Mục tiêu của chương trình nhằm cấp từ 3 đến 7kg ngũ cốc cho mỗi đầu người hàng tháng. 70% dân số Ấn Độ tức khoảng 800 triệu dân sẽ được hưởng khoản trợ cấp này.
Theo lời Bộ trưởng Lương thực, K.V Thomas, toàn bộ Chính phủ đã nhất trí thông qua chương trình nói trên. Văn bản này sẽ được trình lên tổng thống. Một khi được Tổng thống Pranab Mukherjee ban hành, đạo luật về an toàn lương thực của Ấn Độ sẽ có hiệu lực trước khi được Quốc hội thông qua.
Giá lương thực, thực phẩm tại Ấn Độ tăng nhanh trong 7 năm qua. Dù đã là thành viên G20- nhóm 20 nền kinh tế có trọng lượng nhất trên thế giới, nhưng tại Ấn Độ vẫn có tới 42% số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng suy dinh dưỡng ở Ấn Độ còn phổ biến hơn cả vùng Hạ Sahara của châu Phi. UNICEF nói rằng 1 trong 3 trẻ em ở Ấn Độ bị suy dinh dưỡng và gần một nửa số ca tử vong ở trẻ em là do suy dinh dưỡng
Chủ tịch Đảng Quốc đại, bà Sonia Gandhi, ủng hộ chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo nói trên. Đây cũng là một trong những cam kết của đảng này trong chương trình tranh cử năm 2009.
Chương trình cung cấp lương thực cho 70% dân số Ấn Độ được đưa ra vào lúc Đảng Quốc đại và nội các của Thủ tướng Manmohan Singh đang bị suy yếu vì một loạt các vụ tai tiếng tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu hụt hơi. Năm 2012, GDP của Ấn Độ tăng 5%, nhưng theo thẩm định của chính quyền New Delhi thì tổng sản phẩm nội địa phải tăng 10% mới bảo đảm được cơm no áo ấm cho 1,2 tỷ dân.
Các nhà phân tích nói rằng chương trình hỗ trợ người nghèo nói trên được đề ra để gia tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Quốc đại cầm quyền trước các cuộc bầu cử vào năm tới.
Các đảng đối lập khắp Ấn Độ đã đặt câu hỏi về việc vội vã thực thi chương trình mà đáng lẽ ra phải được mang ra thảo luận tại phiên họp sắp tới tại Quốc hội.
Hạ Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.