98% số xã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã có thể tăng tốc tái đàn

03/09/2020 15:14 GMT+7
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm nay (3/9).

Từ đầu năm 2020, cả nước có 1.008 ổ dịch (bao gồm 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019, 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát) tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 43.150 con lợn, tương đương khoảng 2.157 tấn.

Cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày; đã có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.

"Các ổ dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học. Hiện nay, các hộ chăn nuôi lớn, gia trại, trang trại bảo đảm an toàn sinh học không để xảy ra dịch bệnh và có tốc độ tăng đàn, tái đán tốt", Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết.

98% số xã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã có thể tăng tốc tái đàn - Ảnh 1.

Dịch tả lợn châu Phi đã gần như được khống chế.

Về công tác tái đàn lợn, đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Hiện có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định; Kon Tum; Đắc Nông; Quảng Ngãi; Ninh Thuận; Yên Bái; Hòa Bình; Tây Ninh; Sơn La; Lâm Đồng; Khánh Hòa.

Có 9 tỉnh có tỷ lệ tái đàn từ 90- dưới 100%, trung bình tái đàn 94,3% so với trước khi có dịch gồm: Bình Thuận; Gia Lai; Quảng Bình; Thanh Hóa; Phú Yên; Bình Dương; Đắk Lắk; Hà Giang; Cần Thơ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã, đang và tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch, đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng. Do chu kỳ sinh học nên việc tái đàn, tăng đàn sản phẩm phải vào cuối Quý III và đầu Quý IV mới có thể cân đối cung - cầu, đến lúc đó giá thịt lợn cơ bản sẽ ổn định.

Để hỗ trợ người dân phòng chống dịch, đến thời điểm này, tổng kinh phí ngân sách trung ương (do Bộ Tài chính cấp), ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đến tháng 7/2020 là trên 13.000 tỉ đồng.

A.Vũ
Cùng chuyên mục