7 “bản hit” duy nhất của làng văn học Châu Âu

Thứ ba, ngày 10/02/2015 10:06 AM (GMT+7)
Tác giả Harper Lee vừa rời khỏi danh sách các tác giả chỉ viết một tiểu thuyết duy nhất trong cả cuộc đời, sau khi bà tuyên bố sẽ xuất bản một tác phẩm thứ hai sau "Giết con chim nhại".
Bình luận 0

Từ 55 năm nay, bà Harper Lee là một trong số các tác giả văn học nổi tiếng nhất trên thế giới: bà đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm đầu tay và duy nhất Giết con chim nhại. Vậy nhưng, trong tháng 1 vừa qua, nhà văn nữ 88 tuổi đã tuyên bố bà sẽ xuất bản quyển sách thứ hai với tên gọi "Go set a watchman" vào mùa hè này. Bà cho biết đã ấp ủ câu chuyện từ trước khi bắt đầu viết Giết con chim nhại, thậm chí, nó còn là cảm hứng cho bà viết cuốn tiểu thuyết đoạt giải.

img
Harper Lee

 

Bà cũng tiết lộ, "Go set a Watchman" sẽ tiếp tục câu chuyện của cô bé Scout, bấy giờ đã là một người phụ nữ trưởng thành, từ New York trở về Maycomb để thăm bố cô, Atticus. Cuốn sách sẽ được xuất bản 2 triệu bản in đầu tiên trong tháng 7 tới.

Với cuốn tiểu thuyết thứ hai, Harper Lee đã rời bỏ một danh sách dài các đồng nghiệp của mình cùng chỉ viết một cuốn tiểu thuyết trong cả đời. Hãy cùng xem qua một số tác giả nổi tiếng nhất trong danh sách này:

1. Margaret Mitchell – Cuốn Theo Chiều Gió (1936)

img

 

Xuất bản năm 1936, câu chuyện về nàng Scarlett O’Hara quyết liệt và chàng Rhett Butler mạnh mẽ ngay lập tức mang sự thành công đến với tác giả. Mitchell, vốn chỉ viết cho tờ báo địa phương  Atlanta, được trao giải Pulitzer cùng năm và tiếp tục chứng kiến cuốn sách đầu tay của bà trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển của Hollywood.

Tuy vậy, Mitchell ghét cay ghét đắng danh vọng và tuyên bố bà sẽ không viết bất cứ một từ nào nữa cho đến lúc qua đời. Bà mất trong một tai nạn giao thông năm 1949. Vào năm 1955, một bản nháp khác của bà, viết từ thời bà còn là một cô gái, được tìm thấy. Bản thảo này đã được xuất bản 1 năm sau đó dưới tựa đề Lost Laysen (tạm dịch: Laysen đã mất), một truyện vừa lãng mạn lấy bối cảnh ở Nam Thái Bình Dương.

2. Oscar Wilde – Bức tranh của Dorian Grey (1890)

img

 

Trong cả sự nghiệp văn chương của mình, tác phẩm gây tranh cãi nhất của nhà thơ, nhà biên kịch Oscar Wilde lại là cuốn tiểu thuyết duy nhất được xuất bản của ông.

Ra đời cuối thế kỉ 19, câu chuyện tự thuật đầy ám ảnh, mưu đồ, tàn sát và đồng tính luyến ái của Dorian Grey đã giáng một đòn mạnh mẽ vào xã hội quy chuẩn thời Victoria. Các nhà phê bình thời đó đã gọi tác phẩm bằng những tính từ "khủng khiếp nhất", từ “yếu ớt”, “ẻo lả” đến “ô trọc”, “bẩn thỉu”. Và có lẽ chúng đã có tác dụng, Oscar Wilde không bao giờ viết thêm tiểu thuyết nào nữa.

3. JD Salinger – Bắt trẻ đồng xanh (1951)

img

 

Mặc dù nổi tiếng với rất nhiều truyện ngắn và một truyện vừa Franny và Zooey, JD Salinger chỉ viết duy nhất một tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh. Trong nhiều năm, người ta tin rằng vào 50 năm cuối cuộc đời mình, ông đã rút lui khỏi xã hội và sống ẩn cư. Cho đến tháng 1 vừa rồi, các bút tích thư tay của ông được tìm ra và công bố, cho thấy ông đã đi du hành vòng quanh thế giới, thăm thú những show diễn ở West End và ghé những quán Burger King bên đường, hay trò chuyện với những người dân quanh vùng, những người lạ hoàn toàn không có ý niệm ông là ai.

4. Emily Bronte – Đồi Gió hú (1847)

img

 

Bronte xuất bản cuốn sách đầu tiên và duy nhất của mình dưới bút danh Ellis Bell. Cô mất một năm sau đó ở tuổi 30 bởi bệnh viêm phổi. Vào năm 1850, trong lần xuất bản lại của cuốn tiểu thuyết, chị cô – nữ nhà văn Charlotte Bronte (Jane Eyre) đã viết lời mở đầu, giới thiệu về em gái mình và thành quả lao động của cô.

5.  Boris Pasternak – Bác sĩ Zhivago (1957)

img

 

Sau khi đã nổi tiếng với vai trò một nhà thơ, Pasternak xuất bản cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của ông: Bác sĩ Zhivago. Cuốn sách với chủ đề gây tranh cãi đã xuất bản rất chật vật.

Cuối cùng, tiểu thuyết được lén mang ra nước ngoài và được xuất bản lần đầu tiên ở Ý. Khi Pasternak đạt giải Nobel Văn học năm 1958, ông đã bị chính quyền Xô Viết buộc phải từ chối nhận giải, hoặc sẽ bị trục xuất và bỏ tù. Tuy vậy, đây không phải là lý do ông không có cuốn tiểu thuyết thứ hai. Chỉ hai năm sau đó, căn bệnh ung thư phổi đã cướp mất sinh mạng của ông.

6.  Anna Swell – Ngựa ô yêu dấu (1877)

img

 

Nữ nhà văn Anh Sewell viết tác phẩm kinh điển dành cho trẻ em vào những năm cuối của cuộc đời mình, kể cả khi bà không còn có thể rời khỏi giường bệnh. Bà đã viết liên tục suốt 7 năm và cuối cùng được chứng kiến cuốn sách của mình ra đời chỉ 6 tháng trước khi qua đời. Dù vậy, chừng đó thời gian cũng đủ để mang lại niềm hạnh phúc cho bà khi được nhìn thấy thành công của tác phẩm tâm huyết của mình.

7.  Marcel Proust – Đi tìm thời gian đã mất (1913-1927)

img

 

Trải dài 4.215 trang qua 7 tập sách, Đi tìm thời gian đã mất trở thành một trong những bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại. Proust bắt đầu đặt bút viết từ năm 1909 và tiếp tục làm việc cho đến ngày cuối đời.

Cho dù bộ tiểu thuyết tiếp tục được xuất bản nhiều lần trong năm năm sau ngày mất của ông, Proust đã phải tự gây quỹ để xuất bản phần đầu tiên của bộ sách vào năm 1913.

Phan Lê (Theo Telegraph)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem