Ai sẽ là ứng cử viên nặng ký cho “ghế nóng” Sacombank?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 27/04/2017 15:36 PM (GMT+7)
Ngoài ông Kiều Hữu Dũng (hiện đang là Chủ tịch HĐQT Sacombank), một loạt ứng cử viên cho “ghế nóng” tại Sacombank đã chính thức lộ diện với những cái tên như Nguyễn Đức Hưởng (LienVietPostBank), Phạm Văn Phong (Vietcombank),... Ai sẽ là tân chủ tịch Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021 đang là câu hỏi được dư luận quan tâm nhiều nhất khi mỗi ứng viên đều có thế mạnh riêng.
Bình luận 0

Theo nghị quyết mà Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) vừa công bố về các ứng cử viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2017-2021, một loạt các ứng viên cho “ghế nóng” đã xuất hiện. Câu chuyện tưởng chừng sẽ dễ dàng ngã ngũ nhưng bỗng chốc lại càng “nóng” hơn khi mỗi ứng viên đều có thể xếp vào “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

So găng những ứng viên cho vị trí “ghế nóng”

Theo danh sách ứng viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 mà Sacombank vừa công bố, ở vị trí thành viên HĐQT có sự xuất hiện của 2 gương mặt mới là ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Phạm Văn Phong. Đây đều là những ứng viên nặng ký cho chức chủ tịch HĐQT STB trong nhiệm kỳ mới.

img

 Sacombank sẽ trở lại đường đua trở thành ngân hàng thương mại mạnh nhất nhì hệ thống (Ảnh: Quốc Hải)

Cụ thể với ông Nguyễn Đức Hưởng, theo công bố của STB thì thông tin về ông Hưởng khá ít ngoài dòng giới thiệu ngắn ngủi ông là Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam - Một hiệp hội có tuổi đời còn khá non trẻ lại Việt Nam. Thế nhưng, với giới đầu tư tài chính thì cái tên Nguyễn Đức Hưởng (LienVietPostBank) không phải xa lạ bởi ông không chỉ là một người có trình độ và kinh nghiệm 25 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà còn là một trong những người sáng lập LienVietPostBank.

Về trình độ học vấn, trong danh sách các ứng viên thành viên HĐQT thì ông Hưởng là người duy nhất có trình độ Tiến sĩ kinh tế. Chính vì vậy nên khi thông tin ông Hưởng về tham gia tái cơ cấu Sacombank ngay lập tức làm thị trường chứng khoán dậy sóng khi cổ phiếu STB tăng trần với dư mua rất lớn.

Một “nhân tố bí ẩn” khác đáng chú ý khác là ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Đắk Lắk. Ngoài những thông tin ông là cử nhân chính trị, thạc sĩ quản trị kinh doanh, những thông tin về quá trình công tác của ông Phong trong lĩnh vực ngân hàng khá ít. Dù vậy, cũng không thể “coi thường” ứng viên này trong cuộc cạnh tranh ghế nóng bởi ông Phong được đích thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định tham gia tái cơ cấu Sacombank. Chưa kể, Vietcombank còn là một trong những ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệp trong việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Về phía HĐQT nhiệm kỳ trước, ông Kiều Hữu Dũng cũng là ứng viên khá “nặng ký”  để tái cử vị trí "ghế nóng" này. Tuy xét về bằng cấp thì ông Dũng mới chỉ là thạc sỹ kinh tế - không nổi trội như ông Nguyễn Đức Hưởng nhưng ông Dũng cũng có bề dày 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng là Vụ trưởng tại NHNN và kinh qua nhiều vị trí như Chủ tịch Công ty chứng khoán ACB, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sacombank...

Ngoài ra, ông Dũng cũng có lợi thế là “người cũ” của Sacombank nên quen thuộc với bộ máy, với điều hành,... song có thể đây cũng là điểm bất lợi khi Sacombank đang rất cần “nhân tố mới” cho phát triển.

Một ứng viên “nặng ký” khác không thể không nhắc đến là ông Nguyễn Miên Tuấn (sinh năm 1977), hiện là phó Chủ tịch Sacombank. Theo thông tin từ Sacombank thì ông Tuấn có trình độ  thạc sỹ Tài chính Ngân hàng với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân hàng, chứng khoán và thị trường vốn ở Việt Nam. Ông Tuấn cũng từng là thành viên Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thành viên HĐQT Công ty CP Pymepharco, Chuyên viên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM…

img

Giao dịch tại một chi nhánh Sacombank (Ảnh: IT)

Sacombank sẽ trở lại đường đua?

Từng là một trong những ngân hàng mạnh nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, sau khi sự cố thâu tóm và ra đi của “cha đẻ” Đặng Văn Thành (hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công), Sacombank trong một thời gian dài luôn ở trong tình trạng bất ổn về nhân sự cao cấp, những khoản nợ xấu không dễ xử lý cùng tình trạng thua lỗ triền miên... Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, cổ phiếu STB của Sacombank lại trở thành “hàng nóng” trên thị trường khi một loạt thông tin về các Tập đoàn lớn như Novaland, Thành Thành Công và các Quỹ đầu tư nước ngoài  ngỏ ý muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank.

Dù vậy, thị trường chứng khoán sau những phiên hưng phấn của STB thì lại quay đầu khi những nhà đầu tư này rút khỏi đề án tái cơ cấu mà không rõ lý do. Vì vậy, khi những thông tin với cơ cấu thành viên HĐQT mà Sacombank vừa đề cử, thị trường cổ phiếu STB lại nóng lên khi ở thời điểm hiện tại thị giá STB đã lên tới 12.400 đồng/CP, mức giá rất cao so với thời điểm cuối năm 2016.

Tất nhiên, việc ai sẽ là tân chủ tịch Sacombank nhiệm kỳ tới vẫn là một ẩn số cho đến ngày diễn ra đại hội cổ đông thường niên chính thức của nhà băng này (dự kiến ngày 26.5 tới). Tuy nhiên, với giới đầu tư và có lẽ cũng là mong mỏi bức thiết nhất của các cổ đông thời điểm này đó là Sacombank nhanh chóng ổn định, trở lại đường đua giành vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất nhì trong hệ thống các tổ chức tín dụng...

Theo báo cáo tài chính được công bố, kết thúc quý I.2017, Sacombank lãi trước thuế hơn 309 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, còn nợ xấu giảm xuống 4,88% so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm; lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận của Sacombank chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh ngoài ngành như dịch vụ tăng gần 70 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối thu về 147 tỷ đồng lãi thuần, tăng khoảng 84 tỷ đồng so với cùng kỳ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem