1. Hãy sẵn sàng: Nhiều người sống sót trong vụ tấn công Paris cho biết lúc đầu họ nhầm tiếng súng với tiếng pháo hoa. Điều này là rất bình thường, theo lời ông John Leach, nhà tâm lý học và giáo viên hướng dẫn sinh tồn.
Con người sẽ mặc định tiếng súng là một âm thanh nào khác vì họ nghĩ rằng điều đó không thể xảy ra trong hoàn cảnh của họ. Thời gian để họ hiểu ra mọi chuyện có thể là quá muộn. Hãy tự hỏi bản thân phản ứng của bạn thế nào nếu có vấn đề xảy ra? Chú ý những cửa thoát hiểm. Đó là ân nhân cứu mạng của bạn.
2. Phản ứng thật nhanh: Hầu hết mọi người không biết làm gì khi tấn công khủng bố xảy ra. Ông Leach tìm hiểu các trường hợp sống sót và phát hiện chỉ có 15% số trường hợp nạn nhân phản ứng đủ nhanh để sống sót.
75% quá bối rối và hoảng loạn không biết nên làm gì đầu tiên. 10% sẽ phản ứng theo cách khiến cơ hội sống sót của họ ít hơn và chặn cơ hội sống của người khác. Hành động dứt khoát khiến cơ hội sống tăng cao.
3. Biến bản thân thành mục tiêu nhỏ nhất: “Nếu có chỗ nấp thì đó là chỗ an toàn”, ông Ian Reed, cựu lính Anh, chuyên gia huấn luyện quân sự và giám đốc điều hành công ty an ninh Formative chia sẻ.
Việc đầu tiên là phải thoát khỏi làn đạn của những kẻ tấn công và biến mình thành mục tiêu nhỏ nhất có thể. Đơn giản nhất là nằm xuống đất hoặc trốn vào một vách hoặc chỗ náu mình nào đó. Tường bê tông là lựa chọn tốt nhất.
Trong vài trường hợp, giả chết hoặc chạy thật nhanh có thể cứu mạng bạn.
4. Chống trả?: Đôi lúc việc tấn công kẻ khủng bố mang lại hiệu quả. Tháng 8.2015, một cuộc tấn công khủng bố trên tàu hỏa ở Pháp đã bị ngăn chặn sau khi hành khách tấn công của một tay súng. Tuy nhiên trong số 4 người tham gia vào hành động dũng cảm ấy có một người là lính Không quân và người còn lại thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia. 4 người đàn ông chỉ thực hiện được vụ ngăn chặn khi khẩu súng bị kẹt đạn.
Ông Reed cho biết việc tấn công kẻ khủng bố trang bị vũ khí mà không được huấn luyện qua trường lớp nào là rất nguy hiểm. Nhiều kẻ khủng bố hoạt động theo nhóm, số khác có thể mặc áo giáp hoặc mang thuốc nổ.
Mặc dù nguy hiểm nhưng trong một vài trường hợp thật cần thiết cũng phải chiến đấu chống trả. James Alvares, nhà tâm lý học và chuyên gia thương thuyết con tin khẳng định: “Nếu tôi biết mình sắp bị bắn thì tôi sẽ không bao giờ cho phép mình nằm xuống một cách vô ích”.
5. Sau vụ tấn công: Một khi đã thoát ra khỏi tình huống tấn công, nạn nhân cần phải cảnh giác. “Hãy đi càng xa càng tốt, trốn sau những bề mặt cứng hoặc đến cơ quan chức năng gần nhất để xin giúp đỡ”, ông Reed nói. Sẽ rất nguy hiểm nếu đứng cạnh đám đông hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
“Hãy luôn cảnh giác rằng có thể còn những đợt tấn công khác nữa”, chuyên gia Reed nói. Quan trọng nhất là lấy lời khuyên từ sĩ quan cảnh sát hoặc nhà chức trách vì họ biết tình hình tốt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.