90% nhân viên môi giới bất động sản hoạt động chui

Trần Kháng Thứ ba, ngày 16/07/2019 05:30 AM (GMT+7)
Cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới, thì chỉ khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Các Sở Xây dựng chưa quản lý được chất lượng nhân viên môi giới… là nguyên nhân gây thiệt hại cho khách hàng và tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản (BĐS). 
Bình luận 0

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) ngày 12/7 về việc Kiến nghị các giải pháp chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới, thì chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Đồng nghĩa với việc chỉ có khoảng 90% nhân viên môi giới chưa qua qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi, chất lượng thấp, thiếu tính chuyên nghiệp.

Từ những bất cập liên quan tới nhân viên môi giới, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới BĐS.

Đồng thời, yêu cầu nhân viên môi giới phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định của pháp luật thì mới được hoạt động dịch vụ môi giới. Thêm vào đó, HoREA đề nghị quy định nhân viên môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về việc môi giới.

img

90% nhân viên môi giới bất động sản hoạt động chưa có chứng chỉ hành nghề. (ảnh minh hoạ) 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, vấn đề nâng cao chất lượng của hoạt động môi giới đã được đặt ra trong nhiều năm qua. Nghề môi giới BĐS là một nghề đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật với những yêu cầu rất nghiêm ngặt. Tại Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Thông tư 11/2015/TT-BXD đã yêu cầu, người môi giới khi tham gia thị trường bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hoạt động.

Theo đó, nhân viên môi giới phải được đào tạo về kiến thức, chuyên môn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, cũng như đòi hỏi nhiều kỹ năng, tiêu chuẩn khác nhau. Sau đó, các nhân viên môi giới sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch gắt gao để nhận chứng chỉ hành nghề. Không dừng tại đó, sau khi có chứng chỉ, các môi giới phải luôn tự chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là có ý thức tuân thủ các bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Trước đó, tại Hội thảo chuyên đề “nhận diện nghề môi giới BĐS” tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, môi giới BĐS còn tồn tại một số bất cập, “góc khuất” cần khắc phục, như: vấn nạn tự do, nhỏ lẻ, bộc phát chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, chưa hiểu rõ ý nghĩa và tâm quan trọng của công việc mình đang tham gia.

Ngoài thành phần môi giới BĐS chuyên nghiệp (qua đào tạo, cấp chứng chỉ…), thị trường BĐS vẫn còn thành phần môi giới chỉ bằng kinh nghiệm, thậm chí có thành phần môi giới cách cơ hội, không qua đào tạo… khiến bức tranh BĐS thêm phức tạp.

Ở góc độ quản lý, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS liên tục được cập nhật chỉnh sửa cho phù hợp. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi chứng chỉ môi giới BĐS.

Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ tính răn đe. Bản thân các nhà môi giới cũng chưa coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo, giá trị pháp lý chứng chỉ hành nghề môi giới cần rút ngắn 1 - 3 năm thay vì 5 năm như hiện tại./. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem