57 trong nông nghiệp: Nghiệm thu 300 giống lúa, chỉ 15 giống được ứng dụng và bài toán về "chấp nhận rủi ro" (Bài 2)
57 trong nông nghiệp: Nghiệm thu 300 giống lúa, chỉ 15 giống được ứng dụng và bài toán về "chấp nhận rủi ro" (Bài 2)
Trần Quang - Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 11/03/2025 11:20 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, hầu hết các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp đều cho rằng, nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) có tính đặc thù, do đó cần phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, tránh tình trạng đề tài nghiệm thu thì nhiều, nhưng tỷ lệ áp dụng lại quá thấp, thậm chí nhiều đề tài bị cất trong... ngăn kéo.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trải lòng với PV Báo điện tử Dân Việt về những khó khăn, rào cản trong nghiên cứu khoa học hiện nay. Ảnh: MN
Một trong những nội dung được nêu trong phần nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đó là:
(1) Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.
(2) Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Yêu cầu tất cả các nhiệm vụ phải thành công là trái với đặc điểm của nghiên cứu khoa học.
Đánh giá, nhận định về quan điểm trên tại Nghị quyết số 57 GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp của chúng ta không phải chịu "áp lực" về vấn đề tăng sản lượng. Thay vào đó, các hoạt động nghiên cứu phải hướng vào mục tiêu tạo ra sản phẩm có chất lượng đột phá, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của khách hàng trong nước và quốc tế, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho người sản xuất.
Do đó, yêu cầu của khoa học công nghệ (KHCN) lúc này là phải nghiên cứu một cách cơ bản hơn, đầu tư sâu hơn, nghiên cứu về bản chất của các sự việc và mối quan hệ giữa các yếu tố tạo nên một sản phẩm có chất lượng. Chính vì vậy phương thức tiếp cận, đặt hàng và thực hiện một nhiệm vụ KHCN cũng phải hoàn toàn khác và điều quan trọng là phải chấp nhận rủi ro và có công cụ kiểm định kết quả nghiên cứu phù hợp hơn so với trước đây.
Đối với các tiêu chí đánh giá sản phẩm của KHCN, có những chỉ tiêu có thể dễ dàng nhận biết và đánh giá được, ví dụ như độ ngọt của một loại quả nào đó. Tuy nhiên có những chỉ tiêu không thể cảm nhận được ngay. ví dụ khi đánh giá cường độ quang hợp, hô hấp hay mức độ phản ứng của một giống cây trồng đối với các loại sinh vật gây hại v.v…thì phải đầu tư nghiên cứu lâu dài mới có được sản phẩm cuối cùng thực sự tốt.
Trong thời gian vừa qua, do sự tiếp cận của KHCN chưa đổi mới dẫn đến toàn bộ quá trình nghiên cứu có rất nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, từ việc thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ KHCN, cũng như quản lý các sản phẩm KHCN. Chính vì vậy, nhiều "đầu bài" đặt ra cho các nhà khoa học không phù hợp với thực tiễn.
Ví dụ, đề tài được giao thực hiện trong vòng 3 – 5 năm năm phải ra được một giống cây trồng mới và phải tăng năng suất, chất lượng, điều này quả thực là rất khó. Trong khi ở Đài Loan, để nghiên cứu ra một giống cây ăn quả các nhà khoa học đã phải mất 10-15 năm, thậm chí còn lâu hơn. Đối với chúng ta đưa ra những "đề bài" như vậy rõ ràng rất khó để KHCN có thể làm được.
Theo ông Sơn, phải nói thêm rằng, có những nhiệm vụ nghiên cứu rất thuận lợi nhưng có những nhiệm vụ rất khó khăn. Hay có những nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận thành công ngay, bởi kỹ năng của họ rất tốt, sản phẩm có thể kế thừa từ những nghiên cứu trước, nhưng cũng có những nhóm nghiên cứu trẻ, kỹ năng chưa tốt nhiệm vụ nghiên cứu hoàn toàn mới thì không thành công ngay được thậm chí là rủi ro, không đạt được sản phẩm cuối cùng.
Như vậy, nếu đặt "đầu bài" cho KHCN bắt buộc tất cả các nhiệm vụ phải thành công là trái với đặc điểm của nghiên cứu khoa học, vì tính chất của khoa học là rủi ro... Điều này vô hình chung tạo ra sức ép cho các nhà khoa học, đồng thời cộng thêm sức ép về mặt quản lý tài chính.
Nhiều quy định về tài chính, trình tự, thủ tục đã không phù hợp với tính chất của KHCN. Đây là những vướng mắc lớn nhất cản trở bước tiến của KHCN và nếu chúng ta không giải quyết được thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác nghiên cứu sau này.
Theo các nhà khoa học, hiểu đơn giản, rủi ro có nghĩa là nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, quá trình nghiên cứu đúng, chi tiêu theo quy định, nhưng cuối cùng kết quả không như dự kiến, được coi là thất bại.
Theo GS Nguyễn Hồng Sơn: Quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ đã được đề cập trong các quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể để áp dụng. Cụ thể, tại Điều 23, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 có quy định: Ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; trong đó, có quy định, người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, gây ra rủi ro cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ do nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được ban hành, tại Thông tư 07/2014 của Bộ KHCN hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa đề cập đến các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao. Tương tự, các thông tư khác cũng chưa có hướng dẫn về quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Theo đó, việc chưa có quy định hướng dẫn thực hiện đã gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học.
Lâu nay chúng ta coi đầu tư cho khoa học, công nghệ như đầu tư thông thường, cho nên vẫn đòi hỏi phải có kết quả nghiên cứu tương xứng với kinh phí đầu tư đã bỏ ra. Tư duy quản lý này không phù hợp, vì đặc thù của khoa học, công nghệ là hoạt động sáng tạo, đi tìm cái mới, và có thể quá trình nghiên cứu không đạt được kết quả đề ra. Đây là vấn đề khách quan và thực tế này trong hoạt động khoa học, công nghệ quốc tế đã chấp nhận.
Để thực hiện quy định hiện hành, nhà khoa học phải đăng ký những chỉ tiêu rất cụ thể trước khi bắt đầu triển khai một đề tài khoa học, từ đó mới được cấp kinh phí tương ứng các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó. Do đó, nguồn lực cho nghiên cứu không phù hợp, nhà khoa học phải vất vả với hóa đơn, chứng từ, thủ tục quyết toán và không khuyến khích được nhà khoa học triển khai các ý tưởng sáng tạo.
Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, phần lớn các nhiệm vụ KHCN của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đều không dám dừng, nếu dừng phải trả lại tiền NSNN. Trong khi mong muốn của người đặt ra "đề bài" cao hơn để tạo ra sản phẩm đột phá thì phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sâu hơn, phức tạp hơn, khó khăn hơn, và sác xuất thành công thấp hơn.
Như vậy, để chắc chắn tạo ra được sản phẩm thì các nhà khoa học thường phải xác định mục tiêu nông hơn để chắc chắn đảm bảo thành công.
"Vừa rồi, trong dự thảo gửi lấy ý kiến về sửa đổi một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, tôi cho rằng cách tiếp cận vẫn chưa "thoát ly" hoàn toàn, chúng ta phải quan niệm sản phẩm của KHCN phải là sản phẩm đặc thù, không phải là một sản phẩm hàng hóa bình thường, từ đó mọi cách tiếp cận, quy trình quản lý trong Luật và các văn bản dưới Luật mới được mở cửa một cách thực sự", Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp được doanh nghiệp Nhật Bản đưa đến giới thiệu tại Việt Nam tháng 5/2024. Ảnh: VKHNNVN
Thực tế xót xa: 300 giống lúa được nghiệm thu trong 20 năm, nhưng chỉ có 15 giống được ứng dụng thực tiễn
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam thừa nhận: Trước đây, thế hệ chúng tôi nhiều khi viết đề cương cũng phải cam kết đề tài sẽ thành công, nghiên cứu phải xuất sắc. Nhưng thực tế, làm gì có đề tài nào cũng chắc thắng 100%. Do vậy, dẫn đến chuyện lấy ý tưởng từ chỗ này, chỗ kia để làm đẹp đề tài, đến khi được nghiệm thu xong thì đa phần bỏ ngăn kéo, không áp dụng được vào thực tế.
"Từ năm 1980 đến năm 2000, tại Viện đã nghiên cứu và nghiệm thu được gần 300 giống lúa nhưng để áp dụng được vào thực tiễn chỉ có khoảng 15 giống, còn lại các đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu xong bỏ ngăn kéo. Đây chỉ mới thống kê tại đơn vị của chúng tôi, còn các viện, đơn vị nghiên cứu về các lĩnh vực khác, số lượng đề tài bỏ ngăn kéo còn rất lớn gây tốn kém, lãng phí rất nhiều nguồn lực về con người, kinh phí", ông Quý khẳng định.
Các mẫu lúa giống do GS.TSKH Trần Duy Quý cùng cộng sự đã nghiên cứu, tạo ra từ năm 1997 đến 2018.
Nhằm nhanh chóng đưa các quyết sách mạnh mẽ, có tính cách mạng của Nghị quyết 57 vào cuộc sống, tại Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhận định về Nghị quyết này, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Cơ chế mới đã giúp tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn cho nghiên cứu khoa học. Thứ nhất, đã chấp nhận tính rủi ro của KHCN. Điều này đã giúp các nhà khoa học có cởi mở hơn, yên tâm hơn, sáng tạo hơn khi thực hiện nhiệm cụ KHCN chứ không bị bó hẹp, khiên cưỡng. Tôi cho rằng đây là một điểm rất đúng với tính chất của KHCN.
Thứ hai, trong Nghị quyết 57 tôi cũng rất ấn tượng, đó là giải pháp cho phép lập Quỹ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Quỹ này có thể một phần được hình thành từ NSNN, một phần từ nguồn của các doanh nghiệp đóng góp, thậm chí là đóng góp của các nhà khoa học hay nguồn thu từ các sản phẩm KHCN.
Ví dụ, ở một số nước, họ có quy định các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản phải trích lại một kinh phí rất nhỏ để tạo Quỹ KHCN. Nếu ở nước ta xuất khẩu 1 tấn lúa chỉ cần trích lại 1 USD cho KHCN, tính chung 1 năm xuất khẩu 10 triệu tấn thì chúng ta đã có 10 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu lai tạo giống lúa mới, nguồn kinh phí này gấp 1,5 lần so với tổng chi thường xuyên của 19 Viện thành viên trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Quỹ này cần được tích hợp từ các nguồn thu như vậy và lúc đó không bị chi phối bởi Luật Ngân sách Nhà nước, chúng ta có thể cởi mở hơn trong việc hỗ trợ cho KHCN.
Thứ ba, đó là Nghị quyết đã hướng tới giảm các thủ tục hành chính rườm rà, cho phép khoán đến sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng. Có nghĩa là khi tạo ra một sản phẩm thì sẽ được nghiệm thu, không bị chi phối, kiểm soát bởi các chứng từ, giấy tờ mang tính hành chính.
Việc ăn cắp bản quyền, ăn cắp ý tưởng vẫn còn phổ biến
Chia sẻ thêm về câu chuyện buồn của các nhà khoa học, TS.Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho hay: Có câu chuyện lâu nay, khi trúng thầu các đề tài khoa học, các nhà khoa học bằng mọi cách phải có kết quả đề tài và cuối cùng hầu hết các đề tài đều được nghiệm thu, xong lại để cất đó, ít được ứng dụng hoặc ứng dụng nhưng hiệu quả không cao.
Theo TS.Tuyến, nhiều đề tài nghiên cứu chỉ tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch, chưa chú trọng đến tính ứng dụng thực tiễn. Chúng ta đã có những văn bản cho việc ứng dụng kết quả vào sản xuất, nhưng chúng ta chưa thực sự khuyến khích hoặc tôn vinh những người, những ứng dụng kết quả vào thực tiễn.
Chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu chưa được thực thi và khuyến khích. Việc ăn cắp bản quyền, ăn cắp ý tưởng, vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến thiếu động lực cho các nhà nghiên cứu đăng ký bảo hộ sáng chế và đưa vào thực tiễn.
TS.Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chăm sóc sâm Lai Châu ở Lai Châu. Ảnh: NVCC
Điều bất cập nhất là cơ chế tài trợ nghiên cứu thường theo hướng ngắn hạn, chủ yếu để hoàn thành báo cáo hơn là tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại. Câu chuyện khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo là một việc rất khó, chứa đựng nhiều rủi ro đối với các nhà khoa học. Bên cạnh đó, việc thiếu kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp khiến các kết quả nghiên cứu khó được triển khai vào thực tế.
"Trong những năm qua, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu thường thấp, dẫn đến các thử nghiệm có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để đánh giá đầy đủ khả năng ứng dụng. Thậm chí, nhiệm vụ khoa học vừa kết thúc thì không có kinh phí sản xuất thử nghiệm, mở rộng sản xuất hoặc chưa có cơ chế hỗ trợ để nhà khoa học đưa ứng dụng vào thực tiễn. Chúng ta đang thiếu nguồn lực để tiếp tục phát triển sản phẩm sau giai đoạn nghiên cứu, đặc biệt là khi cần đầu tư thêm vào sản xuất thử nghiệm và chứng nhận chất lượng nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết được" (TS.Phạm Quang Tuyến)
TS.Tuyến thừa nhận hiện nay một số nghiên cứu mang tính hàn lâm, chưa bám sát nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp. Đề tài nghiên cứu có thể không phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế. Chẳng hạn, công nghệ quá phức tạp, chi phí cao hoặc khó triển khai trên diện rộng.
Các nghiên cứu về cây trồng đặc biệt cây lâm nghiệp, dược liệu, sinh học có thể mất nhiều năm mới kiểm chứng được hiệu quả, nhưng lại thiếu cơ chế hỗ trợ dài hạn.
Các giá trị về lâm nghiệp, rừng không chỉ là giá trị về kinh tế, mà giá trị về môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen. Nhưng trên thực tế doanh nghiệp hoặc người dân chỉ ứng dụng các kết quả nghiên cứu tạo ra giá trị kinh tế, mà chưa quan tâm đến các giá trị khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.