AMM-56: ASEAN và các đối tác thúc đẩy hợp tác hàng hải, quốc phòng, an ninh lương thực
AMM-56: ASEAN và các đối tác thúc đẩy hợp tác hàng hải, quốc phòng, an ninh lương thực
BNG
Thứ sáu, ngày 14/07/2023 21:32 PM (GMT+7)
Hôm nay trong khuôn khổ AMM-56 đã diễn ra Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30, Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - Hoa Kỳ.
Chiều 14/7, trong khuôn khổ AMM-56, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các nước dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 30.
Các nước khẳng định tầm quan trọng của ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh, đóng góp vào các nỗ lực chung xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Các nước nhấn mạnh ARF là cấu phần không thể thiếu trong cấu trúc khu vực với ASEAN ở trung tâm. Trong bối cảnh biến động phức tạp, khó lường, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hiệu quả hoạt động của ARF, phát huy giá trị, sức sống và khả năng thích ứng của Diễn đàn trước các cơ hội, thách thức cả hiện tại và tương lai.
ASEAN - Trung Quốc hướng tới COC thực chất, hiệu quả
Các nước nhất trí sẽ duy trì hợp tác trong các lĩnh vực an ninh biển, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, hợp tác quốc phòng, gìn giữ hòa bình,… và thông qua danh mục các hoạt động năm 2023-2024.
Việt Nam sẽ đồng chủ trì một số hoạt động của ARF về thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố hoá học, sinh học, hạt nhân và phóng xạ. Dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo Việt Nam sẽ đồng chủ trì Nhóm giữa kỳ ARF về Cứu trợ thảm họa nhiệm kỳ 2024-2026 cùng Bangladesh và Sri Lanka.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 30 năm thành lập ARF do Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Canada đồng bảo trợ. Tuyên bố tái khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết thúc đẩy đối thoại xây dựng, tăng cường hợp tác, đảm bảo sự tham gia chủ động, đầy đủ và đóng góp của các nước cho sự phát triển của ARF.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định cách tiếp cận của Việt Nam, lấy đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin làm công cụ chủ yếu trong giải quyết các bất đồng, khác biệt. Bộ trưởng khẳng định, 30 năm qua, thông qua tham vấn, ASEAN đã thành công trong xây dựng lập trường chung về Biển Đông với những nguyên tắc như kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
"Trong khi cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, ASEAN và Trung Quốc đang cùng nhau hướng tới một bộ COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982." Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn điểm lại những bước phát triển của ARF trong 30 năm qua, nhấn mạnh đóng góp to lớn của ARF là hình thành thói quen tham vấn và đối thoại. Quá trình xây dựng lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông là minh chứng rõ nét về những nỗ lực và thành quả của tham vấn, khẳng định và đề cao các nguyên tắc cơ bản như giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trao đổi về định hướng tương lai, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững mục tiêu và nguyên tắc của ARF, định hình các chương trình nghị sự thực chất, phát huy trách nhiệm của các thành viên và duy trì cách tiếp cận cân bằng, bao trùm. Văn hóa đối thoại và tham vấn cần được duy trì, củng cố và phát triển với ASEAN ở vị trí trung tâm, qua đó đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Thảo luận về tình hình quốc tế, khu vực, các nước trao đổi về các diễn biến phức tạp gần đây, chia sẻ quan điểm cân bằng, khách quan của ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế.
Thông qua Kế hoạch Hành động EAS 2024 - 2028
Sáng 14/7, tiếp tục dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - Hoa Kỳ.
Các nước cùng nhau kiểm điểm, định hướng hợp tác, trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực, và chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao tháng 9 tới tại Indonesia.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EAS khẳng định ý nghĩa đặc biệt của EAS, là diễn đàn của các Lãnh đạo Cấp cao đối thoại về các nội dung chiến lược, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng bền vững tại khu vực. Trên cơ sở đó, các nước cam kết sẽ phát huy hơn nữa vai trò của EAS, lấy đối thoại chân thành, tham vấn tin cậy, hợp tác thiết thực làm công cụ chủ yếu trong trao đổi. Các Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí sẽ cùng góp phần nâng cao khả năng thích ứng của các nước, định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch, đề cao luật pháp quốc tế với ASEAN ở vị trí trung tâm.
Hội nghị thông qua Kế hoạch Hành động EAS giai đoạn 2024 - 2028, với 16 lĩnh vực cụ thể như phát triển bền vững, hợp tác hàng hải, xúc tiến thương mại, kết nối, giáo dục, an ninh lương thực, trao quyền cho phụ nữ…
Triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ, các Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp nối những phát triển trong hợp tác sau thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm tháng 5/2022, phát huy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN. Các đại biểu cũng cam kết sẽ phối hợp làm sâu sắc quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống. Đồng thời, ASEAN và Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...
ASEAN hoan nghênh đề xuất của Hoa Kỳ tham gia hợp tác triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Nhân dịp này, Ngoại trưởng Anthony Blinken thông báo sẽ thành lập Trung tâm ASEAN - Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực này.
Tại các Hội nghị, các nước đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực. Các Đối tác khẳng định ủng hộ các nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.
Chia sẻ ý kiến tại các Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các Đối tác cần thể hiện tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trên thực tế, cùng ASEAN thúc đẩy đối thoại, tham vấn, xây dựng lòng tin, ứng phó các thách thức chung, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và đề cao luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, đề nghị các Đối tác tiếp tục ủng hộ và đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực do ASEAN dẫn dắt trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
* Kết thúc chuỗi Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao đã thông qua và ghi nhận gần 40 văn kiện các loại, trong đó Thông cáo chung Hội nghị AMM-56 phản ánh toàn diện các nội dung và kết quả thảo luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.