428.000ha rừng giàu biến thành nghèo kiệt

Chủ nhật, ngày 02/01/2011 00:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm có 85,6 nghìn ha rừng giàu trở thành rừng nghèo kiệt.
Bình luận 0
img
Chặt phá rừng tràn lan là một trong những nguyên nhân làm suy giảm rừng.

Chất lượng rừng suy giảm

Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết, từ năm 1995 - 2010, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 2 triệu ha, độ che phủ của rừng trong 10 năm qua đã tăng từ 32,2 lên 39,1%. Tuy nhiên diện tích rừng tăng chủ yếu là rừng nghèo, ít giá trị. Còn các loại rừng giàu thì vẫn tiếp tục suy giảm mạnh.

Chính sách về lâm nghiệp ở nước ta hiện vẫn đang được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý ngành, hướng tới từng bước chuyển đổi từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh làm chính sang nền lâm nghiệp nhân dân có nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Theo viện này, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm có 85,6 nghìn ha rừng giàu trở thành rừng nghèo kiệt. Bình quân mỗi năm vùng Tây Bắc mất 18 nghìn ha; khu vực Tây Nguyên mất 20.000ha.

Riêng diện tích rừng khộp ở Tây Nguyên đã giảm 100.000ha trong 5 năm qua do làm thủy điện, chặt cây rừng chuyển sang trồng cây cao su, trồng cây ăn quả và khai thác quặng bauxite…

Ông Nguyễn Tuấn Phú - Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho biết, năm 1954 cả nước có 14 triệu ha rừng giàu với độ che phủ 43%. Nay rừng giàu chỉ còn 8 triệu ha, độ che phủ 39%.

Ông Nguyễn Tuấn Phú nói: "Trong những năm qua, chính sách lâm nghiệp có nhiều bước đổi mới, đột phá, nhưng hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng thì cơ bản vẫn giẫm chân tại chỗ. Hầu hết những cây gỗ lớn trong toàn bộ diện tích rừng tự nhiên còn lại đã bị khai thác chặt phá đến biến thành rừng nghèo và nghèo kiệt”.

Tăng cường giao rừng

Ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: “Nước ta còn nghèo, đất chật người đông, địa hình tự nhiên phức tạp, việc bảo vệ rừng chủ yếu là để bảo vệ môi trường cho đất nước, sau đó bảo tồn đa dạng sinh học cho toàn cầu.

Xã hội hóa nghề rừng, tăng cường giao rừng cho các cộng đồng dân cư, các tổ chức, các hộ gia đình là chủ trương xuyên suốt trong chính sách lâm nghiệp của chúng ta. Trong đó, nhà nước có vai trò quản lý chung và quản lý trực tiếp những diện tích rừng mà nhà nước chưa thể giao cho các thành phần kinh tế tư nhân”.

Ông Bình cho hay, nhà nước không đặt vấn đề khai thác rừng như một chỉ tiêu bắt buộc, mà khai thác rừng phải dựa trên cơ sở năng lực tối đa mà rừng có thể đem lại cho con người, khai thác phải bền vững và trên cơ sở có hiệu quả kinh tế.

Thực tế triển khai chính sách giao đất giao rừng đã cho thấy, giao rừng ổn định lâu dài cho người nông dân với chính sách đầu tư, tín dụng và chính sách hưởng lợi từ rừng hợp lý, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, sử dụng đất lâm nghiệp và bảo vệ rừng có hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem