Ánh mắt nhiều lưu luyến của họa sỹ Bùi Xuân Phái trong bức chân dung tự họa cuối cùng
Dự báo trước cái chết
Họa sỹ Bùi Xuân Phái là một trong những nghệ sỹ vẽ tranh tự họa nhiều nhất Việt Nam. Tạng chất nhẹ nhàng và dễ xúc động, dễ bị tác động trước sự thay đổi của cuộc sống dường như đã giúp ông dự báo được ngày ra đi của mình. Dù trước đó, ông vẽ nhiều tự họa và bức nào cũng mang một nỗi buồn phảng phất, một tâm trạng nhiều u sầu. Nhưng tất thảy đều không có được sự khốc liệt, dữ dội bằng các bức tự họa ông vẽ những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Cái dữ dội ở đây không mang nhiều ý nghĩa về khả năng diễn tả tinh tế nhưng nặng về tâm trạng. Ánh mắt của Bùi Xuân Phái trong các bức chân dung tự họa đầy lưu luyến, thậm chí, theo họa sỹ Bùi Thanh Phương, con trai họa sỹ Bùi Xuân Phái thì “ánh mắt của cụ Phái trong tranh nhìn rất tội, dù còn nhiều lưu luyến với cõi nhân gian nhưng ông không thể chống lại cái chết cận kề”. Cũng ở giai đoạn này, Bùi Xuân Phái vẽ nhiều chân dung tự họa nhất. Bức nào vẽ ra, tranh chưa kịp ráo mực, khách đã giằng lấy đòi mua.
Để vẽ thật nhất dung nhan của mình, nhiều đêm, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã đứng trước gương để nhìn thật kỹ đặc điểm khuôn mặt. Nếu như thời trai trẻ, mỗi lần tự họa, ông thường cho thêm những vật dụng gắn liền với sự nghiệp nghệ thuật như cây bút, bảng pallete… thì ở các bức tự họa cuối đời, Bùi Xuân Phái chỉ đặc tả khuôn mặt. Ông bộc trực thể hiện tâm can trước người xem.
Được sống giữa tình yêu của gia đình, bạn bè nên các bức tự họa chân dung của Bùi Xuân Phái không nặng nề, ám ảnh người xem trước số phận nghiệt ngã nhưng ánh mắt lại đau đáu nhiều nuối tiếc. Ngày họa sỹ ra đi, gia đình có ý định sẽ để mọi người được nhìn mặt họa sỹ lần cuối nên đã tìm cho ông một cỗ quan tài có tấm kính. Là người cuối cùng kiểm tra các khâu trước khi phát tang, nhìn mặt cha, họa sỹ Bùi Thanh Phương giật mình vì dung nhan họa sỹ giống hệt trong một bức tranh tự họa vẽ cách đó ít ngày. Thương cảm cho cha, người còn nhiều nặng nợ với cuộc đời, họa sỹ đã quyết định đóng nắp quan tài lại.
Chân dung tự họa của Nguyễn Sáng, tác phẩm ám ảnh người xem
Cuộc đời cô đơn, trắc trở
Bức chân dung tự họa của danh họa Nguyễn Sáng được ông hoàn thành ít ngày trước khi mất. Tác phẩm ám ảnh người xem bởi ông đã khắc họa cuộc đời mình một cách xuất sắc. Đôi mắt ông mở to, gương mặt khắc khổ, ánh nhìn không trách móc, giận hờn. Trái ngược với sự nghiệp hội họa sáng chói, để lại cho nền nghệ thuật nước nhà nhiều tác phẩm đặc sắc, cho đến cuối cuộc đời, ông đã sống trong sự lặng lẽ, cô đơn và túng quẫn. Tại tang lễ của ông, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng viết “Tôi chưa bao giờ đến viếng một đám tang nào lặng lẽ, cô đơn đến thế. Tranh của anh thì hào hoa mà đời rượu của anh thì tồi tàn, tội nghiệp”.
Lúc còn sống, Nguyễn Sáng đã từng nói đùa với nhà điêu khắc Diệp Minh Châu rằng “Khi liệm tôi, các ông trổ hai lỗ tròn ở hai vách áo quan để hai bàn tay tôi thò ra để thiên hạ biết rằng khi vào đời Nguyễn Sáng chỉ có hai bàn tay không và khi ra đi cũng vậy”. 50 tuổi, ông mới lấy vợ. Tưởng như hạnh phúc đã đến với người họa sỹ tài hoa thì nào ngờ, thần chết đã cướp đi người vợ còn quá trẻ bởi một căn bệnh hiểm nghèo. Đau khổ và cô đơn, những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông đã vẽ bức chân dung tự họa và tác phẩm đã hoàn thành sứ mệnh của mình để mỗi khi nhìn vào bức họa, người đời sẽ không quên một danh họa Nguyễn Sáng với cuộc đời nhiều trắc trở và bi thương.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét, “Phần lớn các họa sỹ chẳng ai thích tự họa chân dung. Bởi tác phẩm công khai bộc lộ số phận, sự ám ảnh của tác giả và trần trụi đưa ra trước mọi người. Nguyễn Sáng là một người như thế. Ông vẽ không nhiều tự họa nhưng tác phẩm ấy luôn ám ảnh bất cứ ai trước cuộc đời trắc trở và cô đơn của một nghệ sỹ tài hoa”.
(Theo ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.