50 tỷ Bảng tiền mặt 'bốc hơi' ở Anh: vì sao Ngân hàng Trung ương không điều tra?

07/12/2020 14:43 GMT+7
Một nhóm các nhà lập pháp Anh cuối tuần trước đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương Anh BoE điều tra 50 tỷ Bảng (67,4 tỷ USD) tiền mặt bị “mất tích” khỏi nền kinh tế.
50 tỷ bảng 'bốc hơi' ở Anh: vì sao Ngân hàng Trung ương không điều tra? - Ảnh 1.

50 tỷ Bảng tiền mặt 'bốc hơi' ở Anh: vì sao Ngân hàng Trung ương không điều tra?

“Số tiền mặt được cất giấu ở đâu đó nhưng BoE không biết ở đâu, của ai hoặc để làm gì. Họ cũng không mấy quan tâm” - trích lời bà Meg Hillier, chủ tịch Ủy ban Tài khoản Công của Hạ viện (PAC) - cơ quan giám sát tài chính của Chính phủ Anh. “Cần lập tức điều tra việc số tiền 50 tỷ Bảng còn thiếu ở đâu”.

Ngân hàng Trung ương Anh BoE sau đó đã lên tiếng phản bác: “Công chúng không cần phải giải thích với Ngân hàng Trung ương tại sao họ muốn giữ tiền mặt. Điều này có nghĩa là tiền giấy không bị mất tích”.

Báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS chỉ ra rằng mặc dù các công cụ thanh toán kỹ thuật số ngày càng được sử dụng phổ biến nhưng nhu cầu tiền mặt vẫn tăng ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguyên nhân một phần được thúc đẩy bởi môi trường lãi suất giảm, khiến lợi nhuận từ các khoản gửi tiết kiệm ngân hàng giảm theo.

“Chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng tiền mặt như một công cụ tích trữ giá trị ngày càng tăng lên, thay vì mục đích giao dịch” - nhận định của thủ quỹ trưởng của Ngân hàng Anh Sarah John. Bà Sarah cho rằng mối quan ngại về sức mạnh của các tổ chức tài chính kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng góp phần vào xu hướng này.

Nhu cầu tiền giấy đã giảm trong thời gian cao điểm bùng phát dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Anh phải đóng cửa, nhưng nó hiện đã phục hồi. Người dân đang dự trữ nhiều tiền mặt tại nhà hơn do hậu quả của đại dịch.

Theo báo cáo được công bố hồi tháng 9/2020 của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO), số lượng tiền giấy đang lưu hành ở Anh trong tháng 7 đã đạt mức cao kỷ lục 4,4 tỷ tờ tiền, với tổng giá trị khoảng 76,5 tỷ Bảng Anh (103 tỷ USD). Con số này tăng mạnh so với mức 1,5 tỷ tờ tiền trị giá khoảng 24 tỷ Bảng Anh (32,3 tỷ USD) vào năm 2000.

Đồng thời, khối lượng giao dịch thanh toán bằng tiền mặt đã giảm mạnh, một xu hướng được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng đại dịch. Một thập kỷ trước, trung bình cứ 10 giao dịch thì có 6 giao dịch sử dụng tiền mặt. Đến năm ngoái, con số này giảm xuống còn ít hơn 3 trên 10 giao dịch.

BoE ước tính khoảng 20-24% giá trị tiền giấy đang lưu hành được sử dụng cho các giao dịch tiền mặt. Thêm 5% nữa được các hộ gia đình tích trữ làm tiền tiết kiệm. 

“Người ta biết rất ít về phần còn lại, trị giá khoảng 50 tỷ Bảng Anh (được sử dụng để làm gì). Một số lý do để giải thích có thể bao gồm việc nắm giữ để phục vụ các giao dịch nước ngoài, các khoản tiết kiệm trong nước chưa được báo cáo hoặc sử dụng trong nền kinh tế bóng tối (kinh tế ngầm)” - NAO cho biết. NAO khuyến nghị BoE nên làm việc với các cơ quan công quyền khác để tìm hiểu xem ai đang nắm giữ 50 tỷ bảng Anh mất tích, và điều gì đang thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu tiền giấy trong nền kinh tế. “Điều này có thể giúp cung cấp thêm nhiều thông tin về các chính sách rộng, ví dụ vấn đề trốn thuế”. 

Hiện có năm cơ quan công chịu trách nhiệm quản lý hoặc giám sát hệ thống tiền mặt của Anh bao gồm Ngân hàng Trung ương Anh BoE, Kho bạc Nhà nước, Sở đúc tiền Hoàng gia, Cơ quan quản lý tài chính và Cơ quan quản lý hệ thống thanh toán.

 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục