ACV không được chuyển nhượng, bán tặng, tài sản tại 22 sân bay

08/12/2020 10:58 GMT+7
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ACV có trách nhiệm sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng sân bay được giao đúng mục đích.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 2007 phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. Trong đó, ACV không được chuyển nhượng, bán, tặng, cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng được giao.

Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 cảng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong thời hạn từ ngày ban hành Quyết định này đến hết ngày 31/12/2025.

ACV không được phép chuyển nhượng, bán tặng, tài sản tại 22 sân bay  - Ảnh 1.

Hạ tầng hàng không đang là vấn đề cần được nâng cấp.

Về việc đánh giá, phân loại các danh mục tài sản, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được quyết định các danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để bàn giao cho ACV quản lý, sử dụng, khai thác.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định này, Bộ GTVT có trách nhiệm hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản bàn giao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, bổ sung trong danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không giao cho ACV nêu trên với đầy đủ các thông tin về giá trị tài sản để thực hiện việc hạch toán, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo đúng quy định tại Nghị định số 44/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng được giao chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không trong thời gian giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.

Cùng với đó, Bộ GTVT đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết các phát sinh hoặc có điều chỉnh phù hợp để công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không có hiệu quả, bảo đảm lợi ích nhà nước.

Tại Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ phương án quản lý, khai thác và cơ chế thực hiện bảo trì: ACV có trách nhiệm sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao đúng mục đích; không được chuyển nhượng, bán, tặng, cho, thế chấp, góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng được giao.

Về cơ chế thực hiện quản lý bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, kinh phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao chịu trách nhiệm thực hiện theo điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

ACV không được phép chuyển nhượng, bán tặng, tài sản tại 22 sân bay  - Ảnh 2.

Đường băng sân bay Nội Bài đang được nâng cấp sửa chữa.

Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao quản lý được sử dụng để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 99 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của công trình kết cấu hạ tầng hàng không, quy trình bảo trì, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định hiện hành của nhà nước, ACV lập kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không hàng năm trình Cục Hàng không Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt.

ACV tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo trì theo quy định của pháp luật. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện chức trách của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trong công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không...

Hiện, Việt Nam hiện có 22 sân bay đang khai thác nhưng tổng công suất cảng hàng không mới đạt hơn 96 triệu khách/năm, do công suất nhỏ đã dẫn tới tình trạng một số Cảng hàng không lớn bị quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài...

Qua đó, Bộ GTVT cũng đã tính toán với giải pháp xã hội hóa đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không là cần thiết. Nhưng thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào phát triển hàng không là lĩnh vực mới, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay việc xã hội hóa các cảng hàng không đang được thực hiện tốt. Tất cả các dịch vụ mặt đất, từ bãi đỗ tàu bay cho đến sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, suất ăn... đều do các doanh nghiệp tham gia theo quy định của pháp luật. Ở tất cả những hạng mục này, các doanh nghiệp phù hợp đều có thể tham gia thực hiện trong khu vực sân bay.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc xã hội hóa tại nhà ga hàng không Đà Nẵng và Cam Ranh đang tồn tại một số khiếm khuyết liên quan đến pháp lý. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung; trong đó nội dung quan trọng nhất là cấp sổ đỏ cho cảng hàng không.

"Việc cấp sổ đỏ cho cảng hàng không có liên quan đến quân sự. Bởi tất cả cảng hàng không ở nước ta trước đây do quân đội quản lý, sau đó chuyển dần qua dân sự. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và xin kinh phí từ Bộ Tài chính thực hiện kiểm đếm, đo đạc và lập sổ đỏ các sân bay. Khi đủ điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét đề xuất của các nhà đầu tư xây dựng các nhà ga mang tính chất xã hội hóa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Thế Anh
Cùng chuyên mục