8X bỏ nghề lái xe, đột phá trồng cam Canh trên đất Lĩnh Nam

Vũ Quỳnh Hương Thứ hai, ngày 02/02/2015 06:36 AM (GMT+7)
"Đất ở Lĩnh Nam là đất bồi phù sa, vị trí địa lý và khí hậu đều thuận lợi cho cam đường Canh phát triển tốt nên tôi đã quyết định gắn bó với loài cây này”, anh Vũ Văn Dũng chia sẻ.
Bình luận 0

Vốn nổi tiếng là vựa rau sạch của Hà Nội, những năm gần đây, nông dân phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) bắt đầu du nhập nhiều loại giống cây trồng mới, trong đó có cam Canh. Do được trồng trên đất bồi phù sa nên cam Canh ở đây có vị ngọt đậm đà, vỏ mỏng, đem lại thu nhập cao cho bà con.

Bỏ phố về đồng

Trong số những người trồng cam nổi tiếng ở Lĩnh Nam bây giờ, phải kể đến Vũ Văn Dũng. Sinh năm 1981, là lái xe cho lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch, Dũng thường xuyên di chuyển đến nhiều vùng đất khác nhau, và chính những điều mắt thấy tai nghe trong những chuyến đi đã khiến Dũng càng nung nấu ý định quay về canh tác nông nghiệp tại quê hương. Dũng cho biết: “Có rất nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Đất quê nhiều, màu mỡ trù phú như thế, chắc chắn trồng rau sạch, quả quý sẽ giúp ổn định cuộc sống”. Vậy là Dũng quyết định bỏ nghề lái xe, xoay trần với ruộng vườn quê hương và khởi nghiệp bằng cam Canh - giống cây ăn quả chưa từng được trồng trên đất Lĩnh Nam trước đó.

img
Anh Vũ Văn Dũng đang chăm sóc vườn cam đường Canh. 

Thị trường hoa quả những năm gần đây tràn ngập hàng lậu giá rẻ từ Trung Quốc, khiến rau quả trong nước bị cạnh tranh hết sức gay gắt. Thế nhưng theo anh Dũng, trong cái khó lại có cơ hội. “Thực tế cho thấy, các loại quả nội cao cấp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng luôn không đủ hàng để bán. Ví dụ như cam đường Canh, có thời điểm giá lên tới 150.000 – 180.000 đồng/kg, hay bưởi Diễn cũng có lúc đạt 80.000 – 120.000 đồng/quả. Trong khi quá trình đô thị hoá quá nhanh đã khiến nhiều nông dân bỏ nghề bỏ đất, sản lượng cây trái đặc sản ngày càng thấp, cung không đủ cầu.

Vẫn biết yếu tố cấu thành nên đặc sản của mỗi vùng - ngoài giống ra - còn là chất đất, tiểu vùng khí hậu, nhưng bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, kỹ năng chăm bón cũng có vai trò quyết định lớn tới chất lượng nông sản. Đất ở Lĩnh Nam là đất bồi phù sa, vị trí địa lý và khí hậu đều thuận lợi cho cam đường Canh phát triển tốt nên tôi đã quyết định gắn bó với loài cây này” - anh Dũng chia sẻ về quyết định của mình.

Những ngày này, vườn cam Canh chín đỏ, nặng trĩu cành của Vũ Văn Dũng luôn tấp nập thương lái tới xem hàng, đặt mua. Giá đổ buôn tại vườn đã là hơn 60.000 đồng/kg. Hiện Dũng đang sở hữu 2ha cam, trong đó 1ha để cấy cây con, 1ha đã cho thu hoạch với 700 gốc, sản lượng ước đạt trên 9 tấn, thu về 550 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng hơn 300 triệu đồng. Trong đó, điều Dũng ưng ý nhất là đã áp dụng thành công hệ thống vòi phun tưới tự động cho vườn cam. Vì thế, việc tưới bón, chăm sóc vườn cam 2ha đối với Dũng rất đơn giản, thường tới vụ thu hoạch Dũng mới phải thuê thêm nhân công.

Sức mạnh liên kết

Quan điểm

Ông Nguyễn Đức Thọ
  Nhiệm vụ của Hội Nông dân là sát cánh cùng bà con đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện, cam quất ở Lĩnh Nam trước khi thu hoạch ít nhất 1 tháng đều không sử dụng bất kỳ loại phân bón hay thuốc hóa học nào. 
Từ mô hình trồng cam đường Canh thành công của nông dân Vũ Văn Dũng, Chi hội Nghề nghiệp và Mô hình kinh tế tập thể nông dân Lĩnh Nam đã đồng loạt chuyển đổi, mạnh dạn thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả bằng những giống cây trồng mới. Chỉ tay ra bãi bồi rộng mênh mông, Chủ tịch Hội Nông dân phường Lĩnh Nam Nguyễn Văn Minh hào hứng nói: Chi hội Nghề nghiệp và Mô hình kinh tế tập thể là sáng kiến của Hội Nông dân được thành lập vào tháng 12.2013, nhằm đẩy mạnh liên kết và phát huy sức mạnh tập thể. Hiện Chi hội đang thu hút 20 hội viên tham gia trồng thí điểm nhiều loại cây cho giá trị kinh tế cao như nhãn, thanh long ruột đỏ, hoa lan, quất cảnh, phật thủ, bưởi, táo, trong đó toàn bộ diện tích chuối kém hiệu quả đã được thay thế bằng cam Canh. Hiện, Lĩnh Nam đang triển khai kế hoạch phát triển 14ha cam, dự kiến sản lượng đạt 200 tấn...

“Dân mình bây giờ không thiếu tiền, nhưng thiếu lòng tin vào sự tử tế, mỗi cọng rau, múi quả hàng ngày sử dụng đều nơm nớp nỗi lo dư lượng chất độc hại. Do đó, nhiệm vụ của Hội Nông dân là sát cánh cùng bà con đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Hiện, cam quất ở Lĩnh Nam trước khi thu hoạch ít nhất 1 tháng đều không sử dụng bất kỳ loại phân bón hay thuốc hóa học nào. Ngành nông nghiệp quận còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây dựng đường xá, trạm bơm tưới nước sạch để người nông dân an tâm sản xuất" – ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem