81 hộ nghèo người Mông hết cảnh đón Tết bằng đèn dầu

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 10/02/2018 12:50 PM (GMT+7)
Sau 46 năm kể từ khi thành lập bản (1972), người dân bản Núi Hồng, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã được đón cái Tết đầu tiên có ánh sáng của điện lưới quốc gia.
Bình luận 0

img

81 hộ nghèo người Mông hết cảnh đón Tết bằng đèn dầu (Ảnh: TX)

Điện về góp phần xóa nghèo cho bản

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã 7km nhưng con đường vào bản núi Hồng huyện Phù Yên (Sơn La) chẳng khác gì đường lên đỉnh núi. Để vào được bản Núi Hồng, chúng tôi gặp phải liên tiếp là những đoạn dốc thẳng đứng và góc cua tay áo, nhìn xuống ta luy là vực sâu thăm thẳm, ngày trời mưa thì chỉ có đi bộ mới tới được bản.

Nhìn từ xa, bản Núi Hồng những ngày áp Tết lúc ẩn, lúc hiện trong mây mù nên gần 50 năm nay kể từ khi thành lập bản, dù là ở tỉnh có Nhà máy thủy điện lớn nhất nước nhưng người dân trong bản vẫn thèm khát có ánh sáng của dòng điện quốc gia.

Ông Thào A Nhè, sinh năm 1951, một trong những người già nhất bản Núi Hồng phấn khởi cho biết: “Tôi về bản từ những ngày đầu tiên thành lập nhưng chưa bao giờ nghĩ có một ngày điện lưới quốc gia lại về với bà con. Tết này lũ trẻ được đón Tết với ánh sáng của dòng điện quốc gia còn người già như chúng tôi cũng thấy mắt như sáng hơn”, ông Nhè nói.

Còn anh Thào A Dính là một trong những hộ nhậy bén nhất bản cho biết đã kịp mua tivi chờ sẵn tới thời điểm đóng điện để cho cả gia đình được đón Tết. “Sắp tới tôi cũng dự kiến sẽ mua thêm nồi cơm điện và bán lợn, bán bò đi để mua một chiếc máy xay xát về làm dịch vụ cho bà con trong bản. Có điện thì bà con sẽ không còn phải đi cả chục cây số để xay xát gạo như trước đây nữa”, ông Dính cho biết kế hoạch của mình.

Trưởng bản Thào A Pao đã không dấu được niềm hành phúc nên đích thân ông còn múa một điệu khèn tặng những cán bộ, công nhân ngành điện vì đã nỗ lực đưa điện về trước dịp Tết cho bà con bản Núi Hồng. “Cả bản có 81 hộ thì 100% là hộ nghèo, thu nhập chính chỉ từ trồng lúa trên các ruộng bậc thang và trồng dong riềng. Dù là chỉ dùng đèn dầu nhưng trước đây mỗi tháng trung bình mỗi hộ cũng mất khoảng 200.000 tiền dầu thắp sáng. Giờ có điện vừa tiết kiệm chi phí, vừa là cơ hội để giúp cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, ông Thào A Pao nói.

img

Hàng loạt các dự án từ Ngân sách Nhà nước và của EVN và EVNNPC đã và đang góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội (Ảnh: TX)

Đầu tư cho an sinh xã hội

Núi Hồng là một trong những bản được hưởng lợi từ 3 dự án của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư cho các hộ thuộc vùng lòng hồ sông Đà. Dự án có mức đầu tư trên 378 tỷ đồng, cấp điện cho 6.158 hộ dân, đặc biệt đây là dự án được triển khai trong năm 2017.

Theo Công ty Điện lực Sơn La, dự kiến trước Tết Nguyên đán, đơn vị sẽ tổ chức đóng điện cho 69 bản, 29 xã, với khoảng 4.100 hộ dân. Kế hoạch trong năm 2018 sẽ có trên 6.000 hộ dân thuộc dự án được cấp điện từ nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC).

Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn 4 huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020 bằng nguồn vốn của Ngân sách nhà nước và Tập đoàn điện lực Việt Nam, đã góp phần đưa số hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành kế hoạch của Đại hội đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ 12 đến năm 2020 là 97,5% số hộ có điện ( năm 2015 đạt 86,7%; năm 2017 đạt 91,5%).

Còn ông Thiều Mạnh Thắng - Giám đốc Ban quản lý dự án (Công ty Điện lực Sơn La) cho biết: Tết Mậu Tuất năm nay sẽ có gần 3.700 hộ của gần 100 bản trên địa bàn 27 xã thuộc các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Mường La, Sốp Cộp... tỉnh Sơn la có điện lưới quốc gia. Cũng theo ông Thắng, năm 2017, Công ty Điện lực Sơn La đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong các hạng mục của dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020 và dự án cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên và Phù Yên. “Nguồn điện lưới quốc gia cấp trực tiếp đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng làm thay đổi tập quán, nâng cao dân trí cho đồng bào”, ông Thắng nói.

Thực tế cho thấy, các dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), nếu chỉ nhìn vào suất đầu tư ở bản Núi Hồng với 378 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng 81 hộ dẫn nếu như dùng hết từ 100 - 200.000 tiền điện/hộ, lại được hưởng giá điện cho hộ nghèo thì thời gian thu lại vốn đầu tư cũng phải tính đến vài chục năm.

Một lãnh đạo ngành điện phân tích, nhiều dự án đầu tư điện về vùng sâu, vùng xa nếu chỉ tính đến hiệu quả đầu tư và lợi nhuận thì không doanh nghiệp tư nhân nào muốn đầu tư. Do đó, ngành điện ngoài phục vụ sản xuất kinh doanh thì còn rất nhiều dự án cùng với ngân sách nhà nước đã và đang đưa điện về vùng sâu, vùng xa, hải đảo… góp phần vào đầu tư cho các công trình điện vì an sinh xã hội.

Ông Lê Quang Thái, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực của Tổng công ty, từ năm 2016 đến nay, EVN và EVNNPC đã triển khai 3 dự án đưa điện về vùng sâu, vùng xa của Sơn La, với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, gần 13.000 hộ dân nông thôn được cấp điện, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các hộ dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem