60.000 tỷ rót cho Hoà Phát Dung Quất và bài toán của ông Trần Đình Long

P.V Thứ hai, ngày 17/02/2020 07:30 AM (GMT+7)
Theo tính toán, giai đoạn 2 Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất với nguồn tài trợ vốn tài tới từ hoạt động vay nợ sẽ khiến chi phí lãi vay của Tập đoàn Hoà Phát của ông Trần Đình Long tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2020 khi toàn bộ dự án đi vào hoạt động chính thức.
Bình luận 0

img

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát.

Mở rộng Khu liên hợp gang thép Dung Quất và tầm nhìn 2030 của ông Trần Đình Long

Cách đây ít ngày, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long đã quyết định xin ý kiến cổ đông về việc nâng công suất của Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất.

Cụ thể, theo Nghị quyết Số: 01/NQHP-2020 do ông Trần Đình Long thay mặt HĐQT ký ban hành, việc điều chỉnh dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất – Giai đoạn mở rộng sẽ được xây dựng trên diện tích đất 166 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 60.000 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng vốn cố định và 10.000 tỷ đồng vốn lưu động

Dự kiến, sau khi mở rộng, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất sẽ bổ sung thêm 5 triệu tấn thép/năm cho Tập đoàn Hoà Phát, trong đó có 0,5 triệu tấn thép xây dựng, 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1,5 triệu tấn sẩn phẩm thép mới (thép hình, thép tròn cơ khí chế tạo).

Tới đây, nhà đầu tư có thể thấy rõ mục tiêu của tập trung cho sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC), hướng tới mục tiêu cạnh tranh lâu dài với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Formosa Hà Tĩnh của ông Trần Đình Long cùng các cộng sự.  

Thực tế, thông tin mở rộng Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất do Tập đoàn Hoà Phát đưa ra không mới. Song điều gây bất ngờ đối với giới phân tích và đầu tư có lẽ là ở quy mô dự án. Một phần bởi trong những thông tin được đưa ra trước đây, phía Hoà Phát không chia sẻ chi tiết về mức độ đầu tư trong giai đoạn mở rộng. Một phần khác nằm ở dự án mở rộng cần nguồn vốn cố định (Capex) 50.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp dự kiến cho giai đoạn 2023-2029, qua đó, có thể nâng tổng mức đầu tư của Hòa Phát tại Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất lên 102.000 tỷ đồng, tăng tới 96,2%.

img

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất nhìn từ trên cao. (Ảnh: HP).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDriect, kế hoạch mở rộng của ông Trần Đình Long và các cộng sự vẫn là câu chuyện dài hạn.

Bởi theo chia sẻ của phía Hoà Phát, lịch trình dự kiến của kế hoạch mở rộng như sau: (1) HĐQT Hoà Phát thông qua chủ trương mở rộng Dung Quất vào ngày 10/2/2020; (2) Sau khi được cổ đông thông qua bằng văn bản dự kiến trong tháng 3/2020, Hoà Phát sẽ nộp kế hoạch cũng như nghị quyết cổ đông cho Sở KHĐT Quảng Ngãi; (3) Sở KHĐT Quảng Ngãi sẽ trình dự thảo dự án xin chấp thuận của các cơ quan Trung ương. Tiến trình được các cơ quan chấp thuận đầu tư có thể mất khoảng 2-3 năm (dựa vào lịch sử từ Dung Quất giai đoạn 1-2); (4) Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất mở rộng có thể sẽ khởi công trong năm 2023. Giai đoạn 1 của dự án mở rộng dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ khi được chấp thuận xây dựng và giai đoạn 2 sẽ mất thêm 36 tháng nữa để chính thức đi vào hoạt động.

Theo tính toán của VNDirect, Hòa Phát có thể tích lũy được 22.756 tỷ đồng dòng tiền tự do (trước khi chi trả cổ tức) đến cuối năm 2023, tương đương với 73% tổng nhu cầu vốn tự có. Nếu nguồn vốn vay được giải ngân theo tiến độ 6 năm của dự án mở rộng, ước tính quy mô nợ/vốn chủ sở hữu của Hòa Phát giai đoạn 2023-2025 sẽ chỉ ở mức 9-16%, nằm trong ngưỡng an toàn. Do đó tổng mức đầu tư sẽ không gây áp lực về vốn cho Hòa Phát trong một vài năm tới.

Cũng trích dẫn ý kiến của Tập đoàn Hoà Phát, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, dòng tiền tích lũy đến năm 2023, bao gồm cả chi phí khấu hao và lợi nhuận thuần sau khi trích lập các quỹ và trả cổ tức (nếu có) của Hoà Phát sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu vốn là 30.000 tỷ đồng.

Do vậy, ít có khả năng Hoà Phát sẽ phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Tuy nhiên, theo HSC, cổ tức tiền mặt dành cho cổ đông của Hoà Phát (nếu có) trong giai đoạn 2020-2022 dự kiến sẽ thấp.

Định vị Gang thép Dung Quất trong bài toán tài chính của Hoà Phát

Kết quả kinh doanh quý IV/2019 của Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận mức doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 24,9% so với cùng cùng kỳ quý IV/2018, đạt 17.975,3 tỷ đồng, đến từ việc doanh nghiệp tăng sản lượng thép tiêu thụ khoảng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh thu từ mảng nông nghiệp cũng tăng mạnh 84,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trong quý IV/2019 của Hoà Phát đã thu hẹp xuống còn 15,8%, thấp hơn khá nhiều so với mức 17,6% trong quý III/2019 và 17,4% trong quý IV/2018. Nguyên nhân được xác định do giá bán thép giảm 16,5% so với cùng kỳ, trong khi giá quặng sắt tăng 27,3% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ một số khoản chi phí cố định, lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát chỉ tăng 10,6% so với cùng kỳ 2018, đạt 1.923,3 tỷ đồng, song quý IV/2019 lại là quý đầu tiên doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương sau 3 quý liên tiếp sụt giảm.

Ngoài ra, thị phần năm 2019 của Hoà Phát ước tính đã tăng lên mức 25,5%, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đã giành được thêm 1,7% thị phần. Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực khác là thị phần miền Nam liên tục tăng trưởng nhanh khi sản lượng ở thị trường mới này đạt cột mốc nửa triệu tấn năm 2019, gấp đôi năm 2018.

img

Lô hàng thép xuất khẩu sang Canada từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Hiện tại, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành, dự kiến toàn bộ hai giai đoạn sẽ đi vào hoạt động đồng bộ từ cuối quý II/2020. Nhờ đó, Hoà Phát đã đặt mục tiêu đạt sản lượng 3,5-3,6 triệu tấn trong năm 2020, với riêng 1 triệu tấn cho thị trường miền Nam.

Điểm tựa cho kế hoạch này là cảng Hòa Phát Dung Quất có thể đóng tàu 200.000 tấn đang hoàn thành, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa bài toán logistic, và bản thân doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh tại khu vực phía Nam.

Song do đẩy mạnh đầu tư cho Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất, hai khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn tại doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đã tăng khoảng 51% trong năm 2019, lên tới 36.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số vừa nêu chỉ tương đương 77% vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy cán cân tài chính của Hoà Phát vẫn ở mức an toàn, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng thêm đòn bẩy tài chính.

Quan sát thêm khoản mục chi phí lãi vay, trong quý IV/2019, chi phí lãi vay của Hoà Phát là 270,2 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với khoản chi phí lãi vay là 266 tỷ đồng trong quý 3/2019. Luỹ kế cả năm 2019, chi phí lãi vay của Hoà Phát là 936,7 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2018.

Ngoài ra, tại thời điểm 31/12/2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của khu liên hợp gang thép Dung Quất là hơn 33.098 tỷ đồng, giảm khoảng 2% so với đầu năm do một số dự án đi vào hoạt động và ghi nhận khấu hao. Tài sản cố định hữu hình trong năm 2019 cũng tăng từ 12.565 tỷ đồng lên thành 30.974 tỷ đồng.

Thêm vào đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoà Phát trong quý IV/2019 tăng 6.772 tỷ đồng so với mức 1.582 tỷ đồng của 3 quý đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động đạt 3.244 tỷ đồng và việc doanh nghiệp của ông Trần Đình Long tăng chiếm dụng vốn của các đối tác lên đến 4.130 tỷ đồng. Còn hàng tồn kho cho lò cao sản xuất tăng không đáng kể do từ quý III/2019 lò cao số 1 đã chạy thử nghiệm và hàng tồn kho đã được đầu tư trong quý này.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tính chung cả năm 2019 cao nhất trong lịch sử của công ty đạt 8.354 tỷ đồng, điều này cho thấy hoạt động kinh doanh Hoà Phát mang lại dòng tiền rất tốt.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư riêng của doanh nghiệp trong quý IV/2019 âm 5.001 tỷ đồng, tính cả năm là âm 18.698 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ việc Hoà Phát tiếp tục đầu tư mạnh cho dự án Hoà Phát Dung Quất.

Trước thực tế nêu trên, có thể ước tính nguồn vốn tài trợ cho giai đoạn 1 của Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Còn giai đoạn 2 dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2020 sẽ được tài trợ bằng nợ vay, điều này khiến chi phí lãi vay của Hoà Phát trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục tăng khi toàn bộ dự án chạy chính thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem