Đang thiu giấc trưa sau một buổi gặt tháng 9/2018, chị Phạm Thị Mùi ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, có cảm giác ớn lạnh vì chồng kề dao sát cổ, chất vấn: "Hôm nay mày đi đâu?".
Mùi không dám nhúc nhích. Giấu đi vẻ sợ hãi trong mắt, chị cứng rắn nói: "Tôi đi làm cho nhà bác Thanh. Tiền đây". Chờ chồng nới lỏng dao, chị rút tiền trong túi đưa và nhân cơ hội anh lơ là, liền bỏ chạy.
"Tôi hú hồn, nghĩ tại mình đi làm mệt ngủ quên, chứ từ ngày được học kỹ năng an toàn tôi không dám để mình rơi vào góc chết kiểu đó", người phụ nữ 43 tuổi chia sẻ tại một hội thảo của CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) ở Hà Nội, gần đây.
Đó không phải là lần đầu tiên chị Mùi bị chồng tấn công bằng dao hoặc đánh. Nếu như trước đây chị sẽ đứng chịu trận hoặc van xin để chồng nguôi giận, thì sau khi tham gia các buổi tập huấn của CSAGA gần hai năm qua, chị không để ai đánh mắng, xúc phạm mình nữa. Người phụ nữ cả đời chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng, giờ nắm rõ chu kỳ bạo lực của chồng, cũng như tác hại của việc con sống trong gia đình kiểu này nên chị không lôi kéo con về phe mình. Thay vào đó, chị học cách tự vệ.
Phụ nữ càng cam chịu, chồng bạo hành càng lấn tới. Ảnh: Shutterstock.
"Ăn cơm tôi luôn ngồi đầu nồi gần cửa, đứng ở đâu cũng để ý đường lui. Đi ngủ tôi cũng luôn nằm ngoài để có thể chạy thoát được. Có lần nhờ mặc hai áo mà tôi tránh được con dao của chồng, chỉ bị xước bụng", chị nói. Bên cạnh đó, chị nhờ người thân và bạn đồng niên để tác động anh thay đổi.
"Lấy nhau đến giờ hơn 20 năm, chỉ được vài năm đầu là yên ổn. Còn lại, sống mà như trứng để đầu gậy", chị buồn nói. Một năm gần đây chị cứng rắn hơn thì mức độ chồng gây chuyện đã ít hơn trước.
Mùi chỉ là một trong hàng trăm chị em phụ nữ ở Sơn Tây (Hà Nội), Hoà Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang... được trung tâm CSAGA tập huấn kỹ năng sống chung với bạn đời bạo lực.
"Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của nạn nhân, không khuyên họ ly hôn hay tiếp tục chung sống. Điều chúng tôi làm là giúp họ an toàn, được sống sót, giúp họ biết yêu thương bản thân", chuyên viên tâm lý Vũ Ánh Tuyết, CSAGA nói.
Trước khi được can thiệp, chị Nguyễn Thị Quyên, 46 tuổi, ở Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội, thường xuyên phải chịu đủ 4 dạng bạo lực từ chồng: thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế. "Đêm tân hôn chị ấy đã bị cưỡng bức. Người chồng đánh chị ấy vì bất cứ lý do gì, có tuần tới 7 lần. Nhiều lần anh này ra chợ, úp lồng gà lên đầu vợ để đánh. Cảnh đó quen thuộc tới nỗi, người xung quanh nói rằng họ không buồn can nữa", chị Vũ Ánh Tuyết kể.
Khi đoàn tập huấn tiếp cận, chị Quyên có biểu hiện thiếu tập trung, nhớ trước quên sau. Sau hơn một năm được can thiệp tâm lý và giúp đỡ, chị Quyên đã dần thay đổi. Mặc dù vẫn sống chung với chồng, chị không chấp nhận bị đánh nữa.
Khi chồng nổi nóng, chị sẽ bỏ chạy. Trước đây chị thường ngủ ở nghĩa trang khi bị chồng đuổi thì nay "dám" chạy về nhà bố mẹ đẻ. Thay vì lao vào van xin khi chồng đập phá đồ, chị sẽ chụp ảnh lại gửi công an. "Chị ấy còn tự trổ một cửa ngách sau nhà, mấy mẹ con nhờ đó mà chạy thoát được khi chồng nóng giận", chuyên viên tâm lý Ánh Tuyết chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa
Bạo lực gia đình ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm. Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trung bình mỗi năm ở nước ta xảy ra khoảng 30.000 vụ bạo hành. Trong đó phụ nữ bị bạo hành chiếm 3/4, tức trên 60 vụ mỗi ngày.
Gần đây nhất, 3 vụ chồng đánh vợ liên tiếp gây phẫn nộ trong xã hội. Ngày 13/9, người vợ 31 tuổi ở Tây Ninh bị chồng liên tục dìm xuống hồ bơi của gia đình. Trước đó, ngày 29/8, người chồng Bình Thuận đánh vợ mang thai 6 tháng chấn thương đầu, vỡ nền sọ, gãy tay, chân. Ngày 27/8, một người đàn ông ở Long Biên, Hà Nội tát vợ đang bế con 2 tháng tuổi ngã dúi dụi.
"Nguyên nhân sâu xa khiến đàn ông đánh vợ xuất phát từ bất bình đẳng giới. Đàn ông tự cho mình có quyền hơn phụ nữ, mình là trụ cột trong gia đình nên người vợ phải phục tùng, còn người phụ nữ thì chấp nhận và cam chịu", bà Nguyễn Thị Thúy, phó giám đốc CSAGA nói.
Tuy nhiên, thay vì lầm lũi chấp nhận như nhiều thập kỷ trước đây, hiện nhiều phụ nữ đã vùng lên bằng cách ly hôn. Theo số liệu của Tòa án nhân dân Tối cao, trong 10 năm từ giữa 2008 đến 9/2017, tòa án đã giải quyết hơn 1,22 triệu vụ ly hôn thì có hơn một triệu vụ (hơn 80%) do bạo lực gia đình.
Một số khác không ly hôn thì tìm cách tự vệ để "sống chung với lũ", như chị Mùi, chị Quyên ở trên. Thậm chí, có người còn trở thành "thủ lĩnh" phong trào bảo vệ các bà vợ nơi mình cư trú, như chị Nguyễn Thị Vân, 42 tuổi, ở Tân Lạc (Hòa Bình). Từng bị chồng đánh đến mức 3 lần bỏ đi, 2 lần ly hôn không thành, chị Vân đã buộc chồng phải "cai đòn" gần chục năm nay.
Sau lần bị chồng đánh đến mức phải đi cấp cứu năm 2007, chị Vân bắt đầu đăng ký tham gia các buổi sinh hoạt của phụ nữ ở địa phương, từ đó dám cất tiếng nói trong nhà.
"Thân phận phụ nữ dân tộc Mường chúng tôi thấp lắm. Trước đây chồng nói gì, không bao giờ dám nói lại. Nhưng sau đó tôi mạnh mẽ, quyết đoán, hòa nhập vào xã hội, chứ không cô lập bản thân như trước", chị nói.
Hiện chị làm ở Ban Phòng chống bạo lực của xã, đồng thời là bí thư thôn. Chị giúp đỡ những phụ nữ khác biết đi đâu, kêu ai, biết thu thập bằng chứng... khi bị bạo lực.
"Một phụ nữ trong xã tôi vừa ly hôn được chồng, nhờ học cách thu thập bằng chứng bị bạo hành. Mất 12 năm từ lúc tìm đến tôi, chị ấy mới bước chân ra khỏi cuộc hôn nhân đó", chị Vân cho biết.
Csaga đã xây dựng nên một "Kế hoạch an toàn" cho phụ nữ, nhằm đối phó với tình trạng bị chồng đánh:
1. Phòng ngừa bạo lực
- Trao đổi trước với người thân, hàng xóm về vấn đề của mình, đưa ra các tín hiệu trước để họ có thể biết được mình đang bị bạo lực và đến trợ giúp.
- Thường xuyên cùng con tập dượt kế hoạch chạy trốn.
- Không để con trẻ can thiệp vào các cuộc xung đột của người lớn mà cần hướng dẫn con kêu cứu hoặc gọi điện thoại để giúp đỡ.
- Lưu số điện thoại khẩn cấp (công an, hội phụ nữ, hàng xóm...)
- Cất giấu các dụng cụ gây sát thương.
- Luôn có chìa khóa dự phòng để ở các cửa.
- Luôn có túi an toàn gửi nơi tin cậy, trong đó có chứng minh thư, thẻ bảo hiểm, ít tiền, giấy đăng ký kết hôn, vài bộ quần áo...
2. Khi bạo lực sắp xảy ra
- Tuyệt đối không đứng ở góc chết như nhà tắm, trong phòng ngủ. Cố gắng đứng ở sát cửa ra vào, cửa ngách.
- Nếu cuộc nói chuyện đến hồi căng thẳng, hãy tạm thời dừng lại và hít thở sâu, uống một cốc nước mát để giữ bình tĩnh.
- Nếu đánh giá có nguy cơ bị bạo lực vào ban đêm hoặc trong phòng ngủ hãy viện cớ để có thể ra ngoài, kêu cứu hoặc gọi điện thoại.
3. Khi bạo lực đang diễn ra
- Điện thoại dự phòng để gọi.
- Nếu không tránh khỏi việc bị đánh đột ngột, hãy ngồi hoặc nằm gập gối như hình quả bóng, hai tay ôm đầu, chạy, lăn ra khỏi chỗ người đánh càng nhanh càng tốt.
- Phụ nữ mang thai nên cố gắng ở tầng một, cúi người bảo vệ bụng.
|
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.
Phan Dương (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.