Ai góp phần làm cho Donald Trump nổi lên?

Thanh Minh (tổng hợp) Thứ tư, ngày 22/06/2016 06:22 AM (GMT+7)
Khi Donald Trump bước vào cuộc đua Tổng thống Mỹ vào tháng 6 năm ngoái, cái tên Trump dường như mờ nhạt giữa một danh sách đông đảo những thượng nghị sĩ và thống đốc Đảng Cộng hòa đương nhiệm và tiền nhiệm. Vậy mà sau 1 năm, giờ người ta nhắc đến Trump như một ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng...
Bình luận 0

Ai góp phần làm cho Trump nổi lên?

Ông Trump (69 tuổi),  đã lôi cuốn hàng triệu cử tri theo Đảng Cộng hòa trong những cuộc tranh đua giành đề cử ở từng bang với chủ trương dân túy, đề cao bản địa như lời kêu gọi trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp sống tại Mỹ, cấm người Hồi giáo nhập cảnh cho đến khi có thể xác định có những kẻ khủng bố trà trộn hay không, xây một bức tường dọc theo biên giới Mexico ngăn chặn di dân vào Mỹ...

img

Ông Trump gần gũi với các cử tri ủng hộ mình.  ảnh: I.T

James Thurber - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống tại Đại học Mỹ ở Washington - cho rằng những gì diễn ra hiện nay phản ánh thực tế là “phe cực hữu đang hết sức tức giận” bởi “các nhà lãnh đạo chưa hiện thực hóa những hứa hẹn của họ - chẳng hạn như cắt giảm bộ máy chính quyền, hủy bỏ đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền và chấm dứt các hoạt động ủng hộ quyền và hôn nhân đồng tính, cũng như nhiều vấn đề xã hội khác”. Theo ông Thurber, Donald Trump là một trường hợp đặc biệt, rất khó lý giải, song “rõ ràng những người có tư tưởng cực hữu đang bỏ phiếu cho ông ấy. Họ cho rằng mình đã bị bỏ rơi”.

  Trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 8.11 tới, ông Trump có phần chắc sẽ đối đầu với bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ. Bà Clinton từng là Ngoại trưởng Mỹ và đang nỗ lực trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước này. Những cuộc khảo sát ý kiến cử tri hiện tại cho thấy cuộc đối đầu giữa ông Trump và bà Clinton gần như ngang ngửa.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa có lẽ đã vô tình trực tiếp góp phần vào sự “nổi lên” của Donald Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, Donald Trump đã tiến hành một phong trào kích động những nghi ngờ về nguồn gốc xuất thân của nhà lãnh đạo da màu này, nhằm tạo ra những thách thức nhất định đối ông Obama.

John Hudak - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington, nói: “Đảng Cộng hòa cho rằng điều ông ta (Trump) làm sẽ góp phần củng cố sức mạnh của họ, và bởi vậy họ hầu như không có bất kỳ hành động nào để cản trở ông ta… Điều này giúp Donald Trump có được những ảnh hưởng nhất định trong đảng, và những ảnh hưởng này đang giúp ông ta có được những gì mà nhiều người cảm thấy hối tiếc… Donald Trump chính là hình ảnh phản chiếu của Đảng Cộng hòa, một chính đảng luôn hướng tới những lợi ích ngắn hạn mà quên mất những tính toán dài hạn”.

Trong khi đó, truyền thông lại chính là một quân át chủ bài then chốt của nhà tỷ phú tai tiếng này.

Donald Trump xuất hiện trên truyền thông với tần suất khá dày đặc, và nhờ có ông, các cuộc tranh luận của Đảng Cộng hòa đã thu hút được một lượng khán giả truyền hình lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau số lượng những người hâm mộ thể thao. Bằng công cụ truyền thông, Donald Trump đã triển khai rất tốt chiến dịch tranh cử của mình, từ việc chỉ trích các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, như John McCain, hay thậm chí là đề xuất đóng cửa biên giới Mỹ đối với người Hồi giáo.

Bài phát biểu về việc dựng nên một bức tường ở biên giới với Mexico của Donald Trump đã được phát đi phát lại để tạo hiệu ứng cao nhất. Ông cũng là ứng cử viên duy nhất có các cuộc mít-tinh với những người ủng hộ được phát sóng từ lúc bắt đầu đến tận lúc kết thúc. Tất cả những lợi thế về truyền thông này cho phép Donald Trump tiết kiệm được hàng chục triệu USD chi phí trong chiến dịch tranh cử của mình.

Những cú lội ngược dòng ngoạn mục

Ngày 16.6.2015, Donald Trump tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống, song điều này ban đầu không thu hút được nhiều sự chú ý và 2/3 thành viên đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ông. Tuy nhiên, 3 tuần sau đó, tỷ phú tai tiếng này đã gọi người nhập cư Mexico là những kẻ tội phạm và hiếp dâm, chính thức gây ra một cơn bão dư luận được cho là sự mở màn của chiến dịch tranh cử với mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”- một chiến dịch được truyền thông hậu thuẫn và gây ra rất nhiều tranh cãi.

   Tỷ phú Donald Trump đã trở thành ứng viên duy nhất của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống. Trước ông Trump, cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ - hai chính đảng lớn ở Mỹ - chưa từng đề cử bất cứ người nào khác ngoài một viên chức dân cử đương nhiệm hay tiền nhiệm kể từ năm 1952, năm mà người hùng Thế chiến thứ hai, cựu Tướng lục quân Dwight Eisenhower, đắc cử tổng thống trong tư cách một ứng cử viên Đảng Cộng hòa.

Cựu ngôi sao truyền hình Donald Trump đã tận dụng sự tức giận của tầng lớp lao động da trắng bằng những phát biểu công kích thẳng vào vấn đề nhập cư, thương mại tự do và nhằm vào tầng lớp chính trị lạc hậu, những người mà Donald Trump từng thẳng thừng tuyên bố là đã chịu sự chi phối về tài chính của ông ta trong quá khứ. Ban đầu sự tranh cử của Donald Trump bị coi như là một trò đùa song nhà tỷ phú này đã nhanh chóng trở thành một “hiện tượng”.

Từ tỷ lệ ủng hộ nhận được chỉ là 3%, Donald Trump đã nhanh chóng trở thành ứng cử viên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Liên tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ, Donald Trump đã đánh bật nhiều ứng cử viên từng được yêu thích, trong đó có cả Jeb Bush, em trai cựu Tổng thống George W.Bush.

Sự ủng hộ mà các cử tri dành cho Donald Trump đã phá vỡ các giới hạn. Nhân vật này tỏ ra vừa bảo thủ, vừa ôn hòa, là một nhà tư bản năng động nhưng lại phản đối thương mại tự do, ủng hộ quyền sử dụng súng đạn song lại cam kết sẽ không làm ảnh hưởng tới an ninh của người dân Mỹ.

Nhà nghiên cứu Thurber cho rằng quan điểm và tư tưởng bảo thủ truyền thống không phải là điều đang chi phối các cử tri, mà chính “sự giận dữ đang chi phối họ”. Ông Hudak nhấn mạnh tư tưởng bài ngoại, âm thầm hiện hữu trong tư tưởng của phe cánh hữu tại Mỹ cũng là một trong những nhân tố đem đến thành công cho Donald Trump. 

Một số nhân vật có tiếng của Đảng Cộng hòa trước đó ủng hộ những ứng cử viên tổng thống khác giờ quay sang ủng hộ tư cách ứng cử viên và những chính sách của ông Trump. Nhưng những người khác, trong đó có ứng cử viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney, đã từ chối, nói rằng ông Trump không đại diện những quan điểm truyền thống bảo thủ của Đảng Cộng hòa và những phát biểu của ông ta xúc phạm phụ nữ, người hùng chiến tranh và người tàn tật..

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem