Theo đó, mô hình thực hiện đồng thời 2 phương pháp gieo cấy: Mạ khay cấy máy và cấy bằng tay, nhằm so sánh hiệu quả áp dụng cơ giới hoá (CGH) đồng bộ trong sản xuất lúa với canh tác lúa theo phương thức truyền thống. Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, đến nay mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch, thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa đối chứng (Q5, Khang dân 18). Cụ thể, các giống lúa trình diễn có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày; năng suất trung bình đạt gần 70 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng từ 2 - 10 tạ/ha; hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống lúa đối chứng từ 4 - 15 triệu đồng/ha.
Mô hình trình diễn giống lúa mới Kim Cương 111 vụ xuân 2017 tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CGH đồng bộ trong sản xuất lúa, cũng trong vụ xuân 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình ứng dụng dây chuyền gieo mạ khay tự động, máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa tại 8 huyện. Đến thời điểm này, máy tại các điểm đều hoạt động tốt, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất từ 7 - 9 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thủ công.
Bà Hương cho biết thêm, vụ mùa tới, Trung tâm sẽ tiếp tục trình diễn các giống lúa mới tại nhiều địa phương khác để đánh giá kỹ lưỡng, chính xác nhất về khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh của các giống lúa này. “Đây là cơ sở để Trung tâm đề xuất Sở NNPTNT bổ sung thêm giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào cơ cấu giống lúa của thành phố trong năm 2018. Bên cạnh đó, cùng với cơ chế hỗ trợ của thành phố và Sở NNPTNT, các huyện, thị xã cần có chính sách riêng khuyến khích nông dân áp dụng CGH đồng bộ trong sản xuất lúa” – bà Hương nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đang áp dụng linh hoạt mọi chính sách giúp doanh nghiệp, người dân tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho CGH. Đơn cử, tại huyện Phúc Thọ, các cấp chính quyền địa phương đứng ra “gom đất” của các hộ dân nhằm thu hút doanh nghiệp đưa máy móc, công nghệ cao vào sản xuất.
“Cùng với đó, ngành nông nghiệp đề xuất thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ mua máy móc để khuyến khích người dân đầu tư. Theo đó, mức hỗ trợ trực tiếp 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy, thiết bị. Đồng thời, tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn để các HTX nông nghiệp là nòng cốt trong quá trình thực hiện CGH…” – ông Mỹ khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.