Agribank đồng hành cùng người dân nuôi bò tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

09/03/2022 17:11 GMT+7
Nhờ sự đồng hành, tiếp sức của Agribank trong suốt thời gian qua, đã tạo bệ đỡ vững chắc để người dân nuôi bò ở Long An yên tâm chăn nuôi, vươn lên làm giàu.

Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là địa phương có điều kiện rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi, như: Địa hình cao ráo, các loại phụ phẩm trong nông nghiệp đa dạng. Những năm gần đây, tổng đàn bò của huyện không ngừng tăng lên, đạt mốc trên 63.000 con vào cuối năm 2021.

Agribank đồng hành cùng người dân nuôi bò tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ảnh 1.

Hiện nay, huyện Đức Hòa có hơn 13.000 hộ nuôi bò thịt và bò sinh sản hướng thịt. Ảnh: MK

Mô hình nuôi bò thịt cho hiệu quả kinh tế rất cao, nên gần đây phong trào nuôi bò thịt phát triển mạnh. Hiện nay, huyện Đức Hòa có hơn 13.000 hộ nuôi bò thịt và bò sinh sản hướng thịt.

Chất lượng đàn bò thịt và bò sinh sản từng bước cải thiện, cộng với thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi, nên người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Thêm vào đó, nhờ sự đồng hành, tiếp sức của Agribank đã tạo bệ đỡ vững chắc để người dân yên tâm chăn nuôi, vươn lên làm giàu.

Năm 2016, anh Trần Văn Danh ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đầu tư trang trại ứng dụng công nghệ cao nuôi bò vỗ béo, với quy mô 800 con. Đa phần, anh Danh chọn giống bò Italia (khoảng 20 tháng tuổi trở lên) đem về vỗ béo, để sau 3-4 tháng nuôi là có thể xuất bán.

Agribank đồng hành cùng người dân nuôi bò tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ảnh 2.

Công nhân trại bò của anh Trần Văn Danh đang cho bò ăn. Ảnh: MK

Với kỹ thuật nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, thức ăn được phối trộn, bổ sung dinh dưỡng, nên bò mau lớn. Đặc biệt, là khâu vệ sinh chuồng trại cũng nhàn hơn trước (vì lượng phân bò thải ra ít có mùi hôi).

Nhờ thời gian vỗ béo cho bò ngắn hơn cách nuôi truyền thống, nên tỷ lệ rủi ro cũng ít hơn. Mỗi đợt nuôi, sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh Danh lời được hơn 4 tỷ đồng.

"Lúc đầu tôi nuôi chỉ 50 con, thấy có lợi nhuận cao nên vay vốn thêm từ Agribank để mở rộng đàn bò có dáng rất cao ráo, trọng lượng hơn gấp đôi so với giống bò thường. Đặc biệt, giống bò này rất thân thiện với con người, thích được vuốt ve, ăn thức ăn được ủ từ cỏ và hèm bia nên hệ tiêu hóa rất tốt" – ông Danh tiết lộ.

Với mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, không chỉ thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của bà con nông dân, mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò, từ đó, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu.

Agribank đồng hành cùng người dân nuôi bò tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ảnh 3.

Trần Văn Danh (thứ hai, bên phải) tiếp cán bộ Agribank Chi nhánh Đức Hòa - Long An.

Thêm vào đó, trên địa bàn ngày càng có nhiều trang trại nuôi bò có quy mô lớn, nên đã góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.

Ông Ngô Văn Út (ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa), cho biết ông đi cắt cỏ, chăm sóc bò rồi lại ủ hèm bia với thức ăn để phục vụ cho trại chăn nuôi bò giống của người thân. Thu nhập mỗi ngày khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống.

"Cỏ thì trồng cạnh trại chăn nuôi bò, còn hèm bia được một nhà máy ở gần đó chở đến giao nên không tốn nhiều công sức" – ông Út thông tin.

Nuôi bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao cần phải có kiến thức và nắm vững kỹ thuật. Vì vậy, để mô hình phát triển hiệu quả, tạo sức lan tỏa, ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật, thực hiện nhiều giải pháp, để người dân chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả.

Agribank đồng hành cùng người dân nuôi bò tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ảnh 4.

Cán bộ Agribank Chi nhánh Đức Hòa – Long An tham quan Mô hình điểm xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020 của ông Lê Thanh Tuấn, địa chỉ tại Ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ, Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: MK

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho các mô hình nuôi bò này khá lớn. Trung bình, mỗi con bò giống có giá lên đến vài chục triệu đồng, đó là chưa kể vốn đầu tư làm chuồng trại, mua máy móc thiết bị để xay, trộn thức ăn cho bò… Để triển khai mô hình, nông dân rất cần được hỗ trợ về nguồn vốn.

Thấu hiểu được nỗi lo này của người chăn nuôi, Agribank Chi nhánh Đức Hòa, tỉnh Long An đã hỗ trợ, tiếp sức kịp thời về vốn cho bà con nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi.

Theo thống kê của Agribank Chi nhánh Đức Hòa – Long An, hiện tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 96% trên tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay nuôi trâu, bò đạt trên 1.336 tỷ đồng, với gần 4.000 khách hàng còn dư nợ.

Agribank đồng hành cùng người dân nuôi bò tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ảnh 5.

Cánh đồng cỏ cho bò ăn ở Đức Hoà, Long An. Ảnh: MK

Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa, huyện đang thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn (2016-2020 và 2021-2025). Ngân hàng Agribank cũng đồng hành với bà con nông dân rất nhiều trong thực hiện chăn nuôi. Trong đó, những hộ chăn nuôi quy mô lớn thì Agribank đã hỗ trợ rất nhiều trong việc tạo nguồn vốn để bà con chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng phát triển tất yếu hiện nay, nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng có sẵn của địa phương, phát huy hiệu quả của khoa học kỹ thuật, tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của vùng đất, hiện nay huyện Đức Hòa tiếp tục đầu tư Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị Quyết của Tỉnh ủy Long An về "Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp". Theo đó, địa phương và các ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức thiết kế chuồng trại; trang thiết bị chăn nuôi; cách chọn giống; thức ăn- dinh dưỡng; nước uống; vệ sinh thú y; phương thức xử lý chất thải; ghi chép sổ sách, lưu trữ hồ sơ...

Và một trong những điều kiện tiên quyết, góp phần cho kế hoạch này huyện thực hiện thành công là nguồn vốn ổn định, kịp thời. Agribank Chi nhánh Đức Hòa, tỉnh Long An cam kết sẽ luôn là điểm tựa vững chắc về vốn cho bà con yên tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của huyện đề ra.




Hồng Cẩm - Minh Khương
Cùng chuyên mục