1. Vụ án “Tham ô tài sản, rửa tiền” tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin, chính là vụ Giang Kim Đạt. Trong vụ án này có ba bị can bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản gồm Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc công ty Vinashin Lines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng công ty này. Bị can thứ 4 trong vụ án là Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt), bị đề nghị truy tố về tội rửa tiền.
Giang Kim Đạt. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 5.2006 đến tháng 6.2008, công ty Vinashin Lines lập các dự án đầu tư mua tàu biển cũ không đảm bảo chất lượng về cho thuê lại. Những người được giao nhiệm vụ quản lý tại Vinashin Lines đã tìm cách chiếm đoạt tài sản của công ty thông qua việc mua, cho thuê tàu biển.
Theo đó, các bị can đã nâng giá mua tàu cũ của công ty nước ngoài và hưởng tiền chiết khấu khi cho thuê 9 con tàu thuộc sở hữu của Vinashin Lines. Xác minh các giao dịch, Bộ Công an phát hiện Giang Kim Đạt được đối tác chuyển khoản gần 16 triệu USD sau các thương vụ mua tàu biển cũ.
Để che giấu nguồn tiền phạm pháp, Đạt nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiền mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, sau đó đem gửi tiết kiệm, mua ôtô và 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai ở vị trí đẹp khắp cả nước. Sau khi phạm tội, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn ra nước ngoài. Tháng 7.2015, đối tượng bị bắt.
2. Vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco) đã được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vào tháng 7.2016, tuy nhiên vụ án đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, khi công ty Tân Việt thi công công trình nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân có vi phạm về vị trí đổ thải, ông Nguyễn Hoài Nam (nguyên phóng viên báo Thanh Niên) phát hiện vụ việc và quay được video clip. Lãnh đạo Công ty Tân Việt đã tìm cách đưa hối lộ để ông Nam tha không phanh phui tiêu cực, nhưng việc đó đã được ông Nam báo cáo với cơ quan chức năng. Sau đó hành vi đưa hối lộ của lãnh đạo Công ty Tân Việt đã bị bắt quả tang.
Mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã chứng minh được để thi công Dự án nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân, Công ty Tân Việt cùng một số nhà thầu phải “cắt phế” cho Phạm Đình Hòa - cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường và Hồ Thành Nghĩa - cựu Giám đốc Ban điều hành Dự án nạo vét phía Bắc (đều thuộc Vinawaco) 50% giá trị hợp đồng. Tính đến thời điểm vụ án tham nhũng này bị triệt phá, 2 cựu cán bộ của Vinawaco bước đầu đã nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng.
Để có tiền “nộp phế”, Công ty Tân Việt do Trịnh Văn Thắng làm giám đốc đã gian dối về vị trí đổ chất thải cũng như cự ly vận chuyển chất thải từ công trình đến địa điểm tập kết. Qua đó, đơn vị thi công này đã “ăn không” hơn 7,8 tỷ đồng của Nhà nước.
3. Vụ án liên quan đến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Tại phiên tòa phúc thẩm tháng 1.2015, HĐXX phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kiến nghị của Viện KS đối với 1.085 tỷ đồng Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty là có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản.
Huỳnh Thị Huyền Như
Toàn bộ số tiền này đã được mở tài khoản tại VietinBank và chuyển vào hệ thống ngân hàng này hợp pháp. Cấp phúc thẩm không thể sửa chữa được bản án sơ thẩm nên tuyên hủy phần bản án này để điều tra, xét xử lại.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu để tạo lập các giấy tờ chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
4. Vụ án Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Ông Thắm bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật hình sự.
CQĐT xác định vào tháng 11.2012, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung đề nghị OceanBank cho vay tiền để thực hiện các dự án của mình. Các dự án của công ty này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Sau khi công ty này đề nghị vay vốn đầu tư, ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho vay khoảng 500 tỉ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định…
Ông Hà Văn Thắm
Mở rộng điều tra cơ quan công an còn bắt giữ một số nhân vật khác, đáng chú ý có ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông Sơn bị điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” gây hậu quả nghiêm trọng.
5. Vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank.
Trong vụ án này, ông Phạm Ngọc Ngoạn – nguyên thành viên Hội đồng thành viên Agribank; nguyên GĐ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank (nay là công ty TNHH một thành viên dịch vụ Agribank), ông Ngoạn được cho là đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 90 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) để xây dựng nhà máy in ngân hàng.
6. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.
Trong vụ án này, vợ chồng Doãn Ngọc Giang –Kiểu Thị Thanh Hương thành lập 2 công ty cổ phần Dệt Quế Võ và Công ty cổ phần Dệt may xuất khẩu Chương Dương nhờ anh em và người thân trong gia đình đứng tên làm giám đốc để lập hồ sơ vay vốn. Bằng thủ đoạn đó hai đối tượng đã chiếm đoạt hơn 66 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.