8 điểm nóng rẫy trong xung đột Trung Quốc- Ấn Độ

Thanh Minh (Tổng hợp) Thứ tư, ngày 26/07/2017 12:30 PM (GMT+7)
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy lên nấc căng thẳng mới khi cả hai bên đều lên tiếng tuyên bố sẵn sàng tăng cường sự hiện diện của quân đội ở vùng tranh chấp.
Bình luận 0

img

Đến nay có ít nhất 8 điểm nóng ở khu vực biên giới phía Bắc và phía Đông giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong nhiều năm qua.

 Khu vực rừng núi Asaphila

Nơi này có diện tích 100 km2, nằm dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại hạ Subansiri. Đây là một trong những khu vực bị Trung Quốc tấn công mạnh vào năm 1962. Năm 2014, quân đội Ấn Độ đã ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực này. 

Longju

Đây là vùng thuộc khu vực hạ Subansiri, nằm đối diện với các đồn biên phòng của Trung Quốc ở Migyitun, Tây Tạng. Cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên giữa quân đội hai nước xảy ra vào ngày 25.8.1959. Kể từ đó Ấn Độ đã không chiếm lại Longju, thay vào đó thành lập một chốt quân đội tại Maja, cách Longju 10 km về phía Nam.

 Thung lũng Namka Chu

Nằm cách Tawang 60 km, đây là khu vực bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Trung vào năm 1962. 

Sumdorong Chu

Nơi thuộc huyện Tawang, nằm ở phía Đông thung lũng Namka Chu bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng trong cuộc đột kích bất ngờ năm 1986. 

Yangste

Khu vực này thuộc huyện Tawang. Sau khi Trung Quốc chiếm đóng Sumdorong Chu, quân đội Ấn Độ đã trả đũa và chiếm Yangste vào nửa cuối năm 1986. 

Barahoti

Khu vực này ở quận Chamoli thuộc bang Uttarakhand. Đây là khu vực chứng kiến nhiều cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc. 

Aksai Chin

Là khu vực tranh chấp lãnh thổ lớn nhất giữa Ấn Độ với Trung Quốc, có diện tích lên tới 38.000 km2. Ấn Độ tuyên bố khu vực này là một phần của Ladakh. Trong khi Trung Quốc tuyên bố khu vực này là của riêng mình kể từ những năm 1950. Năm 1957, Trung Quốc xây dựng đường cao tốc phía Tây kết nối Tân Cương với Tây Tạng và cắt ngang khu vực Aksai Chin. Trung Quốc đã chiếm đóng Aksai Chin từ năm 1962. 

Demchok

Là một ngôi làng và căn cứ quân sự ở Leh. Đây là khu vực chứng kiến nhiều hoạt động đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hồi tháng 11 năm ngoái, quân đội hai nước đã ở trong tình trạng đối đầu do xây dựng một kênh thủy lợi ở khu vực. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra vào năm 2014.

Trung Quốc đã cảnh báo sẽ tăng cường triển khai binh sĩ tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền bằng "mọi giá". 

Ngày 24.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Ấn Độ “không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng phi thực tế nào về khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh thổ nước này, giữa lúc hai nước đối mặt với mâu thuẫn về biên giới”.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm khẳng định: "Làm rung chuyển một ngọn núi thì dễ nhưng làm rung chuyển Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thì khó", đồng thời cho biết khả năng bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền Trung Quốc "luôn luôn vững mạnh". 

Ông Ngô Khiêm nhắc lại rằng việc Ấn Độ rút các lực lượng bảo vệ biên giới là một điều kiên tiên quyết để giải quyết tình hình và Bắc Kinh hối thúc mạnh mẽ New Delhi thực hiện các biện pháp thiết thực để "sửa chữa sai lầm", dừng những hành động khiêu khích và cùng với Trung Quốc phối hợp giữ gìn hòa bình khu vực biên giới. 

Về phía Ấn Độ, giới chức cho biết các nhà ngoại giao hai bên đã dàn xếp để dảm bảo mâu thuẫn không leo thang.

Giáo sư quan hệ quốc tế người Ấn Độ, Harsh V. Pant tại trường King’s College bình luận thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc bắt nguồn từ sức mạnh đang lên của Trung Quốc và nhận thức riêng của nước này về lợi ích của họ không chỉ về kinh tế và ngoại giao mà còn cả về quân sự.

Căng thẳng Trung-Ấn khởi sự cách nay hơn một tháng với việc Trung Quốc cho quân lính khởi công xây dựng một con đường trên một cao nguyên đang tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.

Lực lượng Ấn Độ đã tiến vào vùng này để ngăn không cho lính Trung Quốc xây đường, và đã bị Bắc Kinh tố cáo là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đòi New Delhi rút quân ra khỏi khu vực ngay lập tức, nhưng không kết quả. Sau đó, binh sĩ hai nước đã đụng độ gần một thung lũng do Trung Quốc kiểm soát.

Theo các nhà bình luận, căng thẳng mới nhất dường như là lần leo thang nghiêm trọng nhất trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, đa phần các nhà quan sát cho rằng chiến tranh lần hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không bùng phát. Năm 2019, sẽ có bầu cử ở Ấn Độ và nước này sẽ không chấp nhận rủi ro xung đột với một đối thủ mạnh hơn.

Về phần Trung Quốc, nước này cũng không muốn hành động gì gây hại tới hình ảnh mà họ đang xây dựng là một quốc gia lãnh đạo trên trường quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem