Ai đã trá hàng, rồi hạ độc giết chết danh tướng Nguyễn Kim?

N.V Chủ nhật, ngày 09/02/2025 21:30 PM (GMT+7)
Năm 1545, Nguyễn Kim bị ám sát sau kế trá hàng của một võ tướng nhà Mạc. Đó là Dương Chấp Nhất, người Hoằng Hóa (Thanh Hóa), quan nội thị, võ tướng triều Mạc Đăng Doanh, làm đến chức Chưởng bộ, được phong tước Trung Hậu hầu, giao coi 3 phủ Thanh Hóa, làm Tổng trấn cả một phương.
Bình luận 0

Nguyễn Kim (1468-1545) là danh tướng Việt Nam thời nhà Lê Sơ và là người đặt nền móng cho sự thành lập nhà Lê Trung hưng. Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Nguyễn Kim là con của An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ, là cháu nội Nghĩa Huân vương Nguyễn Văn Lang thời vua Lê Chiêu Tông. Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu tham khảo phả hệ họ Nguyễn Gia Miêu cho rằng Nguyễn Kim và Nguyễn Hoằng Dụ là anh em họ. Người sinh ra Nguyễn Kim là Nguyễn Văn Lưu, anh Nguyễn Văn Lang và bác Nguyễn Hoằng Dụ.

Vào cuối đời nhà Lê Sơ, Nguyễn Kim được phong tước An Thành Hầu. Khi nhà Hậu Lê bị nhà Mạc tiếm ngôi, năm 1527, con cháu nhà Lê chạy trốn. Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê ngả về họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên vùng đất Thanh Hóa giáp Lào, được vua Lào là Sạ Đẩu thỏa thuận cho mượn đất Sầm Châu lập bản doanh phò Lê diệt Mạc.

Ai đã hạ độc, giết chết danh tướng Nguyễn Kim? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Năm 1520, Nguyễn Kim đem quân ra Thanh Hoa. Mạc Đăng Doanh sai tướng là Ngọc Trục giao chiến ở huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa), Ngọc Trục thua chạy. Năm 1531, Nguyễn Kim đánh phá được tướng Mạc là Nguyễn Kính ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Khi tiến đến đò Điềm Thủy ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình), lại giao chiến với tướng Mạc là Lê Bá Ly, gặp trời mưa lớn nhiều chiến thuyền tiếp nhau tiến đến buộc Nguyễn Kim phải rút quân về sách Sầm Hạ ở Ai Lao.

Năm 1533, Nguyễn Kim đã tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Thanh Hóa và đưa sang Sầm Châu tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông. Năm 1540, Nguyễn Kim tiến binh về nước, đóng giữ ở Nghệ An, hào kiệt theo rất nhiều. Năm 1542, Nguyễn Kim cho đánh chiếm từng bước các huyện ở Thanh Hóa.

Năm 1543, Nguyễn Kim rước vua Lê tiến binh ra Tây Đô để đánh Mạc Chính Trung (con thứ 2 của Mạc Đăng Doanh) và sau đó xây dựng hành điện ở xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Kim được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng Quốc công, nắm giữ tất cả binh quyền. Năm 1543, quân của Nguyễn Kim đánh chiếm Tây đô (Thanh Hoá). Như vậy, Nguyễn Kim đã giúp vua Lê từng bước đánh chiếm lại các vùng đất đã mất và được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng Quốc công, nắm giữ tất cả binh quyền.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị ám sát sau kế trá hàng của một võ tướng nhà Mạc. Đó là Dương Chấp Nhất, người Hoằng Hóa (Thanh Hóa), quan nội thị, võ tướng triều Mạc Đăng Doanh, làm đến chức Chưởng bộ, được phong tước Trung Hậu hầu, giao coi 3 phủ Thanh Hóa, làm Tổng trấn cả một phương. Khi thấy chủ của Dương Chấp Nhất là Mạc Đăng Doanh luôn phải lo đối phó với thanh thế nhà Lê, nên Dương Chấp Nhất đã hiến kế xâm nhập vào nội bộ nhà Lê để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ này. Để thực hiện mưu kế, Dương Chấp Nhất đã giao nộp cả gia đình cho nhà Lê và tỏ ý hàng phục. Vua Lê tỏ rõ vui mừng khi biết mình đã thu phục được một tướng tài của nhà Mạc, không mảy may nghi ngờ âm mưu của Nhất.

Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần trong triều, đặc biệt là Thái sư Nguyễn Kim. Bởi vậy, khi Nhất mở tiệc thiết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không biết đó là một cạm bẫy chết người. Thức ăn nước uống dành cho Nguyễn Kim đã bị tẩm độc và vị tướng lỗi lạc của nhà Lê đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Một vật cản lớn của nhà Mạc đã bị loại bỏ. Sau đó, Dương Chấp Nhất đã trốn thoát và được Mạc Đăng Doanh trọng thưởng vì công trạng của mình.

Lời bàn về việc Dương Chấp Nhất đầu độc chết Nguyễn Kim

Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì quả là vì quá tin người mà vua Lê đã rước về một tên phản nghịch để rồi hắn đã hại chết chính cận thần của mình. Trớ trêu thay, tuy là hung thủ gây án mạng nhưng lại được ung dung lĩnh thưởng. Bởi thế sự việc này chỉ xảy ra dưới thời xưa mà thôi. Nếu chiếu theo pháp luật ngày nay, thì Dương Chấp Nhất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tiếc rằng, một dũng tướng đã bao phen cầm gươm lên ngựa lặn lội rừng sâu, chịu lam sơn chướng khí để khôi phục nhà Lê mà vẫn bảo toàn được tính mạng. Nhưng chỉ vì một chút mất cảnh giác, lại không lường được âm mưu quỷ quyệt của kẻ mưu hại, mà Nguyễn Kim đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Thế mới hay rằng, câu nói dưới đây của người xưa quả là không sai: Họa hổ họa bì nan họa cốt; Tri nhân tri diện bất tri tâm. Nghĩa là vẽ cọp thì vẽ được lông, chứ không vẽ được xương; Biết người biết mặt chớ không thể biết được lòng người. Và giai thoại trên đây đã để lại nhiều điều suy ngẫm cho hậu thế về phép ứng xử và thuật dùng người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem