700 tấn vải sạch chỉ bán được... 50 tấn!

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 08/07/2015 10:37 AM (GMT+7)
Dù đã thực hiện đúng các quy trình của cơ quan chức năng và được chứng nhận vải đạt tiêu chuẩn VietGAP và thậm chí là cả Global Gap nhưng hàng trăm tấn vải sạch vẫn phải bán với giá thị trường, thậm chí còn thấp hơn giá vải trên thị trường. 
Bình luận 0

Vừa bán vừa ngóng

Với hơn 1 mẫu vải thiều, sản lượng ước khoảng 10 tấn, dù đã cuối vụ nhưng ông Nguyễn Văn Lưu, thôn kép 1 xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang mới chỉ bán được hơn 1 tấn, trong đó có hơn 3 tạ xuất khẩu đi Úc và 1 tấn cho hãng hàng không Vietnam Airline làm đồ tráng miệng trên máy bay. Còn lại, mỗi ngày ông đành chở vải ra chợ bán với giá vải trên thị trường và ngóng chờ doanh nghiệp. “Để sản xuất đạt tiêu chuẩn Gobal GAP, gia đình tôi phải tuân thủ đúng quy trình, dọn vườn, tỉa cành phun thuốc tưới nước có ghi chép sổ sách chi tiết và đầy đủ mất nhiều công hơn so với quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGap rất nhiều. Hầu như ngày nào cũng phải ở ngoài vườn vải để ghi chép lại nhật ký chăm sóc vải. Bây giờ, có được quả vải sạch nhưng chẳng thấy có doanh nghiệp tới thu mua, đem ra bán ở các điểm cân ngoài chợ thì có khi còn bị trả giá thấp hơn vải trên thị trường”- ông Lưu nói.

img
Ông Nguyễn Văn Lưu, thôn kép 1 xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trồng có 10 tấn vải Global GAP phải mang bán bằng giá vải thường ngoài chợ. Ảnh: Thanh Xuân
Cùng chung hoàn cảnh như ông Lưu, hàng chục các hộ dân khác ở xã Hồng Giang vẫn còn vải sạch chưa thể tiêu thụ cũng đang vừa bán ngoài chợ, vừa ngóng chờ doanh nghiệp tới thu mua.

 

Ông Nguyễn Văn Đông – Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và sản xuất thương mại Hồng Giang cho biết: “Trong số 6 mã vùng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cấp chứng nhận trồng vải sạch theo tiêu chuẩn Gobal GAP với diện tích 60,38ha của 72 hộ với sản lượng ước khoảng 700 tấn thì theo thống kê chỉ bán được khoảng 50 tấn cho doanh nghiệp xuất khẩu, giá cao nhất 35.000 đồng/kg. Và tới thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất Vietnam Airline đang mua trung bình mỗi ngày 1 tấn với giá 26.000 đồng/kg để làm đồ ăn tráng miệng trên máy bay. “Hiện bà con nông dân cũng rất trách nhiệm, là năm đầu tiên nên phải làm sạch cho sản phẩm của mình nhưng đã bỏ công ra nhiều rồi cũng phải có thu nhập tương xứng với công sức của họ bỏ ra”- ông Đông nói.

Cần hỗ trợ người dân xuất khẩu

Quan điểm

Ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
  Đến nay, Lục Ngạn đã tiêu thụ được 98.000 tấn, trong đó xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc đạt 51.000 tấn và tổng sản lượng tiêu thụ vải đã đạt 85%, còn 15% sẽ tập trung tiêu thụ các tỉnh lân cận. 
Là chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và sản xuất thương mại Hồng Giang, ông Nguyễn Văn Đông đại diện cho các hộ sản xuất vải thiều cho rằng, công tác xúc tiến thương mại của các bộ, ngành thời gian qua chưa hiệu quả, doanh nghiệp từ Nam ra Bắc đến đây cũng lên tới gần 100 lượt từ đầu vụ nhưng chẳng thấy ký kết hợp đồng gì. Cứ cần mua thì tới chọn toàn quả đẹp, vặt hết cuống đi rồi mới lấy vải và trả tiền. Người sản xuất theo tiêu chuẩn sạch thì chỉ biết hy vọng nhưng cuối cùng lại phải thất vọng.

 

Cũng theo ông Đông, có duy nhất một đơn vị là Siêu thị Big C tìm đến các hộ dân trồng vải sạch đặt vấn đề sẽ mua cao hơn thị trường tại địa phương 15 - 20%. Tuy nhiên, đơn vị này lại đưa ra hợp đồng mà người dân chắc chắn không thể đáp ứng được. “Họ yêu cầu mang vải tới giao nhận tại Hà Nội và cứ 15 ngày thanh toán 1 lần. Nếu họ không kiểm soát ở gốc, mang lên Hà Nội rồi lại chê xấu, không nhận thì sao. Vì sao không tới tận nơi thu mua để kiểm soát chất lượng. Mặt khác, mỗi ngày lấy 15- 20 tấn nhưng 15 ngày mới trả tiền thì ai đảm bảo cho người dân đi đòi khoản tiền đó và cuối cùng cũng không thực hiện tiêu thụ vải sạch được”- ông Đông nói.

Ông Đông cũng cho rằng, thay vì hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, có thể hỗ trợ cho hợp tác xã đại diện cho người dân về mặt pháp lý là các hợp tác xã như ông sẵn sàng sẽ tham gia vào thu mua, làm hàng xuất khẩu. “Doanh nghiệp mua 1 bán được 10 họ mới làm nhưng hợp tác xã là làm cho nông dân, mua 1 chỉ cần thấy có lãi thêm 1,5 là chúng tôi cũng sẽ tự đầu tư tài chính để làm”- ông Đông khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem