“Đổ thêm dầu vào lửa”...
Người tiêu dùng còn chưa hết bức xúc vì bị mất oan hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng vì những bất cập về cách tính thuế, giá xăng dầu thì các doanh nghiệp xăng dầu chiều nay (18.3) cho biết, họ đang bán xăng dầu với giá thấp hơn giá cơ sở tới cả hơn nghìn đồng/lít, kg.
Cụ thể, trao đổi với phóng viên Dân Việt chiều nay (18.3), đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, giá xăng dầu thành phẩm thế giới kể từ kỳ điều hành gần nhất (4.3.2016) đã tăng cao trở lại, trung bình ước khoảng 47 USD/thùng với xăng và khoảng 45 USD/thùng với dầu.
Tính thuế phí, giá cơ sở mặt hàng xăng đang cao hơn giá bán lẻ hơn 1.000 đồng/lít (chưa tính hỗ trợ từ quỹ bình ổn) và dầu là hơn 1.200-1.400 đồng/lít, kg (chưa tính hỗ trợ từ quỹ bình ổn).
Nếu trừ đi mức hỗ trợ từ quỹ bình ổn với xăng hiện là 370 đồng/lít và dầu là hơn 900 đồng/lít thì các doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ từ khoảng 400 đến hơn 600 đồng/lít, kg; tức nếu đúng như tính toán của doanh nghiệp thì giá xăng dầu ngày mai sẽ phải điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 400-600 đồng/lít, kg.
“Tôi nghĩ các cơ quan quản lý sẽ lại sử dụng quỹ bình ổn bù đắp khoản chênh lệch để giữ ổn định giá bán các mặt hàng xăng dầu cho người tiêu dùng kỳ điều hành dự kiến ngày mai. Bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước như hiện nay, chẳng ai lại muốn “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán cá nhân của tôi.”-vị đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Không thể đá quả bóng trách nhiệm!
Thực tế, câu chuyện lỗ lãi, giá bán xăng dầu cao hay thấp so với giá cơ sở trong mỗi kỳ điều chỉnh chỉ có doanh nghiệp và các cơ quan quản lý biết, hầu hết người dân đều không được rõ.
Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có thể hưởng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này cho thấy rõ sự phi lý. Nếu báo chí không “khui ra” thì có lẽ nó vẫn cứ “êm trôi và phẳng lặng” trên thị trường xăng dầu. Người tiêu dùng tiếp tục bị thiệt thòi còn các doanh nghiệp xăng dầu có thể nghiễm nhiên thu lời hàng nghìn tỷ đồng từ các bất cập này.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Chưa kể gian lận thuế nhập khẩu tính trong giá bán cho người tiêu dùng chưa được làm rõ, Liên bộ Công thương - Tài chính đã không xác định giá xăng dầu thế giới trong thời kỳ định giá, mà dựa vào thông tin của Petrolimex tự mua thông tin về giá xăng dầu thế giới trên tờ Platt’s Singapore để xây dựng giá cơ sở xăng dầu. Giá này là không chuẩn xác, thường cao hơn giá mua xăng dầu thực tế của doanh nghiệp.
“Trong hoạt động kinh doanh trên thương trường, giá được thông tin trên tờ tin, hoặc quảng cáo, đó là giá chào bán. Còn trên thực tế mua rất ít trường hợp doanh nghiệp, đơn vị mua theo giá đó. Thông thường giá họ mua là giá thấp hơn, bởi nó còn phụ thuộc vào đối tác mua có quan hệ như thế nào với người bán, phương thức thanh toán, số lượng mua, thời hạn thanh toán v.v…”-ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng đồng tình và cho rằng, cách điều hành và việc định giá xăng dầu cơ sở rõ ràng đang rất có vấn đề, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. “Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều được giao nhiệm vụ xác định giá cơ sở xăng dầu và ban hành các văn bản thực hiện thì không thể “đá quả bóng trách nhiệm”-ông Thắng nêu rõ.
Việc hoàn trả lại tiền “mất oan” cho người dân trong trường hợp nếu báo chí và dự luận phản ánh đúng đã bị cho là không có cơ sở pháp lý và rất khó thực hiện. Do vậy, việc cần làm lúc này là các cơ quan quản lý cần kiểm tra lại một cách công tâm và trả lời công khai trước dư luận. Nếu các doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn không phải từ “tài” kinh doanh mà do “lỗ hổng” chính sách, thuế, phí… thì phải được sửa ngay để giá xăng dầu và cách thức điều hành nó phù hợp giữa lợi ích của Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng.
Kỳ điều hành hôm 4.3, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, đồng thời sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp chênh lệch giá xăng dầu cơ sở với giá bán lẻ.
|
Nối tiếp đà tăng trong phiên vừa qua, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tại thị trường châu Á sáng nay (18.3) đã vượt mốc 40 USD/thùng, lần đầu tiên trong năm 2016 khi thị trường lạc quan hơn về nguồn cung và đồng USD suy yếu. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường châu Á có lúc đã vượt lên mốc 40,55 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17.3 tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn đã tăng lên mức 40,20 USD/thùng, tăng 4,5% so với phiên liền kề. Giá dầu Brent tại Mỹ cũng đóng cửa ở mức 41,54 USD/thùng, tăng 1,21 USD so với phiên trước đó. Có thời điểm giá dầu Brent đã leo lên mức 41,60 USD/thùng – mức cao nhất trong năm.
Giá dầu thế giới đã phục hồi hơn 50% từ mức thấp nhất trong 12 năm nay (từ mức 26 USD/thùng đối với dầu thô ngọt nhẹ Mỹ và 27 USD/thùng đối với dầu Brent) sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đề xuất ý tưởng “đóng băng” sản lượng dầu. Như vậy, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đã có tuần tăng thứ 5 liên tiếp – chuỗi ngày tăng giá dài nhất trong năm. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng có tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.