5 cây cầu chậm tiến độ kéo dài ở Sài Gòn

11/08/2020 06:57 GMT+7
Cầu Long Kiểng, Phước Lộc, Nam Lý, Tăng Long và cầu Bưng là những dự án nằm ở đường huyết mạch, đông dân cư nhưng bị chậm tiến độ nhiều năm.

"Hai năm trước, dự án cầu Long Kiểng mới khởi công. Chúng tôi mừng bao nhiêu giờ hụt hẫng bấy nhiêu bởi chỉ hơn một năm thi công lại đình trệ, chưa biết khi nào xong", ông Nguyễn Văn Toàn, 53 tuổi, ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè nói khi nhìn cầu sắt Long Kiểng rung bần bật mỗi khi xe chạy qua, ngày 7/8. Hàng ngày chở cháu đi học qua đây, người đàn ông này chứng kiến nhiều vụ va chạm trên cây cầu sắt ọp ẹp, nham nhở các vết hoen gỉ.

5 cây cầu chậm tiến độ kéo dài ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Do dự án cầu Long Kiểng mới chậm tiến độ kéo dài nên hàng ngày người dân Nhà Bè phải đi qua cầu sắt nhỏ hẹp. Ảnh: Gia Minh

Nằm trên đường huyết mạch Lê Văn Lương, cầu Long Kiểng xây dựng từ sau năm 1975, bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe chạy qua. Tuy nhiên, cầu chỉ rộng hơn 2 m, "thắt cổ chai", chỉ cần một xe con hay ba gác đi vào sẽ gây ùn tắc. Cách đây 2 năm, cầu bị sập do ôtô quá tải chạy qua, sau đó được gia cố lại.

Trong khi cầu sắt Long Kiểng quá tải, ở kế bên dự án cầu mới lại đang "trùm mền". 19 năm trước, dự án cầu mới được duyệt và điều chỉnh lại năm 2017, khởi công tháng 8/2018 với tổng vốn hơn 557 tỷ đồng. Công trình dài 318 m, rộng 15 m, song song cầu hiện tại. Kế hoạch dự án hoàn thành đầu năm nay nhưng do vướng mặt bằng nên việc thi công bị ngưng. Hiện công trường không một bóng người, văn phòng làm việc khóa kín. Xung quanh, nhiều đoạn rào chắn ngổn ngang, ố vàng.

Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), cầu Long Kiểng mới thi công xong 7 trụ cầu, cơ bản đúng tiến độ. Riêng một trụ thi công chưa xong do phải đảm bảo giao thông đường Lê Văn Lương. Hai mố cầu chưa có mặt bằng nên không thể triển khai.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết dự án cầu Long Kiểng tổng cộng có 138 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã bồi thường 25 hộ (giai đoạn 1), còn giai đoạn 2 với 113 hộ (có 38 hộ giải toả trắng) chưa xong. Nguyên nhân là chưa xác định được quỹ nền tái định cư cho dự án nên huyện chưa trình phương án tính giá bồi thường.

"Đó cũng là thực trạng chung của nhiều dự án tại huyện Nhà Bè. Đối với dự án cầu Long Kiểng, địa phương đang nỗ lực, phấn đấu cuối năm nay bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục thi công năm 2021", ông Tùng nói.

5 cây cầu chậm tiến độ kéo dài ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Các trụ bêtông ở dự án cầu Long Kiểng mới hôm 23/7 sau khi đơn vị thi công rút đi. Ảnh: Gia Minh

Cũng tại Nhà Bè, cầu Phước Lộc mới trên đường Đào Sư Tích, bắc qua rạch Long Kiểng, nối hai xã Phước Kiển với Phước Lộc, cũng nằm trong danh sách các cây cầu dang dở nhiều năm ở TP HCM.

Khởi công năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 335 tỷ đồng, chiều dài 710 m, nhằm thay cầu sắt Phước Lộc cũ và mở kết nối giao thông tại khu vực. Tuy nhiên sau khi thi công được khoảng 2 năm, dự án đình trệ do vướng mặt bằng.

Tại công trình khoảng giữa tháng 5, phần cầu chính đã thành hình nhưng đứt đoạn, tua tủa sắt thép hoen gỉ, nằm chơ vơ giữa rạch và bờ. Trong khi phần đường dẫn hai bên đầu cầu tổng chiều dài 323 m trong tình trạng rào chắn công trình ngổn ngang vật liệu nhưng chưa có mặt bằng thi công.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, hai tháng trước, mặt bằng tại dự án mới được bàn giao và hiện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đang tổ chức thi công trở lại.

Tương tự, cách đó hơn 20 km, tại quận 9, hai dự án cầu Nam Lý và Tăng Long "nằm ì" nhiều năm nay cũng là nỗi khổ kéo dài của người dân nơi đây. Ba năm trước, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp với vốn đầu tư 857 tỷ đồng khởi công nhằm gỡ nút thắt cho cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp. Kế hoạch công trình hoàn thành tháng 4/2018, nhưng đến nay mới đạt khoảng 39% khối lượng do chỉ thi công được ở những mặt bằng đã giao.

Trên công trường cầu Nam Lý hồi cuối tháng 7 im lìm, nhà thầu đã rút toàn bộ thiết bị máy móc, nhân công. Nhiều đoạn chất đống các loại vật liệu xây dựng, phần lớn gỉ sét do phơi nắng mưa lâu ngày. Rào chắn phía dưới cầu lấn ra đường khiến xe cộ đi lại khó khăn.

Cách đó hơn 4 km, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai khởi công từ tháng 12/2017, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2019 nhưng đến nay mới đạt hơn 30% khối lượng. "Lẽ ra đến nay, nơi này đã có 2 cây cầu rộng rãi, khang trang. Nhưng giờ, đoạn này mưa thì lầy lội, nắng bụi mù mịt như đường nông thôn", bà Bích, nhà ở phường Phước Long B, quận 9, nói.

Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ ở các dự án này cũng do việc giải phóng mặt bằng bị chậm. Mặt bằng chưa có nên hiện đơn vị đã ngưng thi công.

5 cây cầu chậm tiến độ kéo dài ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Xe chuyên dụng, vật liệu xây dựng trên công trường cầu Tăng Long (quận 9), nằm chơ vơ sau khi đơn vị thi công rút đi. Ảnh: Gia Minh

Một dự án cũng trì trệ nhiều năm là công trình cầu Bưng, dài 560 m, vốn đầu tư hơn 514 tỷ đồng, trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân). Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành giải quyết kẹt xe tại khu vực và đồng bộ dự án tiêu thoát nước, xử lý ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đang thực hiện.

Dự án cầu Bưng khởi công năm 2017, kế hoạch hoàn thành sau 20 tháng. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, công trình đang đình trệ do liên quan đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng cho hai doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Năm 1997, hai công ty này thuê đất 50 năm với giá thấp. Hiện giá đất tăng cao nên cơ quan chức năng không biết áp mức giá bồi thường nào phù hợp.

Chậm trễ trong giải phóng mặt bằng hiện là một trong số nguyên nhân khiến các dự án giao thông tại TP HCM chậm tiến độ. Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết chi phí giải phóng mặt bằng ở các dự án rất lớn, thường chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Trong khi đầu việc này lại tốn nhiều thời gian thực hiện các thủ tục mới có thể bàn giao.

Trước đó, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết đến đầu tháng 6, trong số 75 dự án đơn vị thi công, có tới 43 dự án vướng mặt bằng, nhiều công trình dừng thi công 2-3 năm. Để đẩy nhanh tiến độ một số dự án, đơn vị thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, "có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó".

"Yêu cầu lớn nhất là các địa phương phải có cam kết thời gian giao mặt bằng bởi vừa qua, không ít quận, huyện chưa cho biết rõ khi nào hoàn thành được việc này", ông Phúc nói và cho biết UBND thành phố có cơ chế cứ hai tuần sẽ họp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, xem xét các vướng mắc để kịp thời thão gỡ.

Hồi đầu tháng 7, bên lề cuộc họp cùng HĐND thành phố về các dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố đã xây dựng cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các dự án. Song đến năm 2021, cơ chế này mới có thể áp dụng.

Theo quy trình mới, giá duyệt lần đầu (giá T1) sẽ được thành phố công bố đầu năm, áp dụng cho cả năm. "Trên cơ sở giá T1 đã công bố, khi có dự án đầu tư trong năm thì có thể lấy ý kiến người dân, thẩm định lại thông qua đơn vị tư vấn để có mức giá duyệt lần 2 (giá T2) để thực hiện ngay các dự án mà không bị chồng lấn thời gian, thủ tục...", ông Hoan nói.


Gia Minh
Cùng chuyên mục