Ấn Độ chiếm 21/30 thành phố ô nhiễm không khí nhất hành tinh, nồng độ bụi mịn Hà Nội vượt Bắc Kinh

26/02/2020 17:32 GMT+7
New Delhi (Ấn Độ) là thủ đô ô nhiễm nặng nhất thế giới, theo báo cáo của IQAir AirVisual, một tổ chức nghiên cứu chất lượng không khí toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Ấn Độ chiếm 21/30 thành phố ô nhiễm không khí nhất hành tinh, nồng độ bụi mịn Hà Nội vượt Bắc Kinh  - Ảnh 1.

Bản đồ chất lượng không khí toàn cầu năm 2019 (CNN)

Ấn Độ cũng là quốc gia có tới 21 thành phố nằm trong top 30 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh, kết quả nghiên cứu của IQAir AirVisual dựa trên lượng bụi mịn PM2.5 độc hại tại các khu vực đô thị lớn. Trong đó, Ghaziabad, một thành phố nằm gần thủ đô New Delhi, phía bắc bang Uttar Pradesh được xem là thành phố ô nhiễm nhất hành tinh với chỉ số chất lượng không khí (AQI) năm 2019 lên tới 110,2, tức gấp 9 lần mức mà cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ công nhận là chất lượng không khí lành mạnh.

PM2.5 là các hạt có đường kính dưới 2,5 micron và có khả năng thâm nhập sâu vào phổi. Nồng độ PM2.5 cao có thể gây ra các bệnh lý chết người bao gồm ung thư và các vấn đề về tim mạch.

Năm 2019, New Delhi cũng dẫn đầu bảng xếp hạng các thủ đô ô nhiễm nhất hành tinh với nồng độ bụi mịn trong một mét khối không khí lên tới 98,6, cap gấp đôi thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc với nồng độ bụi mịn 42,1. Tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi được cho là do lượng khí thải lớn từ các phương tiện giao thông và nhà máy công nghiệp, bụi từ các công trình xây dựng, khói độc từ việc đốt rác thải và rơm rạ trên các cánh đồng.

Mức độ ô nhiễm không khí ở New Delhi trầm trọng đến nỗi các cơ quan chức năng thậm chí gọi đây là một trường hợp khẩn cấp về y tế quốc gia. Giới chức đã phải cho học sinh nghỉ học hai lần khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt quá 800, tức gấp 3 lần mức “nguy hiểm”.

Một số nghiên cứu cho thấy trong năm 2019, Ấn Độ đã phần nào cải thiện nồng độ bụi PM2.5 so với một năm trước đó sau hàng loạt nỗ lực làm sạch không khí của chính phủ. Ví dụ, thành phố ô nhiễm nhất hành tinh Ghaziabad có AQI trung bình là 110,2 trong năm 2019. Nhưng năm 2018, AQI của Ghaziabad đạt tới 135,2 và năm 2017 là 144,6. Tuy nhiên, chừng đó nỗ lực chưa đủ để đưa nước này thoát khỏi những vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng. 

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu tập trung vào tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch, ung thư và nhiễm trùng đường hô hấp.

Người ta ước tính rằng hơn 80% dân cư sống ở khu vực thành thị, đặc biệt là các đô thị ở những quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình, bị phơi nhiễm với mức chất lượng không khí vượt quá giới hạn lành mạnh của WHO.

"Ô nhiễm không khí đang tạo thành nguy cơ lớn và cấp bách nhất đối với dân số toàn cầu", báo cáo của AirVisual nhấn mạnh.

Các quốc gia Nam Á láng giềng Ấn Độ như Pakistan hoặc Bangladesh cũng chịu chung tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, khi 27/30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều nằm ở khu vực này. Theo dữ liệu của AirVisual, 3 thành phố Gujranwala, Faisalabad và Raiwind của Pakistan cũng nằm trong số mười thành phố ô nhiễm nhất hành tinh.

Ấn Độ chiếm 21/30 thành phố ô nhiễm không khí nhất hành tinh, nồng độ bụi mịn Hà Nội vượt Bắc Kinh  - Ảnh 3.

Hà Nội vượt mặt Bắc Kinh về nồng độ bụi mịn, theo IQAir AirVisual

Xếp sau Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông cũng là hai khu vực chịu tác động nặng nề của tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ có 6/355 thành phố tại ba khu vực này đáp ứng các tiêu chí chất lượng không khí của WHO, theo báo cáo của IQAir AirVisual.

Tại Đông Nam Á, vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng được cho là do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp nhanh chóng, một thách thức lớn với công tác quản lý ô nhiễm môi trường. Báo cáo của IQAir AirVisual chỉ ra rằng Hà Nội lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh trong danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Hiện, nồng độ bụi mịn PMI2.5 của Hà Nội cao hơn khoảng 20% so với Bắc Kinh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục