng, lư đồng, nồi niêu, xoong chảo…, công ty còn sản xuất các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ tinh xảo, lạ mắt như đèn lồng, khay đồng chạm trổ hoa văn, gạt tàn thuốc hình búp sen, tượng phật, rồng, lân… Đặc biệt, năm 2010, lần đầu tiên công ty đúc thành công cặp súng thần công theo nguyên mẫu thời Nguyễn, hay như mặt trống đồng có đường kính 1,1m, dày 20 cm… Mới đây nhất công ty đã đúc thành công chiếc đồng hồ nước bằng đồng có kích thước cao 2,5m với tổng trọng lượng nặng 500kg; 12 con giáp Cung hoàng đạo; nồi lư lớn nhất từ trước tới nay 1.500 tấn…
Với sản phẩm đa dạng, đẹp nên những năm gần đây công ty của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp nơi, nhất là các khu du lịch, resort trong và ngoài tỉnh như Palm Garden, BaNa Hill, Laguna Lăng Cô, Côn Đảo Resort… đặt đúc hàng trang trí. Hiện nay, sản phẩm đồng của công ty nói riêng và của làng nghề nói chung không chỉ có mặt hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới thông qua kênh xuất khẩu và du lịch.
“Dù làng nghề đã hồi sinh nhưng khắp làng Phước Kiều cũng chỉ còn chưa tới 10 hộ còn đỏ lửa thường xuyên, một con số khá khiêm tốn so với lịch sử hơn 400 năm vàng son của làng nghề Phước Kiều. Cả làng nghề bây giờ chỉ còn 8 nghệ nhân. Vì vậy, để giữ lửa cho nghề, cơ sở đúc đồng chúng tôi cũng là điểm đào tạo nghề cho các thế hệ thanh niên trong làng trở thành thợ lành nghề để kế nghiệp…”- nghệ nhân Dương Ngọc Thắng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.